“Thủ đô” của lễ hội dân tộcCứ vào dịp cuối năm cũ, đầu năm mới, đồng bào dân tộc Dao đỏ ở xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang lại tổ chức Lễ hội Quỹa Hiéng (còn gọi là lễ hội qua năm). Để chuẩn bị cho lễ hội, các gia đình trong bản chuẩn bị lễ vật dâng cúng. Khi lễ vật chuẩn bị đầy đủ, thầy cúng thổi một hồi tù và như một lời tuyên bố lý do mở hội, cúng mời thần linh cùng tất cả những người đã mất trong dòng tộc về dự lễ hội quan trọng nhất trong năm của người Dao đỏ.
Trong bài khấn, thầy cúng kể chuyện về sự hình thành trời đất vũ trụ với bốn mùa: xuân - hạ - thu - đông, kể về sự ra đời, phát triển của loài người trong đó có các tộc họ người Dao xã Hồ Thầu. Kể lại và tỏ lòng biết ơn những người đã có công giúp người Dao đỏ chống lại ma tà quỷ dữ, bảo vệ cuộc sống...
Lễ cúng thần sông nước cầu mưa thuận gió hòa trong Lễ hội đua thuyền đuôi én lần thứ 3, năm 2017 và Ngày hội thể thao các dân tộc thị xã Mường Lay (Điện Biên). Ảnh: Xuân Tư - TTXVN |
Sau khi hoàn thành các nghi lễ, thầy cúng chọn giờ tốt và hướng tốt trong sáng ngày đầu tiên của năm mới, để bà con tổ chức xuất hành, mong năm mới sẽ có nhiều tài lộc, may mắn, mùa màng tốt tươi... Khi xuất hành, mỗi người mang một dụng cụ lao động như cày, cuốc, dao, xô chậu đựng nước làm các hoạt động đầu năm để lấy may mắn. Sau lễ xuất hành, mọi người lấy thức ăn đã chuẩn bị sẵn cho trâu bò ăn nhằm trả ơn những ông trâu chú bò đã vất vả giúp gia đình cày bừa suốt năm cũ và sẵn sàng chuẩn bị cho năm mới...
Hàng năm, cứ mỗi độ xuân sang, khi hoa đào đã vãn, hoa ban đã nở trắng sườn non, măng đắng đã nhú ngoài rừng, cũng là dịp bà con dân tộc Xinh Mun ở tỉnh Sơn La, tưng bừng tổ chức lễ hội Ksai Sa Típ, nghĩa là Lễ hội Lộc hoa, cầu lộc, cầu mùa, cầu phúc, cho con người mạnh khỏe, mùa màng tốt tươi. Lễ hội được tổ chức vào sau dịp Tết Nguyên đán, lần lượt tổ chức ở từng nhà, mỗi bản có bao nhiêu nhà là có bấy nhiêu ngày hội.
Sau khi hoàn thành các nghi lễ cúng bái thần linh, bà con bắt đầu tiệc rượu trong tiếng chiêng, tiếng trống tưng bừng, mọi người nắm tay múa xòe quanh cây nêu giữa nhà, rồi mời nhau uống rượu cần, rồi lại tiếp tục xòe, hết đợt này đến đợt khác, kéo dài đến lúc phương đông hửng sáng mới kết thúc. Mọi người hoan hỉ xuống cầu thang về nhà, để đến tối hôm sau lại đến dự lễ hội ở nhà người trong họ hoặc cùng mường...
“Đa phần đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc làm nông nghiệp theo mùa vụ, vì thế các lễ hội có chức năng cấu kết cộng đồng, như một “mệnh lệnh thiêng”. TS Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam |
Bên cạnh các lễ hội mùa xuân như hội Lễ hội Quỹa Hiéng của người Dao đỏ, Lễ hội Hoa ban của người Thái, Lễ hội Lộc hoa của người Xinh Mun, Lễ hội Kin Pang Then của người Thái trắng, lễ cúng bản của người Hà Nhì, Lễ hội Gầu Tào của người Mông, Tết Nào pê chầu của người Mông đen... cộng đồng các dân tộc vùng Tây Bắc còn tổ chức nhiều lễ hội gắn với mùa màng, với thiên nhiên như lễ hội Lồng tồng, Lễ cúng rừng...
Tùy theo phong tục của từng địa phương, từng vùng, từng dân tộc, ngày lễ được tổ chức khác nhau, nghi thức có khác nhau, nhưng đều có chung một ý nghĩa, là tổ chức nghi lễ nông nghiệp cổ xưa, mở đầu cho một mùa sản xuất mới. Trong lễ hội này, các cộng đồng dân cư tạ ơn thần linh, cầu mùa màng bội thu, gia súc phát triển, con người khỏe mạnh, bản làng yên vui... và gặp gỡ, thăm hỏi, chúc tụng nhau. Đây cũng là dịp để trai gái giao lưu, tìm bạn...
Bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ VHTTDL:
Nhiệm vụ cấp thiết
Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán và khẳng định vấn đề bảo tồn, phát huy, phát triển các giá trị văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một nhiệm vụ cấp thiết, đặc biệt là trong thời kỳ phát triển và hội nhập như hiện nay. Nhằm bảo tồn văn hóa vùng Tây Bắc, cũng như các lễ hội của đồng bào vùng Tây Bắc, Bộ VHTTDL đã thường xuyên tổ chức điều tra, sưu tầm, nghiên cứu phổ biến các giá trị văn hóa nghệ thuật, phục dựng các lễ hội truyền thống tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số... Đặc biệt, Bộ thường xuyên tổ chức các ngày hội văn hóa Tây Bắc, Đông Bắc, ngày hội văn hóa của đồng bào dân tộc Mông, dân tộc Thái... vừa để tôn vinh giá trị văn hóa cộng đồng, vừa bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, của các dân tộc, giá trị các lễ hội dân tộc. Trong thời gian tới, Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc nói chung, vùng Tây Bắc nói riêng. Bên cạnh đó, nêu cao vai trò chủ thể văn hóa là đồng bào các dân tộc trong việc sáng tạo các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời tăng cường tuyên truyền, giáo dục để chủ thể văn hóa ngày càng nhận thức đầy đủ hơn giá trị, cũng như bản sắc văn hóa của mình, đồng thời để có quá trình bảo tồn và phát huy lễ hội tốt hơn. |
Một trong những lễ hội đặc biệt, có ý nghĩa rất riêng, được nhiều dân tộc ở vùng Tây Bắc tổ chức, là lễ hội cúng rừng. Hàng năm, cứ vào khoảng tháng Giêng, tháng Hai, hầu hết các dân tộc ở vùng miền núi phía Bắc đều tổ chức lễ cúng rừng. Đồng bào người Dao, người Giáy, người Hà Nhì, người Pu Péo, người Nùng, người Tày, người Mông... đều có lễ cúng rừng. Có thể kể đến một vài lễ hội như: lễ cúng rừng của người Thu Lao (được xếp vào dân tộc Tày) xã Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai.
Lễ cúng rừng của đồng bào dân tộc Nùng ở xã Pố Lồ, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Lễ hội Xên đông, còn gọi là lễ Cúng rừng thiêng của đồng bào dân tộc Thái vùng lòng chảo Mường Lò (Yên Bái), lễ cúng rừng (Gà Ma Dó) của người Hà Nhì ở Bát Xát, Lào Cai... Dù là lễ cúng của đồng bào dân tộc nào, các nghi lễ thực hiện khác nhau, nhưng đều chuyển tải chung một thông điệp: Rừng là mẹ nuôi sống con người, và con người cũng phải biết giữ lấy rừng và phải bảo vệ rừng...
TS Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho biết, trong các lễ cúng rừng, mỗi dân tộc có một nét đặc sắc riêng. Nếu như lễ cúng rừng của người Hà Nhì, những người đến lễ hội đều nhận được thông điệp bằng mọi giá phải bảo vệ rừng, thì lễ hội cúng rừng của người Dao được tổ chức theo một chu trình rất đặc biệt. Đồng bào người Dao dựng lại cả một hoạt cảnh diễn xướng, trong đó có cảnh trồng rừng ra sao, phát rừng như thế nào, trồng cây, rồi cây lên như thế nào, và ý nghĩa của rừng với đời sống con người ra sao...
Đó là cả một nghệ thuật để những người tham gia lễ hội hồi tưởng lại cả một quá khứ. Thông qua nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật âm nhạc, nghệ thuật múa, sự thiêng hóa của các huyền thoại liên quan đến nghi lễ cúng rừng... vừa làm cho truyền thống lễ hội trở nên lung linh, giá trị của lễ hội ngày càng cao lên trong cộng đồng, và đặc biệt là giá trị giáo dục cộng đồng về ý thức bảo vệ rừng.
Bảo tồn và phát huy lễ hội Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu văn hóa, lễ hội có vai trò cực kỳ quan trọng trong đời sống văn hóa xã hội của đồng bào các dân tộc. Các lễ hội phản ánh thế giới quan và nhân sinh quan các dân tộc trong một không gian, môi trường và hoàn cảnh lịch sử cụ thể, thể hiện mong ước của con người, là được khỏe mạnh, may mắn, phát tài phát lộc, mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm, bản làng yên vui, được gặp gỡ giao lưu sau những ngày lao động vất vả...
