Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

Để bảo vệ môi trường, và tạo điều kiện cho ngành nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, nhiều ý kiến cho rằng cần phải có sự đầu tư mạnh hơn nữa để ứng phó sớm, nhằm giảm bớt thiệt hại.


Ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ Tây Nam Bộ: Triển khai nhiều dự án thoát lũ

Từ nay đến năm 2020, các tỉnh tiếp tục xây dựng, nâng cấp các cụm, tuyến dân cư, bảo vệ các đô thị vùng ngập lũ; củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển, đê sông đồng thời hạn chế lũ tràn từ biên giới Tây Nam vào ĐBSCL bằng cách cho thoát lũ ra biển Tây (vùng Tứ Giác Long Xuyên), sông Vàm Cỏ và qua sông Tiền (vùng Đồng Tháp Mười). Tận dụng khả năng trữ lũ, làm chậm lũ bằng hệ thống kênh trục cắt ngang vùng lũ. Nâng cấp, xây dựng mới các trục thoát lũ, dẫn nước, tiêu nước cho toàn vùng; thực hiện các giải pháp phi công trình ứng phó với BĐKH.

Nhiều nông dân huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau phải chấp nhận bán lỗ lúa vì không chủ động được sân phơi.

Đối với hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi thủy sản, các tỉnh ưu tiên hoàn thiện các công trình bảo đảm cấp thoát nước, kiểm soát mặn xâm nhập, trữ nước ngọt. Trong đó, xây dựng hệ thống thủy lợi có chức năng vừa có thể lấy nước ngọt trồng lúa vừa có thể lấy nước mặn để nuôi tôm (ở vùng tiếp giáp mặn ngọt). Xây dựng hệ thống thủy lợi vùng nước lợ bảo đảm lấy đủ nước mặn phục vụ nuôi thủy sản trong mùa khô, cung cấp đủ nước ngọt và thoát nước, tiêu úng trong mùa mưa. Hệ thống thủy lợi ở vùng nước mặn cần có thêm đê biển, đê cửa sông, công trình dưới đê bảo đảm an toàn cho vùng nuôi ven biển, tránh thiệt hại do triều cường, sóng biển, bão.

Trước mắt, sẽ thực hiện chống ngập úng tại một số thành phố lớn như Cần Thơ, Cà Mau, Vĩnh Long. Theo quy hoạch đã được phê duyệt, hệ thống công trình thủy lợi chống ngập úng cho vùng trung tâm thành phố Cần Thơ. Tại TP Cà Mau, từ nay đến năm 2020 sẽ nâng cấp, xây dựng bờ bao chống tràn dọc theo sông Cà Mau, kênh Cà Mau - Bạc Liêu, kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp, sông Gành Hào, sông Đốc, Rạch Rập, kênh Lương Thế Trân, đường vành đai số 3; xây dựng kè kết hợp chỉnh trang đô thị trung tâm TP Cà Mau; xây dựng cống tiêu; nạo vét kênh rạch các cấp và 13 hồ điều hòa tại các ô bao; nâng cấp và xây dựng mới hệ thống thoát nước mưa bảo đảm đáp ứng yêu cầu thoát nước toàn TP Cà Mau.

Ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT: Thúc đẩy hợp tác công tư trong đầu tư ngành thủy lợi

Tái cơ cấu ngành thủy lợi sẽ giúp vùng ĐBSCL góp phần nâng cao năng lực phòng chống thiên tai và ứng phó với BĐKH, góp phần hiện đại hóa cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Về những giải pháp chủ yếu của đề án tái cơ cấu thủy lợi, thời gian tới ngành thủy lợi cần tập trung rà soát lại quy hoạch; tăng cường xây dựng cơ chế chính sách. Trong đó điều chỉnh lại đầu tư và thúc đẩy hợp tác công - tư có sự tham gia của tư nhân, nhân dân trong quản lý, khai thác vận hành công trình thủy lợi; tập trung cho khoa học công nghệ phục vụ trong việc nghiên cứu, dự báo tác động của BĐKH để phát triển, tăng cường nâng cao năng lực bộ máy ngành, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tăng cường hợp tác quốc tế dự báo.

Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau: Biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét

Vào mùa gió Tây Nam chưa lâu nhưng trên đê phòng hộ biển Tây đã xuất hiện gần 20 điểm sạt lở. Diễn biến của BĐKH ngày càng trở nên rõ nét, thường xuyên uy hiếp đến đê biển của tỉnh Cà Mau. Trong năm 2015, sự uy hiếp diễn ra thường xuyên hơn, nguy hiểm hơn. Đai rừng phòng hộ ngày càng mất dần. Qua khảo sát đoạn từ Sông Đốc đến Tiểu Dừa, giáp ranh Kiên Giang thì đai rừng phòng hộ chỉ còn trên dưới 50 m, còn rất nhiều đoạn chỉ 30 m và thậm chí chỉ còn trên dưới 10 m là sạt lở tới chân đê biển, riêng những đoạn này đã 6 km. Các xã Khánh Tiến (huyện U Minh), Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc (huyện Trần Văn Thời)… với tổng chiều dài gần 20 km cũng là những khu vực có tình trạng sạt lở trong diện đặc biệt nguy hiểm mà nếu không có giải pháp phù hợp khắc phục thì đê biển ở những đoạn này sẽ bị vỡ bất cứ lúc nào.

