Năm 2022, dù nhiều nguồn vốn có kết quả giải ngân rất tốt, đạt trên 95%, nhưng vẫn có nguồn vốn đạt tỷ lệ giải ngân rất thấp như vốn ODA chỉ đạt 30,77% trên số vốn bố trí là 1.566 tỷ đồng (chiếm 20,58% tổng kế hoạch vốn), vốn vay lại giải ngân đạt 66,39%. Điều này đã ảnh hưởng đến hết quả giải ngân của toàn thành phố.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, việc các dự án kéo dài đã làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thành phố. Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhiều dự án còn nhiều bất cập, các dự án đã hết hoặc đã gia hạn nhưng vẫn còn bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa xong. Bên cạnh đó, cần xem lại chất lượng của đơn vị tư vấn bởi có nhiều dự án mới bắt đầu thực hiện đã phải điều chỉnh.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ yêu cầu đối với các dự án mới phải làm tốt công tác chuẩn bị, tập trung hoàn thành hồ sơ nhanh nhất đối với các dự án đã được bố trí vốn. Các sở, ngành, quận, huyện được giao làm chủ đầu tư các dự án cần lựa chọn các đơn vị tư vấn có chất lượng, tiến hành đồng thời các thao tác có thể làm được để đẩy nhanh tiến độ của dự án. Cùng với đó, công tác phối hợp phải được thực hiện tốt, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để tuyên truyền vận động người dân đạt hiệu quả cao nhất.
Các sở, ngành chức năng, UBND các quận, huyện xác định giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhằm góp phần thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Các đơn vị được giao kế hoạch vốn đầu tư công tiếp tục phát huy kết quả tích cực trong 2 tháng đầu năm 2023, tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ đã được giao; quán triệt, thực hiện nghiêm những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công theo các Nghị quyết của Chính phủ và văn bản triển khai của các bộ, ngành Trung ương.
Tại hội nghị, ông Đoàn Thanh Tâm, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án ODA thành phố Cần Thơ cho biết, hiện nay Ban Quản lý dự án ODA đang quản lý 23 gói thầu xây lắp; trong đó 19 gói thầu đã trao thầu và 4 gói thầu chưa trao. Kết quả có 3 gói thầu đã hoàn thành, thực hiện công tác nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng là đường Trần Hoàng Na, cầu Quang Trung và 4 cống trên đường nối Cách Mạng Tháng Tám với đường tỉnh 918.
Nhóm thứ hai là 8 gói thầu dự kiến hoàn thành vào ngày 30/6 gồm: kè sông Cần Thơ, cống Hàng Bàng, 4 cống trên kè sông Cần Thơ, cống Đầu Sấu, kè rạch Cái Sơn, kè rạch Mương Khai.
Nhóm thứ ba là các gói thầu hoàn thành trước ngày 2/9/2023 (lập kế hoạch hoàn thành 30/8/2023) gồm: đường Hoàng Quốc Việt (gói 2.5) đường nối giữa đường Cách Mạng Tháng Tám với Đường tỉnh 918 (gói 2.6) và cầu Trần Hoàng Na (gói 2.4).
Theo ông Tâm, khó khăn lớn nhất là công tác giải phóng mặt bằng, quản lý hợp đồng và xử lý các vấn đề phát sinh. Để hoàn thành nhiệm vụ giải ngân trong năm 2023, Ban đã đề ra các giải pháp như theo dõi và phối hợp với các đơn vị giải phóng mặt bằng, UBND quận, huyện để thực hiện nhanh giải phóng mặt bằng đối với những hộ còn lại chưa bàn giao. Kiểm tra, lập kế hoạch xử lý các nhà thầu chậm tiến độ; kịp thời giải quyết các khó khăn, các vướng mắc phát sinh của nhà thầu…
Năm 2023, tổng số các nguồn vốn của thành phố Cần Thơ được Thủ tướng Chính phủ, HĐND thành phố giao là hơn 7.875 tỷ đồng: trong đó, vốn ngân sách địa phương gần 5.145 tỷ đồng; vốn ngân sách Trung ương hơn 2.730 tỷ đồng. Tổng kế hoạch vốn đã giao chi tiết tính đến hết ngày 13/3/2023 là 6.516 tỷ đồng, số vốn chưa giao chi tiết cho các chủ đầu tư là 1.358 tỷ đồng; giá trị giải ngân được 946,8 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 14,53% (so với cùng kỳ năm 2022, kết quả giải ngân đạt gấp 2,84 lần về giá trị và cao hơn 9,47% về tỷ lệ). UBND thành phố đã trình HĐND thành phố tiếp tục giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho các chủ đầu tư. Các công trình xây dựng cơ bản đang được thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện, đẩy nhanh tiến độ giải ngân theo yêu cầu…