‘Mập mờ’ trong môi giới của ngân hàng về trái phiếu doanh nghiệp

Tình trạng một số ngân hàng "dụ" người đến gửi tiền chuyển sang mua trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) hay tổ chức cung cấp dịch vụ (công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại) phân phối TPDN “mập mờ” trong môi giới khiến không ít khách hàng tin tưởng: Mua trái phiếu, bảo hiểm qua ngân hàng sẽ được đảm bảo hơn so với mua từ các doanh nghiệp. Và hệ lụy từ đó nảy sinh...

Chú thích ảnh
Cơ quan thanh tra giám sát cần cảnh báo kịp thời, xử lý nghiêm vi phạm đối với việc cấp tín dụng của các ngân hàng trong lĩnh vực rủi ro, phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro, hạch toán lại dự thu. Ảnh: CTV

Cẩn trọng để không bị hiểu lầm

Chia sẻ với phóng viên báo Tin tức, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân N.T.H ở huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh than thở về việc từng gửi tiết kiệm 5 tỷ đồng tại ngân hàng Z trên địa bàn, nhưng lại rót tiền vào mua TPDN. Năm 2022, số tiền 5 tỷ đồng gửi tại ngân hàng Z đã đến hạn tất toán, bà N.T.H định tiếp tục gửi kỳ hạn 1 năm nhưng nhân viên ngân hàng Z tư vấn bà H nên chuyển sang hình thức đầu tư khác là mua trái phiếu của một doanh nghiệp bất động sản với lãi suất cao hơn khi gửi tiết kiệm.

“Nhân viên này khẳng định: Mua trái phiếu cũng giống như gửi tiết kiệm, được thanh toán linh hoạt và có lãi suất cao hơn gần gấp đôi. Tin tưởng, tôi đã chuyển toàn bộ 5 tỷ đồng để mua TPDN. Tuy nhiên thời hạn thanh toán gốc và lãi đã qua từ rất lâu nhưng đến nay chỉ nhận được những thông báo: ‘Do tình hình thanh khoản khó khăn nên doanh nghiệp xin gia hạn trái phiếu...’, bà N.T.H buồn bã nói.

Luật sư Phạm Ngọc Hưng (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: Công ty luật của ông từng tiếp nhận rất nhiều hồ sơ liên quan đến TPDN. Có khách hàng chia sẻ đến ngân hàng rút tiền tiết kiệm, nhưng được nhân viên giới thiệu với lịch sử tín dụng tốt, khách hàng đủ điều kiện để tham gia vào sản phẩm khác có lãi suất cao hơn. Bản thân khách hàng không biết đó là TPDN có độ rủi ro mà nghĩ rằng mình đang đầu tư vào một sản phẩm khác của ngân hàng. 

Theo chuyên gia tài chính, PGS, TS Đinh Trọng Thịnh, ngân hàng và các công ty môi giới TPDN có thể khiến nhà đầu tư cá nhân có suy nghĩ trái phiếu đã được các tổ chức này kiểm tra, thẩm định về tính an toàn, nên họ mới giới thiệu đến nhà đầu tư. Sự hiểu lầm này có thể khiến nhà đầu tư an tâm hơn và quyết định mua trái phiếu.

Nếu một ngân hàng đứng ra bán, nhất là trường hợp cán bộ ngân hàng nói thông tin không chính xác như: “Đây là trái phiếu ngân hàng bảo lãnh, ngân hàng đã thẩm định, bảo đảm; mua trái phiếu an toàn tương tự như tiền gửi ngân hàng...” khiến người mua nhầm lẫn. 

Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết: “Ngân hàng bảo lãnh, nhưng chỉ là bảo lãnh phát hành trái phiếu, bán xong là hết trách nhiệm, chứ không bảo lãnh thanh toán. Còn người mua rủi ro hay không, được thanh toán hay không, phải căn cứ bảo lãnh thanh toán. Đối với doanh nghiệp phát hành TPDN thì không có một cơ chế nào để bảo đảm việc thanh toán, bảo đảm an toàn. Nếu làm ăn tốt, doanh nghiệp sẽ trả đủ gốc và lãi. Nhưng nếu không có khả năng trả nợ, bị phá sản, họ sẽ không có trách nhiệm gì cả vì trách nhiệm của doanh nghiệp là trách nhiệm hữu hạn (chỉ chịu trách nhiệm trong số vốn mà cổ đông hay các thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn góp vào). Doanh nghiệp bị thua lỗ thì chủ nợ, tiền lương, tiền thuế… có nguy cơ không trả được”.

“Nếu TPDN do ngân hàng phát hành hoặc bảo lãnh có ghi trong hợp đồng, ngân hàng đó sẽ chịu trách nhiệm, khách hàng không lo mất tiền. Hoặc trái phiếu của những công ty lớn, đang làm ăn ổn định thì nhà đầu tư cũng không quá lo lắng. Tuy nhiên nếu những trái phiếu không thuộc hai dạng trên thì nhà đầu tư sẽ gặp rủi ro”, chuyên gia kinh tế TS Đinh Thế Hiển cho biết.

Cũng theo TS Đinh Thế Hiển, hiện không có hành lang pháp lý để cấm tư vấn viên tư vấn cho nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu, chỉ có quy định riêng của từng ngân hàng. 

Hiện, luật các TCTD và các văn bản quy định trong lĩnh vực ngân hàng thì có quy định rất cụ thể, rất rõ ràng việc ngân hàng là được cấp giấy phép thì sẽ hoạt động ngân hàng với 3 nghiệp vụ đặc trưng: Huy động vốn, cấp tín dụng, thanh toán qua tài khoản. Ngoài ra, ngân hàng sẽ thực hiện một loạt những hoạt động liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến lĩnh vực ngân hàng khi được NHNN cho phép (có quy định hoặc cấp phép hoặc chấp thuận một cách cụ thể).

Trên thực tế là ngoài những hoạt động chính của ngành ngân hàng là cho vay rồi hạch toán, làm dịch vụ ngân hàng thì ngân hàng còn làm nhiều sản phẩm khác như: Bán bảo hiểm hay là bán trái phiếu, tư vấn tài chính, giới thiệu khách hàng… Về cơ bản là đều phải có sự cho phép của NHNN hay là được ghi nhận trong đăng ký kinh doanh hay là trong điều lệ.

Trước đó đại diện Bộ Tài chính khẳng định: Các ngân hàng, công ty chứng khoán làm dịch vụ phân phối trái phiếu chỉ đơn thuần là tổ chức cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành, rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của doanh nghiệp phát hành. Bộ Tài chính đề nghị cần chấn chỉnh hoạt động môi giới của ngân hàng về TPDN.

Làm rõ trách nhiệm của ngân hàng trong bảo lãnh phát hành trái phiếu

Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng: Trước hết, các nhà đầu tư khi chưa hiểu biết rõ về trái phiếu và đơn vị phát hành nên dễ ngậm “trái đắng”. Bên cạnh đó, một số đơn vị phát hành che giấu thông tin và mục đích thật sự của việc phát hành trái phiếu. Thông tin về tài sản bảo đảm của doanh nghiệp phát hành cũng mập mờ khiến nhà đầu tư cũng cảm thấy mơ hồ theo.

Không những thế, cần xét đến vai trò môi giới của ngân hàng và công ty chứng khoán. Họ môi giới với mục đích sinh lời thì phải chịu trách nhiệm khi cung cấp thông tin không đầy đủ cho khách hàng. Về điều này cần có hành lang pháp lý chặt chẽ hơn.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phải có có văn bản gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội trả lời kiến nghị cử tri về thanh tra, kiểm tra các ngân hàng trong phát hành, tư vấn và bảo lãnh phát hành TPDN. Cử tri đề nghị: NHNN tăng cường thanh tra, kiểm tra lĩnh vực ngân hàng có quy định chặt chẽ trong việc phát hành TPDN; sớm làm rõ trách nhiệm của các ngân hàng trong tư vấn, bảo lãnh phát hành TPDN có nhiều sai phạm trong thời gian qua, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân.

Theo NHNN, với hoạt động đầu tư TPDN của các TCTD, NHNN đã thanh tra đột xuất và có kết luận thanh tra tại 11 TCTD. Trên cơ sở kết quả thanh tra, cơ quan quản lý tiền tệ đã ban hành một số quyết định xử phạt vi phạm hành chính với các ngân hàng có hành vi vi phạm. "Kết quả thanh tra và các biện pháp xử lý liên quan, góp phần phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm và các rủi ro có nguy cơ gây mất an toàn trong hoạt động (nếu có), đảm bảo việc chấp hành các quy định pháp luật trong đầu tư trái phiếu doanh nghiệp", đại diện NHNN cho biết. 

Thời gian qua công tác thanh tra, giám sát được NHNN xác định trọng tâm, nhất là tập trung vào các hoạt động kinh doanh, đại lý bảo hiểm, việc chấp hành quy định về giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn… Trong năm 2022, Thanh tra, giám sát ngành ngân hàng đã triển khai 1.420 cuộc thanh, kiểm tra, gồm 1.034 cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và 5 cuộc thanh, kiểm tra đột xuất.

TPDN có 2 hình thức chào bán công khai và riêng lẻ. Ngoài các quy định chung, thời gian qua NHNN cũng đã ban hành các quy định nhằm tạo hành lang pháp lý an toàn để kiểm soát hoạt động mua, đầu tư TPDN của TCTD. Chẳng hạn, quy định về trường hợp không được cấp tín dụng, hạn chế cấp tín dụng bao gồm cả đầu tư TPDN; hoạt động mua, đầu tư TPDN được tính vào dư nợ tín dụng của một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan khi xác định giới hạn cấp tín dụng; TCTD chỉ được mua TPDN khi tỷ lệ nợ xấu dưới 3%...

"Trách nhiệm của TCTD khi cung cấp các dịch vụ liên quan đến TPDN cũng đã được đề cập trong Luật các TCTD và một số văn bản khác. Theo đó, khi thực hiện mua, bán TPDN, dịch vụ liên quan đến TPDN, các TCTD phải được NHNN cấp phép; tuân thủ các quy định; báo cáo NHNN định kỳ; thực hiện các kiến nghị, khuyến nghị, cảnh báo của NHNN đối với hoạt động mua, bán TPDN, dịch vụ liên quan đến TPDN", đại diện NHNN cho biết.

Thời gian tới, NHNN cho biết sẽ tiếp tục thực hiện một số giải pháp để kiểm soát, hạn chế rủi ro với đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các TCTD. Trong đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật theo hướng nâng cao yêu cầu, chuẩn mực quản trị của TCTD khi đầu tư, nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp; tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động đầu tư TPDN, việc cung ứng các dịch vụ liên quan TPDN để có biện pháp ngăn ngừa, phát hiện kịp thời các rủi ro, vi phạm phát sinh; đồng thời thường xuyên cảnh báo, chấn chỉnh các ngân hàng với hoạt động này. 

Rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của doanh nghiệp phát hành

Bộ Tài chính đã nhiều lần có khuyến nghị đến nhà đầu tư đặc biệt lưu ý không mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ như: Công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu.

Nhà đầu tư trái phiếu cũng cần lưu ý việc các tổ chức cung cấp dịch vụ (công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại) phân phối TPDN không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc đầu tư vào TPDN.

Các tổ chức này chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả được gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn hay không. Rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của doanh nghiệp phát hành.
Minh Phương/Báo Tin tức
Minh bạch sẽ giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển bền vững
Minh bạch sẽ giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển bền vững

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) an toàn, lành mạnh và củng cố niềm tin của nhà đầu tư, từng chủ thể tham gia cần tuân thủ quy định pháp luật.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN