Mẹ chồng luôn… đòi quà mỗi khi đến chơi

Cứ mỗi lần lên chơi, mẹ chồng lại than thở ở quê thiếu thốn đủ thứ rồi rủ đi siêu thị mua sắm không tiếc tay, khiến con dâu méo mặt.

Sau khi cưới, vợ chồng Lan chỉ ở quê khoảng 3 hôm rồi vội lên đi làm. Công việc trên thành phố khiến cô không phải sống chung với mẹ chồng, tránh được nhiều va chạm. Tính Lan cũng rất vô tư nên cô luôn tự nhủ sẽ cố gắng đối đãi tốt với nhà chồng. Cứ mỗi 2 tuần, vợ chồng lại về quê chơi và mang đủ thứ quà bánh về biếu bố mẹ, cho các cháu ở quê, dù cuộc sống mới bắt đầu vẫn còn nhiều khó khăn.

Nhưng cũng chính vì thế mà mẹ chồng cô luôn nghĩ con trai mình khá giả, đi làm được nhiều tiền nên bắt đầu lên chơi thường xuyên. Từ lần mẹ chồng lên “xem các con ăn ở ra sao” và những lần sau đó đã khiến Lan phát hoảng.


Hôm đầu tiên lên chơi, bà gọi điện báo trước, Lan rất vui vì được quan tâm nên xin nghỉ một buổi với ý định chở mẹ chồng đi chơi một vòng quanh thành phố cho bà “biết đây, biết đó”. Tuy nhiên mọi việc không như Lan nghĩ, khi đề nghị chở mẹ chồng đi chơi thì bà bảo: “Thôi mẹ chả muốn đi chơi đâu, con cứ chở mẹ đi siêu thị là được”, Lan vui vẻ nhận lời.


Vào đến siêu thị, nhìn thấy gì hay hay bà cũng đề nghị Lan mua về làm quà cho các cháu, bà nhặt "thả ga" từ sữa bột, quần áo đến giày dép, đồ chơi… Đến khu đồ điện tử, bà cũng nói ý rằng nồi cơm điện ở nhà sắp hỏng đang muốn mua một cái tốt tốt một chút mà chưa có tiền và cứ đứng ở đó xem đi xem lại một chiếc nồi nhập ngoại hơn 3 triệu.


Thấy mẹ chồng “hồn nhiên” quá, nghĩ mẹ chưa biết giá cả đắt đỏ nên Lan cứ giả vờ lặng im và đi xem chỗ khác. Nhưng mẹ chồng lại gọi cô đến và hỏi thẳng: “Vợ chồng con biếu bố mẹ chiếc nồi này có được không, chắc là nấu cơm ngon lắm nhỉ”. Lan giật mình, nãy giờ cô tự nhẩm tính các loại mặt hàng mẹ chồng mua cũng phải ngót nghét 3 triệu, giờ lại thêm cái nồi này thì số tiền dành dụm tháng này của cô coi như “đi tong”. Nhưng thấy mẹ chồng cứ hỏi đi hỏi lại, không thể từ chối Lan đành miễn cưỡng đồng ý. Thế là 2 mẹ con lại lỉnh kỉnh với một mớ đồ chở về nhà. Nghĩ đây là lần đầu tiên mẹ chồng lên chơi nên Lan vẫn vui vẻ, chưa phàn nàn gì với chồng.


Nhưng mọi việc chưa dừng ở đó, sau lần đó, cứ khoảng 1, 2 tháng, bà lại lên thăm nhà con trai một lần. Lần nào bà cũng rào trước: “Ôi cả nhà có mỗi thằng Long, chồng con được là có chí nhất, học hành giỏi giang, có công ăn việc làm trên thành phố, làm bố mẹ mát mặt. Các con liệu mà ăn ở với gia đình, anh em ở dưới quê cho vui vẻ, phải biết quan tâm đến mọi người không người ta sẽ cười bố mẹ đấy”.


Rồi cứ mỗi lần bà lên lại lặp lại cảnh đi siêu thị mua sắm như lần trước. Những lần sau bà “tha” không thiếu thứ gì từ siêu thị để mang về quê, thậm chí từ giấy vệ sinh, xà phòng giặt… lần nào cũng cả kiện hàng như đi buôn, vì bà bảo “thích mua đồ trên thành phố, nhiều loại hàng”.


Lan cảm giác như không phải mẹ chồng đi chơi mà bà thiếu thứ gì thì lên trước danh sách để mua thứ đó, dần dần cô bắt đầu cảm thấy khó chịu. Thực ra Lan cũng vô tư và muốn quan tâm đến mọi người nhưng sẽ chẳng có vấn đề gì nếu vợ chồng cô giàu có. Đằng này, để lập nghiệp trên thành phố, hai vợ chồng vẫn còn đang phải thuê nhà, đồng lương kiếm được cũng phải trang trải cuộc sống, chi tiêu mọi thứ, mỗi tháng chỉ thừa chút ít cất đi làm vốn.


Vậy mà cứ mỗi lần mẹ chồng lên chơi, số tiền để dành lại hết. Vì muốn bố mẹ được “nở mày nở mặt” nên Long cũng chưa khi nào than thở với bố mẹ về cuộc sống mưu sinh khó khăn trên thành phố, mỗi lần về quê lại cố gắng mua quà cáp cho mọi người nên chắc mẹ chồng cô nghĩ vợ chồng cô khá giả lắm.


Thế nhưng mẹ chồng cô không hiểu điều đó, thậm chí còn giao đủ loại trách nhiệm, không nói thẳng là phải nuôi bố mẹ nhưng lại ra sức dựa vào vợ chồng cô, chẳng một chút thông cảm. Nhiều lần Lan cũng phàn nàn với chồng rằng mình rất khó xử và nhờ chồng nói cho mẹ hiểu nhưng Long cứ ậm ờ vì cũng ngại, chẳng biết phải nói sao.


Giờ đây, cứ mỗi lần mẹ chồng gọi điện bảo lên chơi là Lan lại lo sốt vó, chẳng nhẽ cứ thế này mãi thì vợ chồng cô sống sao nổi, lấy đâu ra mà nuôi con cái sau này.


NN/ Báo Tin tức
Bất lực nhìn mẹ chồng mắc bệnh “hồn nhiên”
Bất lực nhìn mẹ chồng mắc bệnh “hồn nhiên”

Khi mâu thuẫn của hai vợ chồng tôi lên đến đỉnh điểm, chồng bỗng buông ra câu nói: “Vợ có thể bỏ, còn bố mẹ thì không”. Và có lẽ bất cứ người phụ nữ nào khi nghe được câu nói đó từ chồng mình đều cảm thấy vô cùng hụt hẫng, đau đớn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN