Theo chị Y Dũng, hội viên phụ nữ làng Tu Ma, xã Măng Cành, trước đây gia đình chị không trồng cà phê, từ khi được chị Y Ró hướng dẫn cách trồng cà phê xứ lạnh cho hiệu quả kinh tế cao, gia đình đã có của ăn của để.
Dẫn chúng tôi vào vườn cà phê xứ lạnh trĩu trái, chị Y Dũng phấn khởi nói: "Cảm ơn chị Y Ró và Hội Liên hiệp phụ nữ xã Măng Cành nhiều lắm. Từ khi được chị Y Ró hướng dẫn cách trồng và chăm sóc cà phê, kinh tế gia đình chị đã khá hơn trước rất nhiều, gia đình chị còn mua được tivi, xe máy".
Chị Y Ró (thứ hai, bên phải) nói chuyện với người dân làng Kon Chênh, xã Măng Cành về công việc sản xuất. Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN |
Không chỉ có trường hợp chị Y Dũng, hiện nay, trên địa bàn xã Măng Cành đã có đến 75% hội viên phụ nữ trồng cà phê xứ lạnh đạt hiệu quả cao. Kết quả này có sự đóng góp của chị Y Ró và các thành viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp phụ nữ xã Măng Cành. Các chị đã đến từng gia đình vận động hội viên chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn cách trồng trọt đúng khoa học kỹ thuật.
Xã Măng Cành có đến 95% hội viên phụ nữ là người dân tộc thiểu số, nhận thức còn hạn chế. Theo chị Y Ró có những mô hình canh tác được triển khai nhiều lần nhưng các hội viên vẫn chưa biết cách thực hiện, chị Y Ró đã tích cực thực hiện trước để chị em làm theo.
Điển hình như với mô hình trồng cà phê xứ lạnh, dù đã được hướng dẫn về lựa chọn cây giống, cách chăm sóc theo từng thời kỳ nhưng ban đầu, nhiều hội viên thấy mô hình mới nên không dám bắt tay vào canh tác. Chị Y Ró đã mạnh dạn trồng 5.000 gốc cây cà phê xứ lạnh; mỗi năm trừ chi phí, gia đình chị thu lãi từ 250 - 300 triệu đồng.
Chị Y Ró đã đưa hội viên đến tham quan rẫy cà phê của gia đình mình, hướng dẫn và động viên các hội viên cùng thực hiện. Chị Y Ró còn đến tận rẫy của các hội viên để tỉa cành, bón phân cho rẫy cà phê của hội viên.
Khi mới trồng cây cà phê xứ lạnh, rẫy cà phê của nhiều hội viên chưa được như mong muốn do các chị chưa biết cách bón phân, tỉa cành đúng thời điểm. Sau khi được Hội phụ nữ, Hội Nông dân hướng dẫn kỹ thuật canh tác, cây cà phê của các hộ gia đình hội viên phụ nữ xã Măng Cành đã cho năng suất cao, nâng cao thu nhập cho các gia đình.
Chị Y Ró (áo vàng) cùng người dân làng Kon Chênh, xã Măng Cành tham gia dọn vệ sinh đường làng. Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN |
Ngoài việc nhiệt tình hướng dẫn và đi đầu trong việc trồng cà phê xứ lạnh tại địa phương, chị Y Ró còn quan tâm đến các hội viên có hoàn cảnh khó khăn; chị sẵn sàng cho vay tiền không lấy lãi để động viên chị em làm kinh tế, hướng dẫn hội viên cách sử dụng tiền có hiệu quả, chi tiêu hợp lí.
Chị Y Mái ở thôn Kon Năng, xã Măng Cành là một trong những hội viên có hoàn cảnh khó khăn đã nhận được sự giúp đỡ của chị Y Ró, chị Y Mái chia sẻ: Gia đình chị rất nghèo, không có tiền mua cây cà phê giống, chị Y Ró đã cho chị Y Mái vay 5 triệu đồng để mua cây giống, nhờ vậy giờ đây gia đình chị Y Mái không còn đói nữa.
Được biết, thời điểm năm 2012, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Măng Cành có đến 316/351 gia đình hội viên phụ nữ là hộ nghèo, đến nay chỉ còn 92 gia đình hội viên phụ nữ nghèo.
Nhiều gia đình do hội viên phụ nữ làm chủ hộ đã thoát được nghèo, phát triển kinh tế bền vững nhờ các mô hình trồng cà phê xứ lạnh, trồng bời lời, trồng rau sạch, trồng hoa, nuôi trâu, bò sinh sản, nuôi bò thịt…
Chị Lương Thị Dân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Kon Plông cho biết: Chị Y Ró là một trong những tấm gương về sản xuất giỏi của địa phương. Chị cũng là một hội trưởng mẫu mực, tận tình trong công việc. Y Ró là một điển hình tiên tiến để mọi người học tập.