Bà Đỗ Kim Thu, ấp Vàm Rầy, xã Bình Sơn, huyện Duyên Hải, tỉnh Kiên Giang: Rừng ngập mặn là “lá chắn” bảo vệ

Nhiều năm trước đây, vì cuộc sống mưu sinh, người dân chúng tôi đã có những hoạt động sinh kế gây tổn hại đến môi trường, làm suy giảm hệ thống rừng ngập mặn. Đến khi thiên nhiên đáp trả những hệ quả chúng tôi gây ra, đời sống của chúng tôi ngày càng gặp nhiều khó khăn thì chúng tôi mới thấy được những sai lầm của chính mình. Sau khi được tuyên truyền về bảo vệ rừng, được các dự án hỗ trợ tạo dựng lại sinh kế, đời sống của chúng tôi dần thay đổi tốt hơn. Chính chúng tôi sẽ là người trực tiếp bảo vệ rừng và tiếp tục tuyên truyền cho thế hệ con cháu sau này.

Ông Nguyễn Văn Tuệ, Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và BĐKH - Bộ TN&MT: Tiếp tục triển khai những giải pháp 

Thời gian qua, chúng ta đã có nhiều nỗ lực trong xây dựng, triển khai các giải pháp ứng phó với BĐKH và đã đạt được một số kết quả quan trọng. Để phát huy những kết quả đạt được, nâng cao năng lực chủ động ứng phó với BĐKH, nhiều giải pháp trọng tâm đã, đang và sẽ được thực hiện trong đó có việc tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động ứng phó với BĐKH, nước biển dâng; tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai; chủ động trong công tác phòng, tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.

Các biện pháp phòng, chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong ứng phó với BĐKH và nước biển dâng tiếp tục được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật ứng phó với BĐKH, tăng trưởng xanh; ưu tiên phân bổ nguồn lực thực hiện các Chiến lược quốc gia về BĐKH, về tăng trưởng xanh; rà soát, tích hợp vấn đề BĐKH vào các chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ngành và địa phương.

Các ngành chức năng tăng cường quản lý, bảo vệ phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; thích ứng với BĐKH dựa vào hệ sinh thái; chú trọng giải pháp ứng phó với BĐKH mang tính liên ngành, liên vùng, mang lại lợi ích kép, đa mục tiêu, vừa tăng cường sức chống chịu với tác động của BĐKH, vừa đảm bảo sinh kế của cộng đồng, cũng như tăng cường hợp tác quốc tế, đa dạng hóa nguồn lực hỗ trợ ứng phó với BĐKH và nước biển dâng.

Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam: Cần có những hành động cụ thể

Tôi đánh giá cao những kết quả ứng phó với BĐKH thời gian qua và nhấn mạnh Việt Nam cần có những hành động cụ thể hơn nữa, hợp tác với các nước giải quyết thách thức đối với Việt Nam tập trung vào các ngành lâm nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, thủy lợi… Do đó, Việt Nam cần minh bạch cơ chế tài chính đáp ứng yêu cầu quốc tế trong thu hút đầu tư. Tôi cũng khuyến khích Tổng cục Lâm nghiệp triển khai cơ chế quỹ giảm phát thải do tình trạng phá rừng gây ra.

Ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt: Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu

Cục đã đề xuất giải pháp ứng phó với BĐKH trong lĩnh vực trồng trọt. Theo đó sẽ tái cơ cấu sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng cường các biện pháp canh tác, các phương thức sản xuất nông nghiệp đa mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực, tăng thu nhập cho nông dân và giảm phát thải. Đặc biệt, chú trọng đầu tư nghiên cứu chọn tạo, đưa vào sản xuất các giống cây trồng mới thích nghi với BĐKH, chống chịu được rét, nóng, hạn hán, ngập úng hay phèn mặn… Theo báo cáo, tại Việt Nam phát thải khí sinh học từ nông nghiệp vẫn chiếm tỉ trọng cao nhất tới hơn 43%, Cục Trồng trọt đã thí điểm các kỹ thuật giảm thiểu phát thải khí nhà kính với lúa nước, thí điểm phương pháp tiếp cận nông nghiệp thông minh và bền vững… nhằm phát huy các hệ thống sản xuất nông nghiệp có khả năng chống chịu với BĐKH và phát thải thấp.

A.Đ
Nhân rộng mô hình canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính
Nhân rộng mô hình canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính

Từ nay đến năm 2020, định hướng phát triển, tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Kiên Giang được xác định theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, trong đó cây lúa vẫn giữ vai trò chủ lực. Vì vậy, ngoài việc tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo chuỗi giá trị sản xuất lúa đồng bộ, tỉnh Kiên Giang chú trọng nhân rộng mô hình “Canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính”, ứng phó với BĐKH trong sản xuất nông nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN