Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, dự thảo luật và các điều luật được thiết kế nhằm hạn chế, chống thao túng, sở hữu chéo trong hoạt động ngân hàng.
Tuy nhiên, quy định trong luật chỉ là một trong những cách để hạn chế tình trạng sở hữu chéo. Bởi, quy định nhưng muốn thực hiện hiệu quả cần đi đôi với tổ chức thực hiện, đồng thời cần nhiều công cụ, giải pháp đồng bộ từ nhiều cơ quan khác nhau.
Theo đó, việc minh bạch hoá cơ sở dữ liệu dân cư hiện nay có thể giúp minh bạch hoá giao dịch của cổ đông, hoạt động của doanh nghiệp…, từ đó hạn chế tình trạng sở hữu chéo.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thừa nhận, quy định về tỷ lệ sở hữu của cổ đông không cho phép sở hữu chéo và cơ bản giải quyết được việc sở hữu chéo. Tuy vậy, trên thực tiễn qua các sự việc vừa qua có tình trạng các cổ đông nhờ người có liên quan đứng tên sở hữu mà ngân hàng không thể nắm được.
Trước đó, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), nhiều đại biểu cho rằng, Luật cần làm rõ nguyên nhân sở hữu chéo xuất phát từ quy định pháp luật hay do tổ chức thực hiện, tránh rủi ro tập trung, rủi ro lan truyền trên thị trường, ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức tín dụng cũng như quyền và lợi ích của nhà đầu tư.
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) đánh giá, sở hữu chéo là vấn đề khó. Đây là vấn đề ai cũng nhận ra được, ai cũng biết nhưng để “chỉ mặt đặt tên” rất khó, bởi sự lòng vòng, lắt léo trong hệ thống tín dụng tại nước ta.
Việc thiết kế được chính sách cụ thể để chấm dứt tình trạng sở hữu chéo trong Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đối với những quy định trong dự thảo hiện nay chưa hoàn thiện; trong đó, có quy định tại Điều 55 và Điều 127.
Theo đó, quy định vẫn tập trung vào việc giảm tỷ lệ cổ phần, cấp hạn mức tín dụng. Theo đại biểu đây là giải pháp thụ động, trong khi đó việc giảm tỷ lệ sở hữu chéo liên quan đến việc công khai, minh bạch, xử lý nghiêm cá nhân dính dáng đến tình trạng này. Vậy nên, cần thiết phải đặt lại mô hình giám sát, thanh tra tài chính liên quan đến ngân hàng, theo mô hình độc lập, thậm chí quy định thành chương riêng.
Lúc này, không nhất thiết phải giảm tỷ lệ cổ phần, cấp hạn mức tín dụng, thậm chí quy định cao hơn mà tổ chức, cá nhân không dám và không thể sở hữu chéo tại các ngân hàng.
Đại biểu Trần Chí Cường (Đoàn Đà Nẵng) cũng bày tỏ băn khoăn, việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu có giải quyết được căn cơ không khi thực tế có thể phát sinh việc thuê, nhờ người đứng tên cổ phần để gia tăng phần sở hữu nhằm chi phối, kiểm soát tại một số tổ chức tín dụng.
Đại biểu đề nghị cần có đánh giá, làm rõ nguyên nhân sở hữu chéo xuất phát từ quy định pháp luật hay do tổ chức thực hiện.
Mặt khác, trong trường hợp thực tế như quy định này, đại cũng Trần Chí Cường cho rằng, phải có đánh giá đối với các cổ đông đang sở hữu số vốn cao hơn quy định mới. Trong trường hợp này sẽ xử lý như thế nào, thực hiện thoái vốn hay áp dụng quy định nào để bảo đảm quyền và lợi ích của nhà đầu tư, nhất là đối với nhà đầu tư chiến lược?.