Giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần nước ngoài đang làm khó ngân hàng

Giới chuyên gia ngân hàng cho rằng: Nhiều ngân hàng mong mỏi có sự tham gia của các cổ đông chiến lược nước ngoài, vừa tăng vốn; đồng thời nâng cao năng lưc quản trị và khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, giới hạn về tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đang làm khó cho ngân hàng thương mại (NHTM) trong việc tìm kiếm cổ đông chiến lược. 

Chú thích ảnh
Kiến nghị tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại. Ảnh: Phan Thị Thu.

Một nhu cầu lớn của các NHTM là tăng vốn để thực hiện tái cơ cấu, gắn với xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Vốn từ nhà đầu tư nước ngoài được nhìn nhận là kênh quan trọng. 

Báo cáo “Nghiên cứu tính cần thiết của việc điều chỉnh tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các NHTM Việt Nam” của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho hay: Thống kê từ các nguồn về cơ cấu tỷ lệ sở hữu của các NHTM tại thời điểm tháng 4/2021, trong đó một số ngân hàng đã có tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài chạm trần 30% hoặc gần chạm trần 30%; nhiều ngân hàng khác có tỷ lệ thấp hơn mức trần 30%.

Ví dụ hiện ở 3 ngân hàng lớn: Vietcombank, Viettinbank và BIDV chỉ có tỷ lệ sở hữu nước ngoài từ 16,7 - 25,5%; Agribank đang chuẩn bị cổ phần hóa. Như vậy tính bình quân tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong 4 ngân hàng Nhà nước lớn mới chỉ loanh quanh ở mức 16 - 17%, vẫn còn dư địa tới 13% trong khu vực này. 

Các chuyên gia kinh tế của CIEM kiến nghị: Cần cân nhắc một cách tiếp cận mở hơn trong điều tiết ngành ngân hàng, trong đó có tiếp cận mở đối với giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các NHTM. “Việc mạnh dạn nghiên cứu khả năng điều chỉnh tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần đối với nhà đầu tư nước ngoài cũng mang lại thêm hi vọng cho các NHTM trong việc thu hút thêm nguồn vốn nước ngoài, đi kèm với các bí quyết quản trị, công nghệ”, TS Nguyễn Thị Hồng Minh - Viện trưởng CIEM cho biết.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) trong bối cảnh hiện nay, việc tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài là cần thiết. Các tổ chức tín dụng (TCTD) đang có nhu cầu tăng tỷ lệ sở hữu của các cổ đông nước ngoài, đặc biệt nhu cầu tăng vốn để tiếp tục tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu tại các TCTD.

“Việc khống chế room cho nhà đầu tư ngoại ở mức 30% cũng ảnh hưởng đến cơ hội mua - bán sáp nhập ở Việt Nam và khiến thị trường này kém phát triển còn các ngân hàng lỡ cơ hội phát triển do không đủ nguồn vốn trong khi nguồn vốn nước ngoài là một kênh vốn lớn. Tính đến ngày 30/6, có 19 TCTD có cổ đông là tổ chức nước ngoài sở hữu trên 1% vốn điều lệ của TCTD, trong đó NHTM có 3/4 ngân hàng và NHTM cổ phần là 16/28 ngân hàng; 11 TCTD có tỷ lệ sở hữu cổ phần của tổ chức nước ngoài trên 15% trong đó có 5 TCTD có tỷ lệ sở hữu cổ phần của tổ chức nước ngoài trên 25%”, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết.

Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, đại diện Nhóm nghiên cứu báo cáo của CIEM, việc nới room ngoại có thể mang lại nhiều lợi ích. Thứ nhất, tăng khả năng đáp ứng tiêu chuẩn Basel II cho các NHTM; thứ hai hỗ trợ hiệu quả các cam kết về giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các NHTM trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt Hiệp định Thương mại tư do giữa Việt Nam - EU ( EVFTA) về việc cân nhắc tích cực đề xuất của các định chế tài chính EU về việc nắm giữ tối đa 49% vốn điều lệ tại hai thương mại cổ phần trong nước trong vòng 5 năm sau khi EVFTA có hiệu lực, trừ Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank); thứ ba là tăng khả năng thu hút đầu tư và tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược; thứ tư, nâng giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài một cách hợp lý cũng tránh được rủi ro nhà đầu tư nước ngoài chi phối hoạt động của NHTM.

“Chúng tôi cơ bản đồng tình với kiến nghị nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài vì để đáp ứng yêu cẩu tăng vốn của các TCTD. Nghiên cứu này được đưa ra ở thời điểm này rất phù hợp”, TS.Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV cho biết.

Theo ông Cấn Văn Lực, có 3 lý do cần điều chỉnh room sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam đang có kế hoạch cơ cấu lại TCTD trong 5 - 10 năm tới nhưng đến nay hầu như vẫn có rất ít nghiên cứu đánh giá về thực trạng sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại TCTD và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng một cách đầy đủ khách quan. Bên cạnh đó, Hệ số an toàn vốn (CAR) tại các NHTM vẫn chưa tăng tương ứng tốc độ tăng tài sản và tín dụng là thực tế rất cần lưu ý. “Trong khi đó, Chính phủ đang có Chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội, theo đó đặt ra vấn đề cần tăng nguồn vốn và các kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp. Để thực hiện mục tiêu chương trình này, dự kiến tăng trưởng tín dụng phải cao hơn 12% năm nay, từ 13 - 14%”, ông Cấn Văn Lực phân tích.

Nới room là cần thiết nhưng cũng có những ý kiến e ngại về những bất lợi khi nhà đầu tư ngoại nắm tỷ lệ sở hữu lớn và liệu NHTM có bị chi phối hay không? Một băn khoăn khác là liệu nới room ngoại có thể ảnh hưởng đến mức độ tuân thủ của các NHTM đối với các chính sách và chủ trương của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). 

Để giảm bớt lo ngại về việc nhà đầu tư nước ngoài chi phối NHTM, đại diện CIEM cho biết: Cần cân nhắc riêng từng tỷ lệ giới hạn cụ thể đối với sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài tại các NHTM, chứ không chỉ xem xét giới hạn tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài; cần cân nhắc các biện pháp khác để điều tiết và giám sát hoạt động của các NHTM, thay vì nhấn mạnh quá mức việc giới hạn tỷ lệ sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài tại các NHTM; nghiên cứu chi tiết hơn về lợi ích tiềm năng của việc điều chỉnh tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các NHTM, gắn với các kịch bản điều chỉnh cụ thể. 

 

Minh Phương/Báo Tin tức
Được nới room tín dụng, các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất huy động
Được nới room tín dụng, các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất huy động

Cuối năm, nhu cầu về vốn của các doanh nghiệp tăng cao hơn do phải gấp rút hoàn thành đơn hàng và chuẩn bị cho năm 2022. Vì thế, nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất huy động để thu hút tiền gửi trong dân, tăng thanh khoản cho vay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN