Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, việc sửa đổi Thông tư 39 là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong quá trình hoạt động. Về cơ bản, Hiệp hội Ngân hàng thống nhất với các nội dung sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Thông tư 39.
Các quy định tại dự thảo Thông tư 39 sửa đổi đã cụ thể hóa được nhiều nội dung quan trọng nhằm khắc phục những khó khăn, lúng túng của các tổ chức tín dụng trong thực tiễn triển khai thời gian qua như sửa đổi, bổ sung quy định về việc vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống; bổ sung quy định về hộ gia đình, tổ hợp tác và tổ chức khác không có tư cách pháp nhân khi tham gia quan hệ vay vốn cho phù hợp quy định. Đồng thời cho phép tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về thứ tự thu nợ gốc, lãi tiền vay; bổ sung quy định về hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử để tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử của tổ chức tín dụng đối với khách hàng trong thời gian tới.
Bà Bùi Thúy Hằng, Vụ phó Vụ Chính sách Tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, mục tiêu sửa đổi Thông tư 39 xuất phát từ việc nhiều nội dung của thông tư đang đi sau những thực tiễn của thị trường, đặc biệt là thực hiện cho vay bằng phương tiện điện tử mà thời gian vừa qua nhiều tổ chức tín dụng đã và đang triển khai.
“Với việc sửa Thông tư 39, chúng tôi mong muốn đưa ra được khung pháp lý chung hoàn thiện nhất cho việc cho vay bằng phương tiện điện tử, từ đó các tổ chức tín dụng có thể chủ động xây dựng, triển khai thực hiện để tránh được những rủi ro pháp lý sau này. Dưới góc độ là cơ quan tham mưu, chúng tôi đề ra thời hạn sửa đổi Thông tư 39 là chỉ trong năm 2022", bà Bùi Thúy Hằng nói.
Bên cạnh đưa ra được các điều khoản quy định đối với việc cho vay bằng phương tiện điện tử, Ngân hàng Nhà nước cũng nhận thấy cần khắc phục một số điểm trong thực tiễn thời gian qua khi triển khai thực hiện Thông tư 39 như vấn đề về chủ thể vay vốn với những đối tượng không phải là cá nhân cũng không phải là pháp nhân mà hiện nay đã được quy định trong một số nghị định về cho vay nông nghiệp, nông thôn, chúng tôi cũng đã cố gắng khắc phục để đưa vào trong Thông tư 39 nhằm có được khuôn khổ pháp lý đầy đủ.
Theo ông Nguyễn Thành Phúc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE CREDIT) hiện nay, nhu cầu cung cấp dịch vụ ngân hàng trên kênh kỹ thuật số đối với các khoản vay mục đích tiêu dùng là rất lớn, giúp khách hàng tiếp cận tín dụng ngân hàng một cách thuận tiện, dễ dàng, đẩy lùi tín dụng đen, đặc biệt là với các công ty tài chính có số lượng khách hàng lớn, tiền vay nhỏ, quy trình thẩm định và giải ngân cần nhanh gọn.
Mặc dù dự thảo Thông tư lần này đã bổ sung điều khoản quy định về hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử; trong đó cho phép tổ chức tín dụng thực hiện cho vay bằng phương tiện điện tử phải xây dựng, ban hành, công khai quy trình, hồ sơ thủ tục cho vay bằng phương tiện điện tử phù hợp với quy định tại Thông tư này, song theo ông Nguyễn Thành Phúc, nội dung này vẫn còn giới hạn tổ chức tín dụng trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thẩm định, phê duyệt tự động các khoản vay tiêu dùng do vẫn phải tuân thủ “nguyên tắc phân định trách nhiệm giữa khâu thẩm định và quyết định cho vay” của Thông tư 39.
Để tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc, bao quát cho hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử, ông Nguyễn Thành Phúc đề nghị Ngân hàng Nhà nước bổ sung quy định cho phép tổ chức tín dụng được chủ động quyết định áp dụng phương thức thẩm định, phê duyệt tín dụng một cách linh hoạt trên cơ sở bảo đảm được yếu tố độc lập và an toàn.
Cụ thể, việc thẩm định, phê duyệt cấp tín dụng thực hiện tự động trên hệ thống phần mềm đối với các khoản vay giá trị nhỏ, khoản vay cho mục đích tiêu dùng. Sự tham gia thủ công của nhân viên thẩm định, phê duyệt cấp tín dụng chỉ khi hồ sơ đề nghị vay vốn của khách hàng không đạt các tiêu chí thẩm định, phê duyệt tự động được cài đặt trên hệ thống.