Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, virus Corona lây từ người sang người thông qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh. Tùy thuộc vào mức độ lây lan của chủng virus, việc ho, hắt hơi hay bắt tay có thể khiến người xung quanh bị phơi nhiễm.
Chủng mới của virus Corona (nCoV) nằm trong các giọt bắn lớn. Một phần nCoV trong các giọt bắn sẽ lưu lại trên bề mặt xung quanh như mặt bàn, ghế, tài liệu, đồ dùng, tay nắm cửa, cốc chén... Người lành có thể lây nhiễm nCoV qua tiếp xúc trực tiếp với các giọt bắn lớn, hoặc chạm vào các bề mặt bị nhiễm nCoV và mang theo nCoV lên miệng, mũi của mình.
Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo nên đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người và nhất nhiết phải đeo khẩu trang đúng cách để đạt hiệu quả phòng chống lây nhiễm.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp y tế công cộng Việt Nam cho biết, việc đeo khẩu trang có tác dụng phòng chống bệnh hô hấp, giảm nguy cơ bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường, khói bụi, phòng nhiều bệnh khác như cúm.
Tuy nhiên, cần xác định dịch bệnh ở mức độ nào, nguy cơ nào, lúc nào thì dùng khẩu trang. Trong thời điểm nCoV chưa lây lan mạnh mẽ trong cộng đồng, người dân có thể dùng khẩu trang y tế thông thường và khẩu trang vải được giặt sạch hàng ngày bằng xà phòng để dùng lại cho lần sau. Cần lưu ý khi đeo khẩu trang vải phải che kín cả mũi lẫn miệng; khi tháo khẩu trang, chỉ cầm vào dây đeo qua tai để tháo. Tránh chạm tay vào bề mặt khẩu trang khi đang đeo…
Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Phổi trung ương Lê Văn Chính cho biết, trong thời điểm này, người dân không cần thiết sử dụng các loại khẩu trang chuyên dụng vì chỉ cần khẩu trang y tế thông thường ba lớp là có thể phòng ngừa được nCoV.
Chỉ người chăm sóc bệnh nhân, nhân viên y tế điều trị trực tiếp, đi vào ổ dịch mới dùng khẩu trang N95 và quần áo bảo hộ lao động chuyên dụng. Khẩu trang N95 lọc được 95% bụi mịn 0.3 micron trong không khí, nhưng kích thước của virus nCoV khá lớn 150 - 200nm (nano mét), các virus này chủ yếu cư trú trong giọt nước bọt lớn, vì vậy người dân dùng khẩu trang y tế một lần là cách phòng bệnh đơn giản và hiệu quả mà không cần sử dụng loại N95.
Theo Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Phổi trung ương, để đảm bảo hiệu quả cần sử dụng khẩu trang đúng cách. Đó là phải đeo chiều có thanh kim loại lên phía trên và nếp gấp của khẩu trang phải xuôi xuống phía dưới. Khi đeo, phải đảm bảo thanh kim loại ôm khít lên mũi; khẩu trang phải che kín mũi và cằm mới đảm bảo loại trừ được yếu tố nguy hại.
“Khẩu trang y tế chỉ nên sử dụng một lần. Nhiều người thường tái sử dụng loại khẩu trang này. Người thì sau khi đeo xong gấp bỏ túi, người cẩn thận thì cho vào túi nilông; người thì kéo xuống dưới cằm… tất cả đều không đúng theo quy định và làm giảm tác dụng của việc đeo khẩu trang. Những khẩu trang đã đeo chỉ nên sử dụng một lần rồi bỏ vào thùng rác an toàn, có nắp đậy”, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn chia sẻ.
Các chuyên gia khuyến cáo, để đề phòng dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV, chỉ sử dụng khẩu trang khi đi ra đường, khi vào bệnh viện chăm sóc người bệnh, khi đến chỗ đông người, người có triệu chứng bệnh. Khi mang khẩu trang tuyệt đối không sờ tay vào hoặc thậm chí chỉnh sửa khẩu trang sẽ vô tình làm cho bàn tay lây nhiễm vi rút và các tác nhân gây bệnh khác, sau đó truyền bệnh lại cho chính mình và những người xung quanh.
Khi tháo khẩu trang chỉ được cầm vào dây đeo qua tai, tháo ra cho vào thùng rác an toàn. Tuyệt đối không dùng tay cầm vào khẩu trang để tháo ra, thói quen lấy tay vo khẩu trang lại sẽ gây lây nhiễm vi rút và các tác nhân gây bệnh khác cho bàn tay. Rửa tay với xà phòng và nước sạch ngay sau khi vứt bỏ khẩu trang.
Bên cạnh đó, do nCoV cũng có thể bị lây từ việc chạm tay vào một vật mà người bệnh chạm vào, sau đó đưa lên miệng, mũi và mắt, vì vậy cần vệ sinh tay thường xuyên bằng xà phòng với nước sạch từ 20 giây hoặc với dung dịch vệ sinh tay có chứa cồn khi không có nước sạch và các loại xà phòng rửa tay khác…