Một người đọc, nhiều người biếtÔng Thàng Phí Xè, ở bản Pa Ủ, xã Pa Ủ, huyện Mường Tè (Lai Châu) đã từng là thầy giáo và cán bộ xã, khi về hưu làm bí thư chi bộ cụm bản, nhưng gia đình vẫn nghèo đói. Năm 2012, ông Xè đã học được mô hình chăn nuôi, nên vay mượn tiền đầu tư xây chuồng trại, mua 2 trâu và lợn giống, gà con để chăn nuôi. Trời thương người khó, từ 2 con trâu phát triển thành đàn, lợn, gà một năm xuất chuồng 2 lứa, trừ các chi phí, gia đình ông để ra được gần 60 triệu đồng mỗi năm. Ông Xè cho biết: “Đầu năm 2012, tôi lên họp ở xã, tình cờ thấy trang Dân tộc và Miền núi của tờ báo Tin Tức nêu gương “Người dân tộc Mông làm kinh tế giỏi” nên đọc qua. Về nhà, tôi nghĩ, người ta làm được sao mình lại không, vì vậy bàn với vợ vay tiền để chăn nuôi”.
Đọc báo giúp đồng bào dân tộc nắm được các thông tin và học làm kinh tế thông qua các mô hình, gương làm kinh tế giỏi. |
Theo ông Xè, qua báo chí, ông nắm được nhiều thông tin và học được nhiều mô hình và gương làm kinh tế giỏi để phổ biến với bà con trong bản. Do nhận thức của người dân La Hủ hạn chế, tỷ lệ mù chữ cao nên lúc đầu nói họ không tin, nhưng lấy ví dụ cụ thể từ nhà ông thì mọi người tin và làm theo. Nhiều hộ trong bản đã đào ao thả cá, chăn nuôi trâu bò, lợn, gà rất hiệu quả. Cán bộ xã, cán bộ biên phòng gần gũi dân, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi và tạo điều kiện để vay vốn ngân hàng đầu tư ban đầu. Từ một gia đình làm thành công, nhiều hộ học theo và nhân rộng.
Cũng tại xã biên giới Mù Cả, huyện Mường Tè (Lai Châu), ông Toán Ma Tơ, Bí thư Đảng ủy xã đưa tôi đi thăm một vài hộ làm kinh tế giỏi trong lĩnh vực trồng và chăm sóc, bảo vệ rừng. Ông Tơ cho biết, lúc đầu triển khai công tác bảo vệ, chăm sóc rừng, dân bản không nghe. Tiện lúc, đọc báo Tin Tức có bài viết “Hiệu quả từ công tác chăm sóc và bảo vệ rừng”, ông cất giữ cẩn thận, mỗi lần xuống bản tổ chức họp, đọc cho mọi người nghe, cộng với việc kiên trì vận động nên lần lượt các hộ đều nghe theo.
Xã Mù Cả hiện có 470 hộ với 2.200 nhân khẩu, làm ruộng, nương chỉ đủ ăn, nhưng nhờ vào khoản thu từ dịch vụ chi trả môi trường rừng nên nhiều gia đình mua sắm được các vật dụng đắt tiền. Cả xã có hơn 28.000 ha rừng, mỗi năm thu về hơn 3 tỷ đồng, trung bình mỗi hộ thu gần 30 triệu đồng mỗi năm. “Nhờ Đảng và Nhà nước quan tâm, những năm gần đây xã Mù Cả đã đổi thay rất nhiều, đã có điện, đường, trường, trạm. Đời sống của người dân được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần, số hộ nghèo giảm từng năm, phụ huynh quan tâm tới việc học của con…”, Bí thư Tơ chia sẻ.
Làm kinh tế giỏi được lên báoÔng Vàng Seo Hầu, dân tộc Mông ở thôn Hóa Chéo Chải, xã Hoàng Thu Phố, huyện Bắc Hà (Lào Cai) cất giữ cẩn thận tờ báo Tin Tức Cuối tuần có bài viết về gia đình ông sản xuất kinh doanh giỏi. Ông Hầu nói: Khuyên anh em trong bản cố gắng chăm chỉ làm ăn thì họ cho rằng mình lên mặt dạy họ, nên không ai nghe cả. Khi có bài báo viết về ông, thì ông lấy cớ nói với mọi người, làm kinh tế giỏi, vươn lên làm giàu thì sẽ được lên báo và người dân cả nước sẽ biết tên tuổi mình. Nghe vậy, người nào cũng phấn khởi xin ông dạy và giúp đỡ làm kinh tế để thoát nghèo.
“Qua kiểm tra đánh giá ở các địa phương và ý kiến phản hồi của người đọc cho thấy, báo Tin Tức có nhiều nội dung, hình thức tuyên truyền hay, dễ hiểu, sát với thực tế, trên cơ sở thông tin nhanh và nhiều tin bài có giá trị trong việc hướng dẫn để người dân tiếp cận đọc. Với các chuyên mục xây dựng kinh tế nông thôn, thoát nghèo qua chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, diễn đàn thông qua cách làm giàu của những nông dân tiêu biểu, giúp đồng bào dân tộc học và làm theo rất hiệu quả”, ông Chu Tuấn Thanh, Vụ trưởng Vụ tuyên truyền, Ủy Ban dân tộc, khẳng định. |
Ông Hầu cho biết, mỗi năm gia đình ông giúp từ 3 - 5 hộ hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong thôn bằng việc cho vay tiền mua giống mới, vay phân bón để sản xuất và đối trừ bằng sản phẩm sau thu hoạch với tổng số tiền trên dưới 50 triệu đồng. Nhớ lại những năm nghèo đói, ốm đau không có tiền đi bệnh viện chữa trị, ông Hầu kể: Có lần, cán bộ huyện về thôn họp và tuyên truyền nói muốn thoát cái đói, cái nghèo là phải sinh đẻ có kế hoạch, có đất sản xuất, phải biết tiết kiệm chi tiêu, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó, gia đình tôi tập trung vào lao động sản xuất, vay mượn tiền của ngân hàng đầu tư sản xuất nên đời sống dần ổn định, có của ăn của để, tôi mua thêm xe 2 xe ô tô để thu mua và vận chuyển nông sản cho bà con trong vùng. Hiện nay, gia đình tôi đã làm được nhà kiên cố, mua sắm đầy đủ các vật dụng, mỗi năm trừ các khoản chi phí thì để ra khoảng 150 triệu đồng”.
Chia sẻ với chúng tôi về sự thay đổi của dân bản, vượt khó làm giàu để “lên báo”, ông Hà nói: “Bây giờ cuộc sống dân bản thay đổi nhiều, không chỉ gia đình tôi mà phần đông gia đình bà con trong thôn bản đã có cuộc sống khấm khá, người đói không còn, người nghèo cũng giảm dần, nhà nào cũng lo cho con đến trường để học hành… Giúp được gia đình nào làm kinh tế thoát nghèo, trong lòng tôi vui lắm. Các đoàn công tác và phóng viên báo đài về tìm hiểu, tôi tự hào đưa họ đến gặp những gia đình nghe lời tôi làm kinh tế giỏi để được lên báo”.