VN-Index tuột dốc gần 32 điểm, nhóm “họ Vin” rớt giá mạnh cuối phiên

Chiều ngày 6/7, VN-Index chốt tại mức giá thấp nhất ngày sau phiên ATC, giảm gần 32 điểm. Đây là mức giảm mạnh nhất của VN-Index kể từ ngày 20/6, thậm chí thanh khoản giao dịch còn thấp hơn khoảng thời gian tồi tệ cuối tháng 6 vừa qua.

Chú thích ảnh
Chốt phiên chiều ngày 6/7, thị trường có đến hơn 600 mã giảm giá với gần 800 mã đứng giá. Ảnh chụp màn hình

Theo đó, VN-Index giảm thêm 31, điểm, còn 1.149,6 điểm. HNX-Index giảm chỉ hơn 6 điểm xuống còn gần 272 điểm. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt gần 9 triệu cổ phiếu, tương đương tổng giá trị hơn 15 ngàn tỷ đồng. Trong đó, giá trị giao dịch tại HOSE đạt hơn 12,5 ngàn tỷ đồng và tại HNX là gần 1,15 ngàn tỷ đồng. Giá trị bán ròng của khối ngoại đến cuối phiên gia tăng lên mức 754 tỷ đồng.

Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu “họ Vin” rớt giá mạnh về cuối phiên. VIC cận sàn, VRE kịch sàn và VHM sụt 2,31%. Riêng nhóm này đã lấy đi của VN-Index hơn 7 điểm và VIC cũng là mã tác động tiêu cực nhất lên chỉ số.

Không có sắc xanh hiện diện tại bất kỳ nhóm ngành nào. Tuy vậy, xét trên khía cạnh cổ phiếu riêng lẻ thì vẫn có 197 mã tăng giá vào ngày hôm nay. Nổi bật có DBC (+6.8%), HAG (+2.44%), RAL (+2.34%), SAB (+1.19%), HVN (+0.97%).

Trước đó, vào khoảng 14 giờ 33 phút, VN-Index bất ngờ lao dốc khi tiến vào phiên ATC. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, chứng khoán đồng loạt rớt giá đột ngột. Các nhóm ngành khác cũng suy yếu.

Trong phiên sáng, VN-Index giảm 12,74 điểm. Đa số các nhóm ngành không có chuyển biến đáng kể, tuy nhiên, đáng chú ý là màn lội ngược dòng của ngành thủy sản và sự mạnh mẽ của ngành thực phẩm – hàng tiêu dùng. Các cổ phiếu lớn trong ngành cá tra như VHC, ANV, IDI và ngành tôm như CMX đều chuyển từ mức giảm mạnh sang xanh.

Theo nhận định của các chuyên gia, phiên giao dịch hôm nay, VN-Index đã giảm đến 22% so với thời điểm khởi đầu năm, đồng thời quá nửa số cổ phiếu niêm yết HOSE có thành tích tệ hơn so với chỉ số xét trên cùng giai đoạn.

Ông Lê Vương Hùng, Giám đốc khối kinh doanh môi giới của CTCK Rồng Việt (VDS) cho rằng, có thể VN-Index đang trong quá trình test lại đáy cũ tạo vào ngày 17/5 và 23/6. Theo đó, vùng hỗ trợ cứng của chỉ số đang ở quanh 1.156 - 1.162 điểm. Nếu xác nhận đáy sau cao hơn đáy trước hoặc bật lên ở vùng này thì đây là đáy trong năm của chỉ số.

Với tình hình thông tin tốt xấu đan xen hiện tại, VN-Index vẫn có khả năng tăng lên mức 1.280 điểm. Thị trường hiện đang chờ đợi Fed tăng lãi suất thêm một lần nữa và dự báo trước tác động.

