Để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng trên, Ngân hàng Nhà nước định hướng điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các dự án trọng điểm, có hiệu quả, có sức lan tỏa.
Đồng thời, chú trọng định hướng cơ cấu tín dụng phù hợp với chuyển dịch nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp các bộ, ngành, địa phương triển khai chương trình tín dụng đối với ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như: cho vay nông nghiệp nông thôn, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho vay nhà ở xã hội, công nghiệp hỗ trợ...
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh kết nối ngân hàng - doanh nghiệp dưới nhiều hình thức khác nhau để kịp thời nắm bắt và xử lý khó khăn cho khách hàng vay vốn; phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng ngân hàng đáp ứng nhu cầu vốn hợp pháp của doanh nghiệp, người dân, góp phần hạn chế “tín dụng đen”…
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, quý I/2020 tín dụng tăng chậm, chỉ tăng 1,3% so với cuối năm 2019 thì sang quý 2 đã tăng dần lên 3,65%. Đến cuối quý 3 khởi sắc tăng 6,08% và đến 21/12/2020 đã tăng 11,62% so cùng kỳ 2019. Ngân hàng Nhà nước dự kiến tín dụng cả năm 2020 tăng khoảng 11% so với cuối năm 2019.
Tuy nhiên, tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2021 vừa được diễn ra ở Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết tăng trưởng tín dụng đến hết năm 2020 đạt tới 12,13%.
Như vậy, chỉ trong 10 ngày, con số về mức tăng trưởng tín dụng đã tăng thêm khoảng 2% khiến các chuyên gia ngân hàng đặt kỳ vọng cao trong năm 2021.
TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, dù khó khăn, đại dịch COVID-19 kéo dài nhưng đến nay, tăng trưởng tín dụng đã khởi sắc tăng nhanh hơn nhiều so với thời gian trước đó. Điều này cho thấy tốc độ phục hồi của doanh nghiệp và nền kinh tế khá tốt.
Báo cáo chiến lược đầu tư 2021 của Công ty Chứng khoán VNDirect cũng đã đặt kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu sẽ dần dần phục hồi, tương quan với xu hướng phục hồi nền kinh tế của Việt Nam hiện nay. Nhờ vậy, các hoạt động thương mại, sản xuất, dịch vụ; trong đó có du lịch sẽ dần quay trở lại hoạt động bình thường, qua đó thúc đẩy nhu cầu tín dụng trong quý IV/2020 và năm 2021.
VNDirect dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2021 sẽ đạt 13% và lãi suất huy động, cho vay sẽ giảm 20 - 50 điểm % trong bối cảnh chính sách tiền tệ được nới lỏng và áp lực lạm phát thấp. Với mức tăng trưởng này, tỷ lệ tín dụng trên GDP được dự báo sẽ tăng lên 124%, từ mức 110% của năm 2019.
Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, tín dụng ngân hàng tăng khoảng 10 - 15% là phù hợp. Dù kinh tế phục hồi, nhưng vẫn còn rất nhiều rủi ro đang chờ đợi các ngân hàng trong năm 2021. Tín dụng tuy khởi sắc, song chưa thể tăng trưởng cao trở lại. Bên cạnh đó, nợ xấu tiềm ẩn đang tăng lên rất nhanh, lợi nhuận có nguy cơ giảm.
Còn tại báo cáo Triển vọng ngành ngân hàng năm 2021, các chuyên gia Công ty cổ phần Chứng khoán SSI dự báo, tăng trưởng tín dụng trong năm 2021 có thể đạt từ 13 - 14% nhờ những tín hiệu phục hồi kinh tế. Con số này cao hơn mức ước tính tăng trưởng tín dụng năm 2020 là khoảng 11 - 12% và tương đối sát với trung bình tăng trưởng tín dụng năm 2018 và 2019 là trên 13%.
Theo SSI, sở dĩ tín dụng có thể tăng trưởng phục hồi trở lại trong năm 2021 nhờ một số tín hiệu tích cực. Trong số đó, phải kể đến tín hiệu phục hồi bắt đầu từ việc điều chế vaccine COVID-19 thành công. Hiện vaccine COVID-19 đang bước vào giai đoạn thử nghiệm, SSI kỳ vọng sẽ tạo một cú hích cho nền kinh tế trong năm 2021 và dần phục hồi vào nửa cuối năm.
Là một thành viên của nhóm "Big 4", ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) chia sẻ, năm 2020, với tăng trưởng kinh tế của đất nước là 2,91%, tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của hệ thống ngân hàng là 12%, cho thấy vai trò của tăng tưởng tín dụng đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế cũng như ổn định tình hình thị trường, kinh tế vĩ mô. Năm 2021 mục tiêu tăng trưởng tín dụng của VietinBank từ 8 - 11%, con số cụ thể phụ thuộc vào tình hình thực tế của thị trường và chính sách điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, ngành ngân hàng đặt ra mức tăng trưởng tín dụng khoảng 12%. Tuy nhiên, việc đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% trong năm 2021 không phải là con số cố định, pháp lệnh buộc các tổ chức tín dụng phải tuân thủ mà là con số trong định hướng điều hành của ngành ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước sẽ có điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng khi cần thiết.
Tuy nhiên, năm 2021, đại dịch COVID-19 nhiều khả năng còn diễn biến phức tạp, triển vọng kinh tế thế giới và trong nước còn khó lường, các chuyên gia kinh tế cho rằng muốn ổn định tăng trưởng thời gian tới ngành ngân hàng cần phải nỗ lực rất nhiều. Bên cạnh đó, ngân hàng cần kéo dài triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, thiên tai, bão lũ và biến đổi khí hậu. Đặc biệt kéo giảm lãi suất, để có điều kiện giảm lãi suất cho vay từ đó doanh nghiệp mới có động lực vay vốn.
Hiện việc hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau COVID-19 được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành ngân hàng trong năm 2021. Ngân hàng Nhà nước đang trình Thủ tướng Chính phủ nội dung sửa đổi Thông tư 01/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Ngân hàng Nhà nước quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 theo hướng hỗ trợ cho doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi dựa vào nguồn lực của các ngân hàng thương mại.