Bạc tỷ giữa rừngCùng cán bộ NHCSXH đi kiểm tra việc sử dụng vốn của các hộ vay, chúng tôi được thưởng thức “đặc sản” lênh đênh trên lòng hồ Ba Bể gần 1 tiếng đồng hồ. Anh Quản Thanh Tùng, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Ba Bể cho biết thêm: “Nếu vào ngày giao dịch ở xã, chúng em không dám đi thuyền để đảm bảo an toàn cho tài sản Nhà nước, thay vào đó đi đường nhỏ vòng quanh hồ xa hơn nhiều”.
Anh Bùi Văn Thiều giới thiệu với cán bộ NHCSXH và Chủ tịch xã Chu Hương về phương pháp trộn thức ăn mới cho gà. Ảnh: Thu Hà |
Thuyền cập bờ, đoàn lại mất thêm “vài con dao quăng” vượt dốc, xuyên rừng già theo con đường lầy lội chỉ có dấu chân trâu, chân bò. Nhờ kinh nghiệm đi rừng của Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Hà Sỹ Côn, người con sinh ra ở núi rừng Bắc Kạn, mà những khó khăn trở thành một trải nghiệm không thể quên với các phóng viên.
Gia trại của anh Đồng Văn Chiêm, SN 1983, dân tộc Tày, thuộc thôn Bản Cám, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể hiện ra trước mắt như một bức tranh thủy mặc với ao cá, đàn gà, vườn cam quýt... nằm lọt thỏm giữa bốn bề rừng núi của Vườn quốc gia Ba Bể. Anh Chiêm kể: Tốt nghiệp cao đẳng kế toán nhưng không xin được việc, anh từng có thời kỳ làm công nhân ở Hà Nội. Rồi anh về nhà lập gia đình, vợ cũng tốt nghiệp ĐH Sư phạm năm 2013 chưa xin được việc.
Anh Đồng Văn Chiêm bên đàn trâu trị giá khoảng 200 triệu đồng. |
Vậy là hai vợ chồng quyết định tiếp quản đất vườn của ông cha nhiều đời nay để lại giữa nơi rừng núi heo hút này. Với kiến thức được học, đọc thêm qua sách báo và học hỏi kinh nghiệm người đi trước, anh Chiêm bắt tay vào đắp bờ, đào ao thả cá với khoảng 6.000 m2, mở rộng vườn cam. Đất canh tác không có nhiều và cũng không thể mở rộng vì xung quanh là đất Vườn quốc gia, anh Chiêm tập trung phát triển đàn trâu, bò, gà. Trâu bò thì chăn thả, cho ăn muối đến cuối ngày lại về chuồng. Đất trồng lúa ngô đủ ăn và làm thức ăn chăn nuôi.
Được NHCSXH cho vay 50 triệu đồng theo chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, anh Chiêm được “tiếp sức” đầu tư mua con giống để cải tạo đàn bởi ở vị trí trơ trọi giữa núi rừng này đàn vật nuôi sẽ suy thoái sau một thời gian. Có sức trẻ, có kiến thức và cần cù chịu khó, cơ ngơi của đôi vợ chồng trẻ đến nay ước tính sơ sơ cũng cả tỷ đồng: Đàn bò 40 con, đàn trâu 7 con, đàn gà 200 con, ao cá năm vừa rồi thu 50 triệu đồng, vườn cam (mới thu hoạch một nửa) được đặt hàng bao tiêu hết mang lại 70 triệu đồng/năm.
Làm giàu từ hai bàn tay trắngXuôi về thôn Khuổi Coóng, xã Chu Hương (huyện Ba Bể), chúng tôi được gặp chàng thanh niên Bùi Văn Thiều mới 28 tuổi nhưng cả vùng biết tiếng vì tấm gương vươn lên làm giàu. Ngồi trong căn nhà khang trang mới xây năm 2015 hết 400 triệu đồng, anh Thiều bồi hồi nhớ lại: Năm 2009, gia đình anh thuộc diện nghèo lắm, tài sản “gần như không có gì”. Được cán bộ Hội Nông dân tuyên truyền tham gia Tổ tiết kiệm và vay vốn, anh được tổ bình xét và đề nghị NHCSXH cho vay theo chương trình hộ nghèo. Chưa đầy một tuần sau, vợ chồng anh vui mừng ra trụ sở UBND xã nhận 30 triệu đồng vốn vay mà thủ tục đơn giản, không phải thế chấp tài sản.
Với số vốn ưu đãi quý giá đó, anh Thiều mua một cặp trâu về chăn nuôi. Sau 1 năm anh bán 1 con để lấy nguồn vốn đầu tư tiếp vào chăn nuôi lợn, gà, vịt và đào ao thả cá. Nhờ áp dụng đúng quy trình chăm sóc, chọn giống từ các trung tâm uy tín để dảm bảo chất lượng, đàn vật nuôi ít bị dịch bệnh và không ngừng phát triển. Đến năm 2011, gia đình anh Thiều đã thoát nghèo. Được sự động viên của cán bộ xã và NHCSXH, vợ chồng anh lại mạnh dạn vay 30 triệu đồng (đến nay dư nợ là 50 triệu đồng) thuộc chương trình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn để phát triển mô hình chăn nuôi tổng hợp với quy mô lớn hơn, mở thêm cửa hàng bán thức ăn chăn nuôi.
Đến nay gia trại của anh Thiều có doanh thu trên 700 triệu đồng/năm, còn tạo việc làm cho 2 lao động thường xuyên với mức lương 3-3,5 triệu đồng/tháng. Anh Thiều cũng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi cho 50 hộ gia đình khác trong xã, đồng thời nhận luôn cả bao tiêu sản phẩm. Nhiều năm liền, anh Thiều được tuyên dương là hộ sản xuất kinh doanh giỏi của huyện và tỉnh. Từ năm 2012, anh được bà con tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Chu Hương.
Ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Chu Hương đã nhận xét: “Chính sách tín dụng ưu đãi là một chính sách ưu việt, đặc biệt ý nghĩa với hộ nghèo vì họ thường không có tài sản thế chấp để vay vốn. Toàn xã hiện có 535 hộ (bằng hơn 70% số hộ trong xã) còn dư nợ 15,7 tỷ đồng ở NHCSXH. Từ khi có quyết định Chủ tịch UBND xã tham gia vào Ban đại diện HĐQT cấp huyện, các chương trình tín dụng chính sách lại càng đi sát hơn với những nghị quyết, kế hoạch phát triển của địa phương”. Đó cũng chính là lý do mà như Chủ tịch UBND huyện Ba Bể, ông Cao Minh Hải cho biết, mặc dù là huyện nghèo thuộc chương trình 30a của Chính phủ nhưng trong 3 năm gần đây huyện đã chuyển nguồn ngân sách địa phương ủy thác cho ngân hàng 450 triệu đồng để cho các đối tượng chính sách vay vốn, cao nhất so với các địa phương trong tỉnh Bắc Kạn.
Tính đến tháng 8/2016, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách ở huyện Ba Bể là hơn 232 tỷ đồng, trong đó: Hộ nghèo là 95 tỷ đồng, hộ cận nghèo 27,4 tỷ đồng, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn 60 tỷ đồng… Vốn chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 43,6% (năm 2010) xuống 14,6% (năm 2015). |