Ngày 23/9, ông Phạm Chí Quang - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho biết: Từ đầu năm đến nay, kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường, nhiều ngân hàng Trung ương tăng lãi suất, áp lực lạm phát gia tăng. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam có những kết quả tăng trưởng nhất định, lạm phát được kiểm soát, đóng góp vào thành công đó có vai trò quan trọng của chính sách tiền tệ.
Trong 9 tháng năm 2022, VNĐ là một trong những đồng tiền mất giá ít nhất so với các nước trong khu vực và trên thế giới (khoảng gần 4%). Trong số đó, các đồng tiền mất giá mạnh so với USD như: TWD (-13,5 %); THB (-11,95%); JPY (-25,18%); KRW (-17,57%); PHP (-13,65%); MYR (-9,67%); INR (-7,44%); CNY (-10,9%); EUR (-13,49%); GBP (-20,02%).
Ngày 22/9, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định tăng lãi suất thêm 0,75% và sau 5 lần điều chỉnh tăng lãi suất, đưa lãi suất điều hành lên mức 3 - 3,25%/năm. Giữa bối cảnh áp lực đang đè nặng lên tỷ giá VND/USD, NHNN đã quyết định tăng lãi suất tái cấp vốn thêm 100 điểm cơ bản, lên 5%/năm; tăng lãi suất tái chiết khấu thêm 100 điểm từ mức 2,5% lên 3,5%/năm, kể từ ngày 23/9.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức ngày 23/9, PGS TS Đinh Trọng Thịnh (Giảng viên Học viện Tài chính) cho biết: “Để giảm áp lực can thiệp nâng giá đồng Việt Nam và tránh sự chênh lệch lãi suất giữa VNĐ và lãi suất của các đồng tiền khác trên thế giới sẽ làm cho lợi nhuận đầu tư ở Việt Nam kém hấp dẫn so với các nước, NHNN đã tăng lãi suất điều hành. Đây là lần đầu tiên trong 2 năm qua NHNN tăng loạt lãi suất điều hành bao gồm trần lãi suất huy động, lãi suất tái chiết khấu, tái cấp vốn”.
Ông Phạm Chí Quang cho rằng: Trong bối cảnh hiện nay rất khác so với trước, đây là "cuộc chiến tiền tệ" giữ cho đồng tiền Việt Nam không bị mất giá quá nhiều, giảm thiểu tác động của lạm phát toàn cầu tới nền kinh tế. Do đó, thời gian tới, NHNN tiếp tục theo dõi sát, thích ứng với các diễn biến thị trường trong và ngoài nước, điều hành lãi suất và tỷ giá phù hợp, linh hoạt. Nếu để mặt bằng lãi suất ổn định quá lâu trong khi các nước trên thế giới đều điều chỉnh tăng sẽ gây áp lực lớn tỷ giá và gây áp lực lên nền kinh tế vĩ mô.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng rất cao, áp lực với Việt Nam về nhập khẩu lạm phát là rất lớn vì nền kinh tế có độ mở cao, doanh nghiệp trong nước chủ yếu nhập siêu. Do đó, việc để đồng Việt Nam mất giá lớn sẽ tác động tiêu cực đến nhập khẩu, tác động đến mặt bằng giá trong nước, nên ưu tiên lớn nhất trong điều hành chính sách tiền tệ phải cố gắng giữ tỷ giá ổn định, từ đó hạ nhiệt lạm phát. Phía NHNN thấy rằng cần phải điều chỉnh lãi suất để làm sao một mặt hóa giải những cú sốc kinh tế vĩ mô cũng như neo giữ được tâm lý kỳ vọng lạm phát của dân chúng và đạt được những mục tiêu về lạm phát mà NHNN, Chính phủ đặt ra từ đầu năm, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Đề cập việc NHNN tăng các mức lãi suất điều hành từ ngày 23/9, một số chuyên gia kinh tế nhìn nhận: NHNN đã điều chỉnh phù hợp trong bối cảnh hiện nay, khi nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang tiếp tục tăng lãi suất để kìm giữ lạm phát. Hơn nữa, nhiều đồng tiền mạnh của một số nền kinh tế lớn mất giá so với đồng USD cũng tác động và gây áp lực lớn với tỷ giá trong nước. Đặt trong mối liên hệ lãi suất - tỷ giá - lạm phát, với yêu cầu về ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, để giảm bớt áp lực lên tỷ giá, cũng như kìm giữ lạm phát, việc điều chỉnh tăng lãi suất điều hành và lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng và không kỳ hạn là phù hợp và cần thiết.
Trước đó, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng: Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, NHNN sẽ kiên trì các giải pháp theo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng "ổn định không có nghĩa là cố định" mà theo sát mọi diễn biến để điều hành phù hợp tình hình.