Lễ hội đem lại sự vui vẻ, yên tâm, tự tin, tự hào, sự hiểu biết, đoàn kết, thương yêu, lòng nhân ái, thể hiện sự bình đẳng dân chủ trong cộng đồ các dân tộc. Không những thế, lễ hội dân gian của đồng bào dân tộc còn là nơi lưu giữ và truyền lại những vốn văn hóa truyền thống cho các thế hệ sau, qua những điệu hát, lời ca...
Phụ nữ Pà Thẻn, xã Tân Bắc, huyện Quang Bình (Hà Giang) thi dệt vải. Ảnh: Thanh Hà - TTXVN |
TS Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam khẳng định, lễ hội có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc. Bởi trên thực tế, đa phần đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc làm nông nghiệp theo mùa vụ, vì thế các lễ hội có chức năng cấu kết cộng đồng, như một “mệnh lệnh thiêng”. Trong quá trình tổ chức lễ hội, những đặc trưng nổi bật nhất của văn hóa, nghệ thuật của các dân tộc cũng được bộc lộ, và lễ hội cũng là môi trường tốt nhất để gìn giữ và phát huy các loại hình dân ca, dân vũ, các trò chơi dân gian của cộng đồng các dân tộc, như hát giao duyên, ném còn, múa khèn, chơi quay, kéo co...
Bên cạnh đó, lễ hội của các dân tộc vùng Tây Bắc còn được ví như một “trung tâm văn hóa” chung của cả vùng, góp phần vào hoạt động giao lưu văn hóa giữa các dân tộc. Ví dụ, trong lễ hội của người Thái, có cả đồng bào người Mông, người Dao đến dự. Lễ hội xuống đồng của người Giáy ở Tả Van (Lào Cai), có cả đồng bào người Dao, Mông, Tày đến dự...
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, mở rộng giao lưu văn hóa và phát triển du lịch của nước ta hiện nay, các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc càng có ý nghĩa quan trọng. Một mặt, lễ hội góp phần bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc. Mặt khác, lễ hội trở thành yếu tố độc đáo có sức cuốn hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi, đã thu hút một lượng lớn khách du lịch, đã làm thay đổi bộ mặt, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.
Đơn cử như lễ hội Gầu Tào ở Pha Long, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, trước đây chỉ là lễ hội của vùng Pha Long, nhưng ngày nay đã trở thành lễ hội chung của người Mông ở các huyện miền Đông tỉnh Lào Cai, thu hút đồng bào Mông ở Lào Cai, Hà Giang... tham gia. Hay như lễ hội Roóng Poọc của người Giáy thôn Tả Van, huyện Sa Pa, cuối thế kỷ XX trở về trước, chỉ là hội làng, có vài trăm người tham dự, đến nay đã trở thành lễ hội của cả vùng hạ huyện Sa Pa. Đặc biệt, sau khi được quảng bá trên các trang web du lịch, Lễ hội Roóng Poọc đã trở thành điểm đến của hàng trăm du khách quốc tế.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Ngô Quang Hưng:
Nhà nước chỉ “thổi còi”
Các lễ hội vùng Tây Bắc mang những đặc trưng văn hóa vô cùng quý giá. Các lễ hội được hình thành từ nhu cầu của đời sống xã hội trong cộng đồng các dân tộc. Thông qua lễ hội, con người giao tiếp với thần linh, siêu nhân, bày tỏ ý nguyện của mình với trời, thể hiện ước muốn của con người là muốn làm chủ mặt đất, bầu trời, làm chủ lòng đất, làm chủ chính bản thân cuộc sống của mình. Các lễ hội được tổ chức nhằm tập hợp, huy động sức mạnh cộng đồng. Bảo tồn lễ hội không có nghĩa là giữ nguyên xi như ngày xưa, mà cần phát huy những mặt tốt, loại bỏ những yếu tố không tốt, song không được thay đổi bản chất lễ hội. Lễ hội là của cộng đồng, cộng đồng ấy phải đóng vai trò chủ thể. Nhà nước chỉ quản lý khi lễ hội đi lệch hướng. Có nghĩa là, Nhà nước chỉ đóng vai trò là trọng tài, “thổi còi” khi có sai phạm, chứ không nên đứng ra tổ chức lễ hội thay cộng đồng. Có như vậy, lễ hội mới giữ được những giá trị của nó. |
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc nhận định, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương tôn trọng, bảo tồn, phát huy những giá trị tiêu biểu của văn hóa truyền thống của dân tộc, trong đó có lễ hội dân gian. Các cấp, các ngành cũng đã có những hành hành động thiết thực trong việc bảo lưu, giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp, nhân văn trong lễ hội dân gian của mỗi dân tộc. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số bảo tồn, phục dựng các lễ hội dân gian ...
Nhiều địa phương trên cả nước đã có chính sách phục hồi, bảo tồn các lễ hội truyền thống. Tỉnh Hà Giang đã tổ chức nhiều đợt kiểm kê, nghiên cứu, tìm hiểu và phục hồi nhiều lễ hội truyền thống độc đáo, mang đậm nét văn hóa riêng của các dân tộc như: Lễ hội vỗ mông ở Mèo Vạc, Lễ hội Gầu Tào của người Mông tại các xã của huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Xín Mần, Vị Xuyên; Lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn ở các xã Tân Trịnh, Tân Bắc (huyện Quang Bình); Lễ hội Lồng tồng, Lẩu Then của dân tộc Tày ở huyện Bắc Quang, Vị Xuyên, Quản Bạ, Quang Bình; Lễ Cấp sắc của người Dao ở Vị Xuyên, Quản Bạ, Bắc Mê; Lễ hội tết Khu Cù tê của dân tộc La Chí, lễ hội Hoàng Vần Thùng (cúng thần rừng) của dân tộc Nùng ở huyện Hoàng Su Phì; Lễ hội cúng thần rừng của dân tộc Pu Péo ở huyện Yên Minh; Lễ mừng cơm mới của dân tộc Giáy ở Mèo Vạc; Lễ hội cầu trăng của dân tộc Ngạn ở Bắc Quang, Quang Bình...
Việc tổ chức các hoạt động trong các lễ hội không chỉ góp phần giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mông mà còn giáo dục tinh thần đoàn kết, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đồng thời là dịp để các nghệ nhân, diễn viên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, giới thiệu giá trị văn hóa, lễ hội truyền thống với du khách.
Tỉnh Lào Cai bảo tồn nhiều lễ hội như: Hội Hát qua làng dân tộc Dao thôn Làng Trung, xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng; Lễ hội Lồng tồng người Tày xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng; Nghi lễ Ga Tu tu người Hà Nhì xã Y Tý, huyện Bát Xát; Lễ hội Gầu tào của người Mông xã Pha Long, huyện Mường Khương; Hội hát đầu xuân của người Dao xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng; Bảo tồn Lễ hội Roóng poọc của người Giáy xã Đồng Tuyển, huyện Bát Xát; Lễ hội Khô Già Già của người Hà Nhì đen xã Y Tý, huyện Bát Xát; lễ cúng rừng người Nùng, xã Lùng Khấu Nhin, huyện Mường Khương...
TS Hùng Thị Hà, Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang:
Tổ chức nhiều hoạt động để bảo tồn lễ hội
Nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số, tỉnh Hà Giang đã tiến hành nhiều đợt kiểm kê, nghiên cứu, tìm hiểu và phục hồi nhiều lễ hội truyền thống độc đáo của các dân tộc. Trong đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo 2 năm một lần, tổ chức Ngày hội văn hóa thể thao du lịch các dân tộc ở các huyện, thị và 5 năm 1 lần tổ chức ngày hội văn hóa thể thao du lịch các dân tộc cấp tỉnh. Mặc dù chỉ diễn ra trong phạm vi nhỏ và mang tính chất biểu diễn, song đây cũng là biện pháp tích cực góp phần bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số, thúc đẩy giao lưu kinh tế - văn hóa giữa các vùng miền trong tỉnh, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của nhân dân. Những việc làm thiết thực trên không chỉ góp phần gìn giữ, bảo tồn, mà còn giúp đồng bào các dân tộc thiểu số ở Hà Giang hiểu rõ giá trị, trân trọng và tự hào về bản sắc văn hóa. |
Tỉnh Tuyên Quang cũng đã phục dựng nhiều lễ hội, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân, như lễ hội Lồng tồng thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa; lễ hội đình Minh Cầm của dân tộc Cao Lan, xã Đội Bình, huyện Yên Sơn; lễ hội đình Tân Trào, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương; lễ hội Động Tiên, xã Yên Phú, huyện Hàm Yên; lễ hội Lồng tồng xã Thượng Lâm, xã Lăng Can, huyện Lâm Bình... Tỉnh Cao Bằng cũng tổ có nhiều chính sách bảo tồn lễ hội, trong đó, tiến hành nghiên cứu và phục dựng nhiều lễ hội đặc sắc như Lễ hội Pháo hoa, Lễ hội Nàng hai, lễ hội Lồng tồng, hội Thanh minh...
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc cũng lưu ý, điều quan trọng là cần tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lễ hội để phục dựng, tái hiện cho đúng, tránh sai lạc xa rời thực tiễn. Tránh hiện đại, mới hóa hoàn toàn lễ hội, nhưng cũng không quá câu nệ, giữ nguyên như cũ... Điều quan trọng là các cơ quan quản lý văn hóa phải để cộng đồng tự tổ chức, phục dựng lễ hội, có như vậy mới bảo tồn lễ hội một cách tốt nhất.