Tiên phong là ngành ngân hàng với rất nhiều giải pháp đã được ban hành khá sớm như: giải pháp tín dụng, giảm lãi suất cho vay để vừa đáp ứng nhu cầu vốn và các nhu cầu thanh toán của doanh nghiệp, vừa từng bước tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa các bên có liên quan.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, hưởng ứng lời kêu gọi của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đồng hành cùng Chính phủ để chia sẻ với những khó khăn tài chính của cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh, nhóm các ngân hàng thành viên hiệp hội đã trao đổi, thống nhất phương thức và thời gian thực hiện việc giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu giai đoạn từ nay tới cuối năm 2021. Theo đó, tùy theo đối tượng bị ảnh hưởng và tùy chính sách áp dụng của mỗi ngân hàng, lãi suất cho vay sẽ có mức giảm phù hợp từ 0,8 - 1,2%/năm.
Tuy nhiên, ông Hùng cũng lưu ý, dù là hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, nhưng các ngân hàng vẫn phải đảm bảo an toàn hệ thống một cách cao nhất. Do đó, việc thực hiện các cơ chế, chính sách tín dụng theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, không đồng nghĩa với việc nới lỏng các quy định về tín dụng và thủ tục cho vay. Điều này nhằm tránh nguy cơ và những rủi ro nợ xấu, nợ quá hạn... bởi các tác động tiêu cực từ đại dịch đến ngành ngân hàng sẽ có độ trễ rất lớn.
Bàn tới thực trạng và nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, bà Trịnh Thị Ngân, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho biết, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chiếm tỷ lệ 98% tổng số doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động. Trước những tác động tiêu cực và khốc liệt của dịch COVID-19, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang thực sự rất khó khăn. Vì lẽ đó, rất cần Nhà nước có thêm nhiều chính sách hỗ trợ giúp doanh nghiệp cơ cấu lại tài chính.
Theo bà Ngân, giai đoạn này, lãi suất cho vay từ các ngân hàng thương mại chưa bao giờ thấp kỷ lục như vậy trong suốt hàng chục năm qua. Tuy nhiên, cơ hội để doanh nghiệp vay được vốn và phục hồi sản xuất lại rất khó. Nhiều doanh nghiệp đã dùng tài sản thế chấp để đi vay được khoản ban đầu, nhưng đọng vốn nên việc đi vay tiếp tục là rất khó.
"Chúng tôi mong ngân hàng cho nợ dài hạn hơn để có điều kiện phục hồi", bà Ngân bày tỏ.
Chia sẻ từ thực tiễn doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị T, Giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu Nông sản TC cho hay, để đảm bảo nguồn hàng liên tục, công ty phải ký hợp đồng bao tiêu nông sản với nông dân, hợp tác xã. Khi dịch bệnh ổn định, nông sản do công ty thu mua sẽ đưa về sơ chế, đóng container, xuất khẩu.
Nhưng dịch bùng phát, việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn, trong khi nông sản vẫn thu mua hàng ngày theo đúng hợp đồng. Sản phẩm thu mua về chưa kịp xuất khẩu vì ảnh hưởng bởi dịch bệnh, khiến doanh nghiệp phải tìm kiếm kho lạnh để gửi và bảo quản chất lượng. Điều này khiến chi phí sản xuất tăng thêm.
Thêm nữa, doanh nghiệp cũng đang tính toán và thiết kế để chuyển đổi quy trình sản xuất theo hướng xuất khẩu hàng sơ chế nhằm thích ứng với điều kiện kéo dài và tình hình mới của dịch bệnh. Điều đó có thể khiến nhu cầu vốn tăng thêm và nhất là khi hàng tồn kho tăng mà doanh nghiệp vẫn phải chi trả nhiều khoản tiền khác trong tháng.
Tiếp cận vốn vay ngân hàng cũng vẫn rất khó vì cần tài sản đảm bảo. Do đó, về cơ bản là doanh nghiệp vẫn phải tự xoay xở trong thời gian dịch bùng phát và khó tiếp cận ngay được vốn vay. Đó là chưa kể phải tuân thủ các điều kiện, tiêu chuẩn ngặt nghèo khác như: báo cáo doanh thu tài chính, phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả cùng khá nhiều thủ tục hành chính khác khiến doanh nghiệp thấy "nản".
Là chủ chuỗi cửa hàng thời trang XMD, anh Trần Ngọc Quang cho hay, tiếp cận các nguồn tín dụng giá rẻ hiện không còn khó khăn như trước. Không chỉ lãi suất đã hạ thấp rất nhiều mà do sự đa dạng về nguồn cung nên hiện giờ cả các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng, các công ty tài chính hay doanh nghiệp bảo hiểm đều liên tục mời chào cho vay.
Tuy nhiên, XMD thực sự còn nhiều ngại ngần về thị trường và đầu ra. Khi dịch bệnh bùng phát và kéo dài, Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh đã khiến cho hầu hết người dân ở nhà, lại thêm việc cắt giảm chi tiêu cho những mặt hàng sản phẩm không thiết yếu khiến thị trường thời trang bỗng bị chững lại đột ngột. Nếu tình hình dịch bệnh không sớm được cải thiện, nhu cầu của người dân và thị trường giao dịch không có sự khởi sắc hơn thì khả năng doanh nghiệp duy trì hoạt động là rất khó, thì khó tính đến việc vay thêm để hồi phục hoặc mở rộng quy mô.