Anh Huỳnh Văn Thuận, ở ấp Nha Sáp, phấn khởi cho biết, năm ngoái anh được vay 50 triệu đồng theo chương trình dành cho hộ nghèo, anh mua 2 con bò cái, đến nay cả 2 con đều sắp đẻ hứa hẹn cho một khoản lãi kha khá. Vay vốn NHCSXH không những lãi suất “nhẹ” mà còn được cán bộ hướng dẫn cách làm ăn, quản lý chi tiêu.
Chị Trần Thị Nhiên, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn của ấp cho biết các tổ viên đều gửi tiền tiết kiệm qua ngân hàng 150.000 - 200.000 đồng/tháng, số tiền tuy nhỏ nhưng thể hiện ý thức tiết kiệm và có vay có trả của bà con. Nhờ đó mà nhiều hộ dân đã thoát nghèo, điển hình như ông Bùi Văn Tùng cũng vay vốn chăn nuôi bò, đến nay ông đã thoát nghèo với gia tài là đàn bò vài chục con trị giá hàng trăm triệu đồng.
Người dân giao dịch với ngân hàng tại trụ sở UBND xã Vĩnh Điều. |
Theo đánh giá của ông Trần Thanh Lâm, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Điều, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nên nguồn vốn chính sách rất có ý nghĩa, giúp người dân cải thiện cuộc sống. Vào ngày mùng 5 hằng tháng, các cuộc họp ở xã đều phải tránh để ưu tiên hội trường cho người dân đến giao dịch với ngân hàng. Với tư cách là chủ tịch UBND xã, thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị của huyện, ông Lâm thường xuyên kiểm tra xem hộ nghèo vay vốn có bị “chặn đầu, chặn đuôi” không, đảm bảo vốn vay đến đúng đối tượng và sử dụng đúng mục đích.
Còn ở xã Tân Khánh Hòa (huyện Giang Thành), anh Nguyễn Văn Đạo được vay 30 triệu đồng theo chương trình cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Có 50 công đất (hơn 6,5 ha) cho sản lượng 80 tấn thóc/năm, nguồn vốn chính sách giúp anh Đạo mua giống, phân bón với giá thấp bởi ở khu vực này mua chịu đại lý bị tính lãi suất 15 - 20% chỉ trong 1 vụ. Làm nghề nông ở vùng đất nhiều chua phèn này vì thế đỡ khó khăn hơn.
Với hộ gia đình ông Huỳnh Văn Rươl, nguồn vốn chính sách lại giúp ông cho 2 con gái đi học đại học và cao đẳng ở Cần Thơ. Đến nay cả hai đều đã ra trường và có việc làm, hàng tháng gửi tiền về để gia đình trả nợ ngân hàng.
Anh Huỳnh Văn Thuận vay vốn nuôi 2 con bò để tăng thêm thu nhập. |
Bà Huỳnh Thị Giang, vợ ông Rươl tâm sự, khi con thi đỗ bà rất lo vì không biết lấy tiền đâu cho con lên thành phố học, may nhờ có Nhà nước cho vay nên đỡ được phần lớn chi phí. Ông Huỳnh Trọng Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Giang Thành cho biết, có đến 74% tổng số hộ dân trên địa bàn huyện có vay vốn NHCSXH chứng tỏ tín dụng chính sách đã đến được với người dân rất thuận tiện, tạo nên chuyển biến trong nhận thức từ việc nhận cho không chuyển sang cho vay và phải bảo toàn vốn, góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân.
Theo ông Đoàn Công Thiệt, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Kiên Giang cho biết, sau 15 năm hoạt động, tổng dư nợ của tín dụng chính sách trên địa bàn đạt 2.729 tỷ đồng, tăng 30 lần so với ngày đầu thành lập, góp phần giảm hộ nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Vốn chính sách đã góp phần giúp 49.200 hộ thoát nghèo; tạo việc làm cho 122.900 lao động; 52.000 học sinh, sinh viên vay vốn đi học; 149.900 hộ vay vốn xây công trình nước sạch và vệ sinh; 10.500 hộ nghèo xây nhà ở... Tỷ lệ hộ nghèo tại tỉnh Kiên Giang giảm bình quân 1,48%/năm.