Theo ông Lê Vương Hùng, hiện đang có nhiều thông tin tốt xuất hiện như: GDP Việt Nam tăng trưởng tốt trong quý 2, các chỉ số sản xuất, tiêu dùng, xuất khẩu đang tích cực. Giá dầu, giá lương thực đang có chiều hướng giảm giúp giảm áp lực lạm phát. Thông tin xấu đang dần bão hòa. Ngoài ra, một số thông tin như rút ngắn chu kỳ T+2, có cơ chế giao dịch cổ phiếu lẻ cũng tác động tốt tới thị trường.

Ngoài ra, mặc dù kết quả kinh doanh quý 2 chưa rõ nét nhưng khả năng cao là doanh nghiệp sẽ tăng trưởng tốt. Sang quý 3, kết quả tăng trưởng sẽ tiếp tục tốt vì so với nền thấp năm trước.

Tuy nhiên, kịch bản phá đáy sẽ diễn ra khi các áp lực hiện tại xấu hơn hoặc có kịch bản khó lường như chiến tranh lan rộng ra, giá dầu và nguyên vật liệu không giảm mà tăng trở lại… kéo lạm phát lên cao hơn ép các ngân hàng trung ương, Fed phải mạnh tay hơn trong việc tăng lãi suất. Ngoài ra, GDP của Mỹ nếu tiếp tục tăng trưởng âm trong quý 2 cũng sẽ tác động tiêu cực tới thị trường. Những rủi ro này mặc dù đang trong tầm kiểm soát nhưng nếu có diễn biến bất ngờ thì thị trường sẽ giảm mạnh.

Đối với nhóm ngành tài chính – ngân hàng, chuyên gia Lê Vương Hùng đánh giá, ngân hàng vẫn được dự báo tăng trưởng tốt nhưng còn nhiều vấn đề như tăng lãi suất huy động làm tăng chi phí đầu vào, nợ xấu… Nhóm này đã lâu chưa có sóng nên dòng tiền lớn từ nhà đầu tư đang rất nóng lòng chờ đợi.

Trong khi đó, ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng CTCK MB (MBS) nhận xét, thị trường hiện chưa có lực bật mạnh, áp lực lên thị trường vẫn đến từ các yếu tố vĩ mô thế giới như lạm phát, lãi suất nên dòng tiền đầu tư vào tài sản không dồi dào. Do đó, chứng khoán sẽ thiên về hướng đi ngang trong biên độ hẹp.

Nhìn chung, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sẽ giữ giá cho cổ phiếu. Vùng 1.200 – 1.240 là vùng điểm tốt để nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu. Khi các thông tin về lãi suất, lạm phát ổn định trở lại thì thị trường mới có động lực tăng trở lại.

Về đầu tư ngắn hạn, ông Hùng cho biết, PE hiện tại của thị trường ở mức 12 - 13 lần, với mức tăng EPS dự báo là 20% thì PE cuối năm sẽ chỉ là 10 lần, ngang bằng mức đáy năm 3/2020. Đây là cơ hội tốt để mua vào, nhà đầu tư nên giải ngân theo hướng tích lũy tích sản. Theo đó, nhà đầu tư nên chọn các doanh nghiệp có triển vọng tốt, nền tảng dòng tiền tốt, cổ tức đều đặn.

Còn theo khuyến nghị của ông Hoàng Công Tuấn, nhà đầu tư chọn các nhóm ngành như bán lẻ, điện, tiêu dùng và không nên ưu tiên các nhóm có hoạt động liên quan tới giá hàng hóa. Đối với nhóm chứng khoán, nhà đầu tư nên xuống tiền khi thị trường tạo đáy thanh khoản.

Hải Yên/Báo Tin tức
Chứng khoán châu Âu giảm mạnh trong phiên 5/7
Chứng khoán châu Âu giảm mạnh trong phiên 5/7

Chứng khoán Âu-Mỹ phiên 5/7 diễn biến có phần ngược chiều với khu vực châu Âu chìm sâu trong sắc đỏ, còn đồng euro lao dốc theo hướng ngang giá với đồng USD do lo ngại về suy thoái ngày một lớn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN