Mẹ chồng làm... ôsin

Tôi đang có con nhỏ. Chị giúp việc nhà tôi về quê ăn Tết hôm 29 âm lịch thì sáng hôm sau đã gọi điện thoại lên thút thít: “Chị xin lỗi cô chú, sau Tết chị không lên giúp cô chú được vì...”.


Nghe đến thế, tôi thẫn thờ hết cả người. Lẽ ra theo kế hoạch, ngày 30 Tết chúng tôi đi chợ hoa nhưng cuối cùng chồng thì cau mày, vợ thì bóp trán để tìm cách kiếm người giúp việc. Chồng tôi ý thức được tính nghiêm trọng của sự vụ nên ngồi tra ngay danh bạ điện thoại, liên hệ với các trung tâm giới thiệu việc làm.

Ảnh chỉ có tính minh họa.

Nhưng cứ gọi đến trung tâm nào cũng chỉ nhận được những tiếng tút tút dài vô cảm. Quay sang cầu cứu bạn bè, chúng tôi chỉ nhận được những câu đại loại như: “Ông bà hâm hay sao, 30 Tết lại đi kiếm người giúp việc”. Mọi nỗ lực của hai vợ chồng trong ngày cuối cùng của năm không được đền đáp.

Thế là trong mấy ngày Tết, người ta thì vui vẻ tưng bừng còn vợ chồng tôi thì cứ như người “mất sổ gạo”, đi chúc Tết ở đâu cũng ướm hỏi xem gia chủ có biết người nào làm giúp việc không để tiện bề nhờ vả; nhưng cuối cùng, chúng tôi cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu đầy thông cảm.

Tết trôi qua cái vèo. Hôm mùng 4 Tết, chồng tôi đột nhiên vui mừng thông báo: “Anh đã có cách. Mai anh về quê đón mẹ lên trông cháu. Từ nay, em khỏi lo khoản người giúp việc. Bà nội mà trông cháu là nhất”. Tôi không biết đây là tin vui hay tin... không vui.


Bởi tôi đã được các nữ đồng nghiệp cùng cơ quan cảnh báo: Mẹ chồng và nàng dâu càng ở gần nhau, càng xảy ra nhiều chuyện (?!). Hơn nữa, tôi vốn không được lòng nhà chồng, đặc biệt giữa tôi và mẹ chồng đã xảy ra một vài mâu thuẫn nho nhỏ. Tuy nhiên, tôi không còn lựa chọn nào khác. Thế là bà nội cu Mốc (tên gọi ở nhà của con trai tôi) làm nhiệm vụ của một ôsin bắt đầu từ ngày mùng 6 Tết. Tính đến nay đã được hơn một tuần.

Không phải là tôi nói quá, nhưng thú thực, từ ngày mẹ chồng tôi lên trông cháu, nếp sinh hoạt của thằng bé bị đảo ngược hết cả. Sau đợt rét là mấy ngày nắng ấm, bà liền cho cháu mặc quần áo phong phanh “đánh võng” ngoài ngõ. Đúng là nắng ấm đấy nhưng ngoài trời, gió thổi cứ lồng lộng. Nhắc bà thì bà bảo: “Ối giời, phong trần cho nó quen đi. Chị cứ giữ nó khư khư như thế thì tốt chắc?”. Đến tối, phong trần đâu chẳng thấy, chỉ thấy thằng bé hắt hơi, sổ mũi liên hồi.

Vốn quen được đóng bỉm, nhưng từ ngày có bà nội, cu cậu được đi vệ sinh thoải mái... ra quần (cháu mới 14 tháng tuổi). Bà bảo, để như thế cho tự nhiên, trẻ đóng bỉm nhiều sau này dễ bị vòng kiềng.


Tuy nhiên, dáng đẹp của cháu đâu chưa thấy, chỉ thấy suốt ngày bà đánh, mắng cháu: “Lại tè ra quần rồi. Ăn gì mà tè nhiều thế cơ chứ”. Chưa hết, cách đây hai hôm, vừa đi làm về, tôi đã được bà khoe: “Hôm nay cu Mốc không chịu ăn cháo. Nhưng cơm bà nhai cho thì ăn hết những lưng bát. Ăn cơm càng chắc dạ, Mốc nhỉ”. Trời... ! Tôi kể lại chuyện này với chồng để nhờ anh nói với mẹ cần sớm chấm dứt việc cho cháu ăn theo kiểu đó.


Nhưng chồng tôi nói chưa dứt câu thì đã bị bà cắt ngang: “Dào ơi, anh chị cứ bày vẽ khoa học khoa hiếc gì. Ngày xưa, anh ăn cơm nhai của tôi đến tận lúc 4 tuổi cơ mà vẫn khoẻ mạnh, thông minh đấy thôi”...

Chắc chắn trong những ngày sắp tới sẽ còn có nhiều chuyện xảy ra nữa. Tôi không biết phải xử trí với tình cảnh này thế nào?

Nguyễn Thị Hà (Hà Nội)

Vào thời điểm này, việc có được một người giúp việc “xịn” như vậy là đáng quý lắm lắm rồi. Nhìn sang những gia đình mà vợ chồng phải cắt cử nhau nghỉ việc để trông con, hay tại các công sở, những bà mẹ trẻ phải nhìn trước ngó sau “trốn” sếp để về sớm với con thì rõ ràng chị nhàn nhã hơn họ rất nhiều.


Tất nhiên là trong “cái may” lại có “cái rủi”. Thôi thì không còn cách nào khác là chị phải “cải tạo” bà nội của cu Mốc một cách dần dần. Mặt khác, chị cũng phải chấp nhận một thực tế là sẽ bị bà “cải tạo” lại.

Hai thế hệ, hai quan điểm sống, hai cách chăm nuôi trẻ có khác nhau, song chung quy lại cũng chỉ vì muốn tốt cho cu Mốc mà thôi.

Hiền Hòa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN