Kiểm tra sức khỏe, cấp thuốc điều trị dự phòng và nâng cao thể trạng cho bệnh nhân mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân ở xã Ba Điền. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN |
Năm 2014, Bộ Y tế đã công bố một trong những nguyên nhân gây ra hội chứng viêm da dày sừng bàn tay bàn chân ở Quảng Ngãi là do người dân ăn gạo mốc có chứa độc tố Aflatoxin. Vì vậy, khi phát hiện 2 ca bệnh mắc hội chứng, Sở Y tế Quảng Ngãi đã thành lập đoàn công tác kiểm tra thực tế gia đình 2 bệnh nhân tại thôn Làng Chai, xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà. Qua kiểm tra cho thấy số gạo gia đình đang dùng có dấu hiệu ẩm mốc, nhiều hạt gạo bị đen, có mùi khó chịu. Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đã lấy mẫu gạo để tiến hành xét nghiệm độc tố nấm Aflatoxin - tác nhân gây ra tổn thương gan, thậm chí là ung thư gan cho người sử dụng.
Chị Đinh Thị Hôn, vợ anh Đinh Văn Hoa (bệnh nhân mới mắc hội chứng viêm da), cho biết: Gia đình đang ăn gạo từ vụ lúa năm 2015. Lúa này cũng có phơi qua nắng rồi mới đem ủ ở chòi. Thấy gạo có hạt đen cũng không biết vì sao, nhưng lâu nay cũng ăn vậy nên cũng quen rồi.
Trong khi đó, qua kiểm tra gạo của một số gia đình tại thôn Làng Chai cho thấy gạo mà người dân sử dụng chủ yếu là từ lúa của năm 2015 và tháng 4/2016. Tại nhà chị Phạm Thị Sô, gạo tuy không được trắng nhưng lại không có hạt đen như gạo của nhà chị Hôn. Chị Sô, cho hay: “Lúa của vụ trước còn một ít ở dưới chòi, nên sau khi xát thấy gạo không được trắng, có thể là do bị lúa bị ẩm. Nên tôi đã phơi lại số lúa này trước khi mang xát”. Còn tại nhà anh Đinh Văn Suông, gạo có màu hơi vàng và cũng có lẫn hạt đen. “Thấy cha con ông Đinh Văn Nguyên bị bệnh vậy tôi cũng lo lắm, sợ bệnh lây. Nhưng nay nghe cán bộ nói bệnh không lây từ người qua người tôi cũng đỡ lo hơn. Cán bộ khuyên chúng tôi không nên sử dụng gạo mà chúng tôi đang sử dụng, nhưng không ăn thì vừa để phí mà đến tháng 9, tháng 10 tới sẽ bị thiếu đói”, anh Suông chia sẻ.
Ngoài gạo thì nguồn nước sử dụng cũng là yếu tố có nguy cơ tác động đến cơ thể người bệnh. Do vậy, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đã tiến hành lấy mẫu nước sinh hoạt để xét nghiệm các độc tố nếu có. Ngoài ra, việc khám sàng lọc tại cộng đồng cũng là cách để kịp thời phát hiện sớm ca bệnh và có hướng điều trị kịp thời, hạn chế các nguy cơ gây nguy hại đến tính mạng người bệnh.
Ông Phan Đình Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết: "Chúng tôi đã tiến hành phun hóa chất để xử lý môi trường tại khu vực thôn Làng Chai. Đồng thời lấy mẫu gạo, nước để gửi Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm. Tiếp tục giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để tiến hành điều trị kịp thời, tránh nguy cơ tử vong cho bệnh nhân."
Dự kiến, tuần tới, Trung tâm Y tế huyện Sơn Hà sẽ triển khai đợt khám sàng lọc, lấy máu xét nghiệm cho toàn bộ người dân tại thôn Làng Chai, xã Sơn Ba, nơi vừa xuất hiện 2 ca bệnh mới này. Trung tâm cũng sẽ cấp phát các vi chất dinh dưỡng để nâng thể trạng sức khỏe cho người dân nhằm loại trừ dần các yếu tố có nguy cơ tác động gây nên hội chứng viêm da dày sừng, hạn chế thấp nhất số ca mắc mới tại địa phương.
Ông Nguyễn Tấn Đức, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi cho biết: Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị y tế tiến hành ngay 3 nhóm giải pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế đối với hội chứng viêm da dày sừng. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc vệ sinh môi trường và tổ chức khám sàng lọc, kịp thời phát hiện ca bệnh mới để có hướng điều trị phù hợp; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân hiểu về cách phòng bệnh. Sở Y tế tỉnh cũng sẽ báo cáo Bộ y tế để có sự hỗ trợ trong phòng, chống bệnh nhằm hạn chế các ca bệnh mới.
Đến cuối năm 2014, Quảng Ngãi có 270 ca mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay bàn chân; đã có 23 người tử vong.
Năm 2016, đây là 2 trường hợp đầu tiên được phát hiện. Ngành y tế tỉnh đang tích cực triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn hội chứng viêm da tái phát trên diện rộng. Tuy nhiên, đáng lo ngại là hiện nay nhiều gia đình tại thôn Làng Chai, xã Sơn Ba – nơi đang tái phát hội chứng viêm da này hàng ngày vẫn đang ăn gạo mốc. Vì vậy, các cấp, các ngành cần có chính sách hướng dẫn, hỗ trợ người dân nhằm ngăn chặn bệnh bùng phát .