Tuy vậy, các dự báo cho thấy, sự ổn định kinh tế vĩ mô và những chuyển biến tích cực gần đây từ nền kinh tế sẽ là những yếu tố tác động tích cực đến xu hướng tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới.
Tín dụng phục hồi chậm
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh, trong 5 tháng đầu năm nay, tín dụng trên địa bàn thành phố dự ước tăng khoảng 2,43% so với cuối năm 2022, thấp hơn mức bình quân khoảng 3,17% của cả nước; trong đó, dư nợ tín dụng bằng VND tăng 2,21%; dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ tăng 6,46% so với cuối năm 2022.
Phân tích cơ cấu tín dụng theo thời hạn nợ; theo loại tiền và theo khối ngân hàng, cũng như theo nhóm ngành lĩnh vực thì về cơ bản không có thay đổi nhiều. Tín dụng 5 tháng đầu năm trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh vẫn tập trung lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các nhóm ngành lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, ông Lệnh cho rằng, nếu đặt trong mối liên hệ so sánh với với 3 năm trở lại đây, tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm 2023 thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 và năm 2021, nhưng cao hơn năm 2020 (5 tháng đầu năm 2022, tín dụng tăng 8,8%; năm 2021 tăng 4,76% và năm 2020 tăng 1,75%).
Lý giải nguyên nhân tín dụng tăng trưởng chậm, đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh cho biết, tăng trưởng kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, khó khăn của các thị trường là những yếu tố chính tác động đến tăng trưởng tín dụng trong 5 tháng đầu năm trên địa bàn, đặt trong mối quan hệ ngân hàng – khách hàng và nền kinh tế. Trong đó, tín dụng và tăng trưởng kinh tế là yếu tố quan trọng nhất có tác động qua lại trong 5 tháng đầu năm và dự báo trong thời gian tới.
Theo phân tích, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu với 3 nguyên nhân chính. Đối với doanh nghiệp sản xuất có đầu ra tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn khiến nhu cầu vay vốn giảm; đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa có tình hình tài chính suy yếu dẫn đến chưa đáp ứng yêu cầu vay vốn của ngân hàng và đối với doanh nghiệp bất động sản thì nhu cầu giảm sút do nhiều dự án gặp khó khăn pháp lý.
Theo ông Trần Phước Tường, Phó Cục trưởng Cục Thống kê Tp. Hồ Chí Minh, tốc độ tăng trưởng GRDP của Tp. Hồ Chí Minh quý II/2023 ước tăng 5,87% so với cùng kỳ. Dù bức tranh kinh tế đã có nhiều cải thiện so với thời điểm quý I, tuy nhiên tình hình xuất khẩu của thành phố vẫn gặp khó khăn do các thị trường chủ lực chưa phục hồi; thu ngân sách nhà nước có tốc độ tăng trưởng chậm.
Đáng chú ý, ngành công nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. Chỉ số tiêu thụ trong 5 tháng vẫn còn giảm 4,9%; Chỉ số tồn kho tăng 11,6% và Chỉ số lao động giảm 2,8% so với cùng kỳ, trong đó có 13/30 ngành công nghiệp cấp 2 giảm so với cùng kỳ.
Những điều này ít nhiều đã tác động đến sự hấp thụ vốn của nền kinh tế trong thời gian qua. Chưa kể trong bối cảnh thị trường khó khăn, dòng tiền của các doanh nghiệp bị gián đoạn nên khả năng nhiều doanh nghiệp sẽ khó đáp ứng điều kiện tiếp cận tín dụng ngân hàng.
Tiếp tục giảm lãi suất cho vay
Thực tế, diễn biến tín dụng tăng trưởng chậm ở Tp. Hồ Chí Minh cùng xu hướng với cả nước. Trong phiên họp thường kỳ tháng 5, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 5 chỉ đạt 3,17% so với cuối năm 2022, tương đương mức tăng gần 10% so với cùng kỳ (so với mức 17% vào cuối tháng 5/2022), chỉ mở rộng thêm khoảng 0,25 điểm % so với cuối tháng 4/2023. Trong đó, tăng trưởng chỉ đạt khoảng 35% hạn mức đầu năm đối với các ngân hàng thương mại nhà nước và 50% đối với ngân hàng thương mại cổ phần. Điều này cho thấy dư địa cho các ngân hàng thương mại mở rộng tăng trưởng trong nửa cuối năm 2023 còn tương đối nhiều.
Theo ước tính của các chuyên gia Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, lãi suất cho vay trung bình (không tính các khoản ưu đãi) hiện tại vào khoảng 12,5%/năm, giảm khoảng 220 điểm cơ bản so với cuối năm 2022, nhưng vẫn cao hơn khoảng 200 điểm cơ bản so với năm 2019.
Cuối tháng 5/2023, việc giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước đã tiếp tục giúp kéo giảm mặt bằng lãi suất huy động trong nền kinh tế. Báo cáo vĩ mô của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt mới đây cho biết, lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng giảm nhiều hơn với mức giảm 60-80 điểm cơ bản so với cuối tháng 4/2023; lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên giảm khoảng 30-50 điểm cơ bản.
So với đầu năm, lãi suất huy động đã giảm từ 50-200 điểm cơ bản, mức giảm mạnh hơn đến từ nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân. So với thời điểm trước khi diễn ra sự kiện SCB vào tháng 10/2022, mặt bằng lãi suất huy động hiện đang cao hơn 40-150 điểm cơ bản.
Dù lãi suất huy động đã giảm tương đối nhiều, lãi suất cho vay giảm ít hơn. Các chuyên gia của VDSC cho rằng, lãi suất cho vay khó giảm ngay phần vì một phần vốn huy động chi phí cao chưa được “hấp thu” hết, phần vì rủi ro nợ xấu đang gia tăng.
Trước tình trạng sự hấp thụ vốn của nền kinh tế còn chậm, thông điệp của Ngân hàng Nhà nước đưa ra vẫn là nỗ lực hạ nhiệt mặt bằng lãi suất thực tế trên thị trường. Về phía các ngân hàng thương mại cũng cam kết sẽ tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp.
Trao đổi với báo chí mới đây, ông Phạm Toàn Vượng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, thời gian tới, Agribank sẽ kiên trì các giải pháp hỗ trợ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, từ giảm thêm lãi suất cho vay đến tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng. Hiện nguồn vốn tại ngân hàng không thiếu, thanh khoản dồi dào và sẵn sàng cho vay đối với những khách hàng đáp ứng đủ yêu cầu.
Theo đó, đến hết tháng 9/2023, Agribank sẽ giảm 0,5 điểm % lãi suất cho vay đối với dư nợ trung - dài hạn hiện hữu của khách hàng. Uớc tính, khoảng 2 triệu khách hàng sẽ được hỗ trợ với tổng số tiền được giảm theo chương trình là hơn 1.000 tỷ đồng.
Theo dự báo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.Hồ Chí Minh, hoạt động tín dụng nhiều khả năng sẽ hồi phục mạnh hơn trong 6 tháng cuối năm khi tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu hồi phục. Đây là yếu tố quan trọng tác động trực tiếp đến tăng trưởng tín dụng, đặt trong mối quan hệ ngân hàng- khách hàng và nền kinh tế. Theo đó, tín dụng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ngược lại tăng trưởng kinh tế là môi trường, là điều kiện thuận lợi để mở rộng và tăng trưởng tín dụng.
Quan trọng hơn, với bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát (bình quân 5 tháng đầu năm CPI tăng 3,55% so với cùng kỳ năm 2022) sẽ là cơ sở, nền tảng để các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn hiệu quả.
Bên cạnh đó, với chính sách lãi suất và cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ được Ngân hàng Nhà nước ban hành trong thời gian qua, không chỉ hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp về vốn, lãi suất, mà còn tạo thanh khoản và dòng tiền để doanh nghiệp. Những chính sách này, với nội hàm vừa hỗ trợ thanh khoản cho tổ chức tín dụng, vừa tạo điều kiện giảm lãi suất và luân chuyển vốn thuận lợi trong nền kinh tế, qua đó kích thích, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng kinh tế…