Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, trong báo cáo ngày 3/12, giáo sư Rinaldo Bellomo, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc Đặc biệt thuộc Viện Austin Health, thành phố Melbourne, Australia, cho biết bệnh nhân là một nam giới 40 tuổi bị nhiễm trùng máu giai đoạn đầu và bệnh diễn biến xấu nhanh chóng sau khi người này mắc thêm bệnh COVID-19. Khi được chuyển tới bệnh viện, bệnh nhân này đã mất hoàn toàn chức năng thận và huyết áp giảm mạnh. Với những trường hợp như này để đảm bảo an toàn tính mạng, bệnh nhân sẽ buộc phải cắt cụt cả tứ chi.
Được sự đồng ý của phía gia đình bệnh nhân, các bác sĩ tại bệnh viên đã cho bệnh nhân điều trị bằng phương pháp tiêm vitamin C liều cao qua đường tĩnh mạch để chữa trị căn bệnh nhiễm trùng máu. Đây là phương pháp mà các nhà nghiên cứu đang thử nghiệm trên động vật.
Ban đầu, bệnh nhân đã được chỉ định dùng liều 30g Natri ascorbate (C6H7NaO6 - vitamin C) trong 30 phút sau đó duy trì sử dụng tiếp một liều 30g nữa trong 6 tiếng rưỡi tiếp theo. Con số này tương đương với lượng vitamin C có trong 5.000 quả cam. Bên cạnh đó, bệnh nhân tiếp tục được sử dụng vitamin C bổ sung là 500mg, đây là liều lượng cao gấp 60 lần thông thường và chỉ được sử dụng trong bệnh viện.
Giáo sư Bellomo cho biết bệnh nhân đã có những chuyển biến tích cực. Chỉ trong một thời gian ngắn, các chỉ số về huyết áp, nồng độ oxy trong máu, nhiệt độ và chức năng thận của bệnh nhân được cải thiện. 12 ngày sau khi bắt đầu điều trị bằng phương pháp này, bệnh nhân đã tự thở mà không cần sự hỗ trợ của máy và được cho xuất viện sau đó 22 ngày.
Theo giáo sư Clive May của Viện Florey, người đã cộng tác với giáo sư Bellomo trong nhiều năm, trong các thí nghiệm với động vật, phương pháp tiêm vitamin C liều cao đã giúp cải thiện các chức năng của các cơ quan nội tạng và não của đối tượng thí nghiệm chỉ sau ba giờ được tiêm.
Nếu phương pháp điều trị có hiệu quả tốt trên người tương tự như trong nghiên cứu trên động vật, đây sẽ là một cuộc cách mạng trong việc điều trị bệnh nhân nhiễm trùng máu tại các đơn vị chăm sóc đặc biệt trên toàn thế giới.
Liên quan đến phương pháp chữa trị này, một báo cáo đánh giá năm 2020 về bằng chứng khoa học được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ lại cho rằng vitamin C liều cao tự dùng hoặc với những thuốc có tác dụng chống viêm (steroid) không mang lại “lợi ích sống còn đáng kể” cho bệnh nhân nhiễm trùng máu hoặc sốc nhiễm trùng. Đánh giá cho thấy việc sử dụng vitamin C liều cao “chỉ trong trường hợp” hoặc “như một biện pháp cuối cùng” có thể gây ra hậu quả tiêu cực như cản trở việc phát triển các liệu pháp đã được chứng minh như sử dụng kháng sinh nhanh chóng.
Giáo sư Bellomo cho biết thử nghiệm mới trên người có thể mang lại câu trả lời khi mà nhiều thử nghiệm trước đây đã sử dụng liều lượng vitamin C thấp hơn so với liều lượng mà các nhà nghiên cứu đã làm trong cả nghiên cứu trên động vật và ở bệnh nhân COVID-19. Lượng vitamin C được dùng để tiêm cho bệnh nhân lớn hơn 50 lần so với mọi thử nghiệm trước đó đối với bệnh nhân nhiễm trùng huyết.
Hiện các bác sĩ tại Viện Austin Health đã bắt đầu một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng, kê đơn một số bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng uống một lượng lớn vitamin C và một số giả dược. Các mẫu máu sẽ được thu thập để đánh giá phản ứng miễn dịch của bệnh nhân. Cuộc thử nghiệm sẽ giúp thiết lập “liều lượng và phương pháp điều trị tối ưu” có thể được các bác sĩ tại các phòng chăm sóc đặc biệt sử dụng trong điều trị nhiễm trùng huyết như một “phương án cứu sống tiềm năng cho bệnh nhân suy đa tạng”.
Giáo sư Bellomo cũng cho biết thêm với thành công từ ca chữa trị cho bệnh nhân mới này, các bác sĩ từ khắp nơi trên thế giới đã liên hệ để tìm hiểu thêm về phương pháp điều trị này.