Giảm 12.236 tỷ đồng tiền lãi cho khách hàng bị ảnh hưởng COVID-19

Theo thông tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chiều 28/10, tổng tiền lãi giảm lũy kế từ 15/7/2021 đến 30/9/2021 của 16 ngân hàng (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) là khoảng 12.236 tỷ đồng, đạt 59,36% so với cam kết nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân vay vốn do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
NHNN duy trì hình thức công khai kết quả thực hiện cam kết giảm lãi, phí của từng ngân hàng trên phương tiện thông tin đại chúng.

Cụ thể: Tổng tiền lãi đã giảm cho khách hàng của Agribank là 4.885 tỷ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là gần 1,27 triệu tỷ đồng cho trên 3,18 triệu khách hàng; tổng tiền lãi đã giảm cho khách hàng của Vietcombank là 1.975 tỷ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là trên 1,07 triệu tỷ đồng cho 239.4 khách hàng.

BIDV giảm cho khách hàng là 1.901 tỷ đồng tiền lãi; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là trên 1,08 triệu tỷ đồng cho 365.429 khách hàng; còn VietinBank giảm cho khách hàng là 1.417 tỷ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là trên 1,22 triệu tỷ đồng cho 533.392 khách hàng...Trong số 16 ngân hàng cam kết giảm lãi cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch, các ngân hàng khác cũng thực hiện nghiêm túc như: MB, SHB, Techcombank, ACB, VPBank, TPBank...

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định: NHNN sẽ tăng cường giám sát việc các ngân hàng thương mại thực hiện giảm lãi suất một cách thực chất. Trên cơ sở kết quả giám sát việc thực hiện giảm lãi suất, phí, NHNN sẽ xem xét và có chính sách khuyến khích hoặc hạn chế một số nội dung trong hoạt động tín dụng của ngân hàng trong năm 2022.

Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, cộng đồng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, vì vậy, để hệ thống ngân hàng giảm được lãi suất cho vay phụ thuộc vào 2 vấn đề. Thứ nhất, tiết giảm chi phí để có nguồn lực hỗ trợ; thứ hai là cắt giảm lợi nhuận. Thời gian qua, NHNN đã chỉ đạo ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất cho vay theo 2 hướng này.

“Từ nay đến cuối năm, số tiền mà các ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất cho vay sẽ tăng lên. Lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến cuối tháng 9/2021, tổng số tiền lãi các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho khách hàng khoảng 27.000 tỷ đồng. Ngành ngân hàng tiếp tục cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là những lĩnh vực ưu tiên như thu mua lúa gạo, hàng hóa thiết yếu…”, ông Đào Minh Tú cho biết. Hiện, tín dụng toàn nền kinh tế tăng trưởng đạt 7,42%. Với mục tiêu tín dụng năm 2021 tăng khoảng 12%, tín dụng những tháng còn lại của năm phải đạt khoảng 4,5%. Tùy vào thực tế nền kinh tế, nếu đến cuối năm nhu cầu vốn tăng lên và kiểm soát được lạm phát, NHNN sẵn sàng mở thêm tín dụng.

Theo ông Đào Minh Tú, chính sách điều hành của NHNN tiếp tục góp phần tạo điều kiện thúc đẩy, khôi phục nền kinh tế nhanh nhất, hiệu quả nhất. Không để cho các doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn, phá sản, mà phải hỗ trợ doanh nghiệp. Bài toán hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp hiện không đơn giản. Trong khi đặc thù của Việt Nam khác với các nước trên thế giới khi doanh nghiệp Việt Nam đang dựa chủ yếu vào nguồn vốn từ tín dụng. Còn trên thế giới, nguồn vốn của doanh nghiệp đến từ nhiều nguồn đa dạng từ cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu…còn lại vốn lưu động thiếu mới vay ngân hàng, chỉ khoảng 30%. 

Tin, ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức
Ngân hàng giảm lãi suất cho doanh nghiệp có phụ nữ làm chủ
Ngân hàng giảm lãi suất cho doanh nghiệp có phụ nữ làm chủ

Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, một số ngân hàng tặng lãi suất cho khách hàng nữ gửi tiết kiệm; đồng thời giảm lãi khoản vay mới cho doanh nghiệp có phụ nữ làm chủ nhằm hỗ trợ doanh nhân nữ cùng doanh nghiệp nhanh chóng khởi động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh nền kinh tế bước đầu hồi phục.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN