Chốt phiên sáng 16/11, chỉ số VN-Index tăng 8,01 điểm lên 919,91 điểm; HXN-Index vẫn giảm 0,7%, xuống 174,55 điểm. Thanh khoản đạt 9.500 tỷ đồng, trong đó có gần 8.400 tỷ đồng trên HOSE, tổng khối lượng giao dịch trên sàn đạt 772 triệu cổ phiếu.
Nhiều cổ phiếu trụ cột tăng mạnh vào cuối phiên sáng, trong đó HPG của Tập đoàn Hòa Phát và GVR của Tập đoàn Cao su Việt Nam tăng trần. Nhiều cổ phiếu chuyển từ giảm sàn sang tăng giá như: VPBank (có lúc trần), Techcombank, HDBank, FPT, BVH.
VIC, GAS, BID, HPG, VHM, ACB, VRE, GVR, VNH, CTG là những mã cổ phiếu lần lượt tăng mạnh nhất trong phiên, góp hơn 12 điểm cho thị trường. Đây cũng là những mã nằm trong nhóm ngành tăng mạnh nhất phiên là vật liệu xây dựng, chứng khoán, bảo hiểm và sản xuất hàng tiêu dùng.
Trước đó, VPB gây tác động tiêu cực nhất đến VN30-Index khi lấy đi hơn 4,4 điểm. Theo sau là FPT và TCB lần lượt kéo chỉ số giảm hơn 3,2 điểm. Ngược lại, tăng duy nhất hiện diện là mã VIC, tuy nhiên mức đóng góp không quá lớn.
Bên cạnh đó, nhóm ngành ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm chịu áp lực bán mạnh khiến nhiều mã nằm sàn la liệt như VPB, TCB, LPB, SHB, VIX, MBS, MIG, BMI, BIC…
Ngoài ra, ngành bất động sản tiếp tục đợt bán tháo mạnh với gần 1 nửa trong số đó lao dốc hết biên độ. Ngược lại, cái tên gây chú ý là VIC khi ngược dòng đà giảm mạnh và tăng nhẹ trên tham chiếu với mức tăng 0,5%.
Trong khi đó, cổ phiếu Novaland (NVL) giảm hết biên độ phiên thứ 10 liên tiếp với giao dịch ở mức rất thấp, theo đó 70.300 đơn vị được mua bán trong buổi sáng, trong khi dư bán sàn còn hơn 49 triệu đơn vị.
Theo nhận định của các công ty chứng khoán (CTCK), nhìn chung thị trường vẫn chưa dò được đáy và rủi ro vẫn còn, các chỉ báo vẫn đang hướng xuống tiêu cực. CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) khuyến cáo nhà đầu tư nên giao dịch cẩn trọng trong thời gian này khi VN-Index liên tiếp phá vỡ các ngưỡng hỗ trợ.
Trong khi đó, CTCK MB (MBS) cho rằng, việc chỉ số VN-Index “hạ cánh” ở vùng nào không quan trọng bằng nhu cầu thanh khoản lúc này, do vậy các nhịp hồi luôn bị chìm trong áp lực thoát ra do lo sợ cổ phiếu có thể dư bán giá sàn.
Còn theo CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS), xu hướng ngắn hạn VN-Index vẫn suy yếu khi tạo ra các đáy sau thấp hơn đáy trước. Thị trường chỉ có thể tìm được điểm cân bằng khi áp lực bán giải chấp tại các mã cổ phiếu giảm bớt, vùng hỗ trợ gần nhất với VN-Index là 861 - 900 điểm.
CTCK Bảo Việt (BVS) cũng nhận định, sự thiếu vắng dòng tiền và diễn biến tiêu cực của nhóm bất động sản vẫn là yếu tố rủi ro tạo áp lực giảm điểm lên thị trường trong giai đoạn này. Tuy vậy, việc VN-Index đang ở vùng định giá thấp P/E khoảng 10.x lần trong bối cảnh phần lớn các nhóm cổ phiếu đã ở trạng thái quá bán ngắn hạn được kỳ vọng sẽ giúp thị trường không xuyên thủng vùng hỗ trợ quan trọng quanh 900 điểm. Thị trường dự báo có thể tăng điểm trở lại từ vùng hỗ trợ quanh 900 điểm.