Nắng nóng gay gắt nhiều nơi. Ảnh: TTXVN |
Mùa nắng nóng, trẻ em chơi ngoài nắng lâu rất có thể sẽ bị say nắng. Say nắng tưởng như đơn giản nhưng nếu không biết cách xử trí kịp thời có thể nguy hiểm tới tính mạng.
Theo BS, Trần Thu Thủy, Bệnh viện Nhi Trung ương, say nắng là căn bệnh nghiêm trọng nhất do nắng nóng. Bệnh xuất hiện khi cơ thể không còn khả năng kiểm soát nhiệt độ như: Thân nhiệt gia tăng nhanh chóng, ra mồi hôi không đủ để giải tỏa nhiệt, cơ thể không thể tự làm mát… Khi bị say nắng, thân nhiệt có thể lên tới 39,5 độ C hoặc cao hơn trong vòng 10-15 phút. Nếu trẻ say nắng cấp độ nặng mà không biết cách xử trí, cấp cứu kịp thời có thể dẫn tới tử vong hoặc tàn phế vĩnh viễn.
Cách phát hiện trẻ bị say nắng:
- Thân nhiệt của trẻ lên cao trên 39,5 độC
- Da nóng, đỏ và khô (không ra mồ hôi)
- Trẻ bị đau đầu, nhức nhối, chóng mặt, buồn nồn
- Trường hợp nặng, có thể bị mê sảng, mất ý thức
Cách xử trí:
- Khi thấy trẻ có những dấu hiệu như trên, cần khẩn trương gọi xe cấp cứu trong khi tìm cách hạ thân nhiệt của trẻ.
- Chuyển trẻ tới khu vực râm mát, thoáng khí.
- Nhanh chóng hạ thân nhiệt của trẻ bằng bất cứ biện pháp nào, có thể dùng vòi nước mát hay xô nước mát xối lên người, dùng khăn ướt lau người… Nếu độ ẩm không khí thấp, cần bọc trẻ trong một tấm vải ướt và mát rồi quạt thật mạnh.
- Theo dõi thân nhiệt và tiếp tục các biện pháp làm mát cho tới khi nhiệt độ xuống còn ,5 độ C hay 39 độ C.
Cách phòng tránh say nắng:
-Phải tham khảo thời tiết để lập kế hoạch cho các hoạt động ngoài trời của trẻ.
- Khi ra ngoài nắng phải cho trẻ đội mũ rộng vành, mặc quần áo thoáng mát, rộng rãi, sáng màu.
- Cho trẻ chơi tránh những nơi nắng gắt, không đứng trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời hay đứng ở nơi đông người.
- Hạn chế hoạt động thể lực mạnh, nếu nắng quá phải tìm chỗ có bóng râm để trú.
- Cho trẻ uống đủ nước, không dùng các loại nước gây lợi tiểu vì dễ gây ra tình trạng mất nước ở trẻ trong ngày nắng nóng, trẻ có thể uống 0,5-1 lít nước mát mỗi giờ.