Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tính đến 21/12, tín dụng tăng 10,14% so với cuối năm 2019 và tăng 11,62% so với cùng kỳ năm 2019. Do cầu tín dụng suy yếu bởi tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 nên tín dụng tăng thấp hơn các năm trước. Dự kiến tín dụng cả năm 2020 tăng khoảng 11% so với cuối năm 2019 và năm 2021 ngành ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12%.
Về công tác điều hành, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất với tổng mức giảm tới 1,5-2%/năm lãi suất điều hành và là một trong các Ngân hàng Trung ương có mức cắt giảm lãi suất điều hành lớn nhất trong khu vực.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước cho biết cơ cấu tín dụng chuyển dịch phù hợp với cơ cấu các ngành trong GDP, cụ thể, so với cuối năm 2019, dư nợ tín dụng đối với ngành nông, lâm, thủy sản tăng khoảng 8,63%; ngành công nghiệp và xây dựng tăng 8,9%; ngành thương mại dịch vụ tăng 11,5%.
Đến nay, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 270.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với dư nợ gần 355.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 590.000 khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng. Đặc biệt các tổ chức tín dụng đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5%-2,5% so với trước dịch) với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng cho hơn 390.000 khách hàng.
Hoạt động thanh toán qua mạng là điểm sáng, thanh toán không dùng tiền mặt và thanh toán dịch vụ công trong năm 2020 có sự tăng trưởng mạnh. Theo ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), tính đến cuối tháng 10/2020, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt hơn 918,8 triệu giao dịch với giá trị đạt gần 9,6 triệu tỷ đồng; số lượng giao dịch thanh toán qua Internet đạt gần 374 triệu giao dịch với giá trị đạt hơn 22,2 triệu tỷ đồng.
Ông Dũng nhấn mạnh, năm 2020 chứng kiến nhiều tổ chức tín dụng chủ động ứng dụng công nghệ hiện đại như điện toán đám mây, phân tích dữ liệu, dữ liệu lớn, tự động hóa quy trình bằng robot, trí tuệ nhân tạo, học máy, Blockchain, eKYC,… trong các hoạt động nghiệp vụ và cung ứng sản phẩm, dịch vụ để nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng trải nghiệm khách hàng. Kết nối với các hệ sinh thái số khác trên nền tảng công nghệ thông tin, khiến số lượng, giá trị giao dịch ngân hàng qua kênh số của nhiều ngân hàng Việt Nam có sự tăng trưởng vượt bậc.