Đối với doanh nghiệp BĐS, có 2 kênh rất vốn rất quan trọng là tín dụng ngân hàng và TPDN. Theo ông Lê Hoàng Châu, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang siết dần tín dụng ngân hàng vào BĐS theo lộ trình đến cuối năm tới sẽ giảm còn 30% GDP. Ngay trong năm 2017– 2018, các doanh nghiệp đã tập trung tìm kiếm nguồn vốn thay thế, cho nên thị trường TPDN đã phát triển rất mạnh trong 4 năm trở lại đây. Đây là việc làm đi đúng chủ trương vì nguồn vốn ngân hàng chỉ là ngắn hạn.
“Việt Nam đang chỉ có duy nhất Quỹ đầu tư Techcom, trong khi dư địa về trái phiếu doanh nghiệp hiện nay còn rất lớn so với các nước trong khu vực. Việc chấn chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp là cần thiết nhưng không nên thắt chặt như vừa qua. Chỉ sau một số vụ việc, nguồn vốn của doanh nghiệp đã bị ách tắc”, đại diện Hiệp hội Bất động sản chia sẻ.
Theo ông Lê Hoàng Châu, việc sử dụng vốn của doanh nghiệp sau phát hành trái phiếu không nhất thiết phải cứng nhắc, đúng mục đích cụ thể vào dự án được đưa ra khi thực hiện phát hành. Bởi vì, tiến độ thực hiện một dự án có thể kéo dài từ 3-5 năm, nên cần hiểu một cách thấu đáo vấn đề sử dụng vốn sau phát hành TPDN. Khi doanh nghiệp đạt được các tiêu chuẩn của doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế, các nhà đầu tư, các cơ quan công quyền chỉ cần căn cứ vào bản công bố kế toán của doanh nghiệp là có thể nắm được cơ chế sử dụng vốn từ việc phát hành TPDN.
“Đề nghị các cơ quan tiếp tục xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP theo hướng tăng tính minh bạch để giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư và tăng tính trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành, tăng vai trò giám sát của cơ quan quản lý, đơn vị đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp”, ông Lê Hoàng Châu kiến nghị.
Để phát triển thị trường TPDN, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết: “Cần hài hòa khi sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP (Nghị định 153), làm sao siết chặt quản lý nhưng không được kìm hãm thị trường TPDN. Cho tới thời điểm này, chính xác là từ năm 2020, cơ sở pháp lý cho trái phiếu doanh nghiệp đã khá đầy đủ, thậm chí là khá chặt chẽ với nhiều giới hạn”.
Thay vào đó, theo luật sư Trương Thanh Đức, Việt Nam cần tập trung vào 2 vấn đề chính: Thứ nhất, thúc ép xếp hạng tín nhiệm. Trước mắt, Việt Nam quy định theo cách đánh đổi nếu như doanh nghiệp có kết quả xếp hạng tín nhiệm sẽ không cần thêm điều kiện, hoặc có thêm 1 - 2 điều kiện. Bởi xếp hạng tín nhiệm đã bao trùm nhiều điều kiện về kiểm toán. Nếu không chấp nhận xếp hạng tín nhiệm, doanh nghiệp phải đánh đổi bằng việc đáp ứng hàng chục điều kiện, chứ không thể cào bằng, đúng vị trí, vị thế, chỗ đứng của nó. Thứ hai, hoàn thiện hệ thống pháp lý không có nghĩa là thắt chặt hơn, mà cần đảm bảo thông tin đến được thị trường một cách công khai, minh bạch, chính xác.
Theo ông Trương Thanh Đức, doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu nhưng phải công khai thông tin này cho nhà đầu tư. Doanh nghiệp cũng có thể phát hành trái phiếu khi doanh nghiệp thua lỗ, nhưng phải thông báo cho nhà đầu tư đang lỗ bao nhiêu?; hay có thể phát hành trái phiếu để đảo nợ, miễn là công khai minh bạch.
Về cách thức công khai thông tin, theo ông Trương Thanh Đức, đầu tiên phải đi từ website của công ty công khai thông tin, cùng với đó là công bố trên một số phương tiện thông tin đại chúng để chịu sự giám sát của nhà đầu tư, đại chúng. “Yếu kém nhất của hệ thống chúng ta là đã không công khai minh bạch, không giám sát, kiểm tra kịp thời nên làm mọi người mất lòng tin. Do đó, Việt Nam phải củng cố những cái đang có, không tăng thêm điều kiện, không có gì giám sát tốt bằng thị trường, Nhà nước chỉ là một phần trong giám sát”, ông Trương Thanh Đức cho biết.
Bên cạnh đó, đại diện Công ty Luật ANVI khuyến nghị: “Nếu sửa quy định pháp luật, phải sửa cả cơ chế xử phạt, tăng mức độ xử phạt, không giới hạn phạt hành chính, vì nếu giới hạn thì phải xử lý hình sự, mà điều này không tốt khi xử lý các vấn đề kinh tế, bất đắc dĩ mới xử lý hình sự”.