Theo TS. Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương), với những người đã có tiếp xúc với mầm bệnh bạch hầu, người trong vùng dịch, người thân được xem như người tiếp xúc với ca bệnh... sẽ được phòng bệnh bằng cách tiêm một liều biến độc tố bạch hầu và điều trị kháng sinh Benzathine Pénicilline hoặc Erythromycine để dự phòng.
Với người được xác định mang mầm bệnh nhưng không có triệu chứng, nếu phát hiện được vi khuẩn qua nuôi cấy thì tiêm một liều biến độc tố bạch hầu, cho Pénicilline hoặc Erythromycine 7 -10 ngày và cần được theo dõi các biến chứng.
Với trẻ em dưới 1 tuổi, việc phòng bệnh bạch hầu được thực hiện theo Chương trình Tiêm chủng mở rộng bằng tiêm các mũi tiêm vắc xin chứa thành phần bạch hầu như: Vắc xin 5 trong 1 phòng bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván – Hib – viêm gan B (DPT-VGB-Hib); tiêm khi trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi; hoặc tiêm dịch vụ với vắc xin vắc xin 6 trong 1 (phòng bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván – bại liệt – Hib – viêm gan B) hoặc vắc xin 5 trong 1 (phòng bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván – Hib – bại liệt) được tiêm khi trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi và khi trẻ 16-18 tháng tuổi.
Để phòng bệnh bạch hầu, giải pháp hữu hiệu nhất là tiêm vắc xin phòng bệnh. Lịch tiêm mũi vắc xin phòng bệnh bạch hầu được khuyến cáo như sau:
- Dưới 1 tuổi tiêm 3 mũi đầu
- 18-24 tháng nhắc lại mũi thứ 4
- 7 tuổi nhắc lại mũi thứ 5
- Mũi thứ 6 khuyến cáo tiêm cho người từ 9-15 tuổi, trước khi bước vào độ tuổi sinh đẻ.