Huyện Trà Cú có tỷ lệ đồng bào dân tộc Khmer cao nhất tỉnh với gần 93.000 người, chiếm 66% dân số toàn huyện. Huyện có 145 khu vực bỏ phiếu, với 126.216 cử tri; trong đó, cử tri người dân tộc Khmer chiếm hơn 61%.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử huyện Trà Cú Dương Văn Triệu cho biết, mọi công tác chuẩn bị cho Ngày bầu cử đều đúng tiến độ theo quy định. Thiết bị, vật tư phục vụ bầu cử đã được giao đến đến từng đơn vị ở các xã. Với đặc thù là địa phương có số lượng cử tri là người dân tộc Khmer chiếm đa số, thời gian qua huyện đặc biệt quan tâm công tác tuyên truyền. Để đảm bảo thông tin đến được với tất cả người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, giúp cử tri lựa chọn đại biểu xứng đáng trong nhiệm kỳ mới, Ủy ban Bầu cử huyện đã thành lập nhiều Tiểu ban, trong đó có Tiểu ban thông tin - tuyên tuyền bầu cử.
Cùng với việc lắp đặt pa nô, băng rôn tuyên truyền bầu cử tại 17 xã, phường, trị trấn, huyện còn tổ chức hơn 1.800 cuộc tuyên truyền với trên 100.000 lượt người tham dự, tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri; đồng thời, tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh, xe thông tin lưu động… Danh sách người ứng cử được niêm yết nhiều nơi trong huyện, tại các điểm bầu cử, trụ sở Ban nhân dân ấp, nhà sinh hoạt cộng đồng, chợ, khu đông dân cư sinh sống…
Nhờ vậy, mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử; các văn bản của Trung ương, địa phương về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, tiểu sử tóm tắt của các ứng cử viên đều được cử tri trên địa bàn nắm rõ.
Hiện nay, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử huyện vẫn đang tiếp tục đến các điểm chùa Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn, các cơ sở thờ tự, tín ngưỡng… để thăm hỏi các vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại Đức, Sư cả, Ban Quản trị các Chùa, thông qua đó vận động bà con phật tử tích cực tham gia đi bầu cử vào ngày 23/5; đồng thời thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Cử tri Thạch Xay, xã Ngãi Xuyên, huyện Trà Cú cho biết, ông được dự hội nghị tiếp xúc cử tri, được nghe loa phát thanh và xe tuyên truyền lưu động phát thông tin hàng ngày về cuộc bầu cử, đồng thời theo dõi tiểu sử tóm tắt ứng cử viên, chương trình hành động của từng người tại trụ sở Ban Nhân dân ấp. Ngày 23/5 tới, ông sẽ vận động người thân đến điểm bều cử sớm để bỏ phiếu bầu người có đức, có tài phục vụ đất nước, quê hương.
Tại huyện Cầu Kè - địa phương có trên 30% đồng bào dân tộc Khmer, các tuyến đường từ Trung tâm huyện đến các xã đều rực rỡ bởi cờ, hoa, băng rôn, tranh cổ động… về ngày bầu cử để người dân dễ dàng nhìn thấy. Chính quyền địa phương cũng đang khẩn trương vệ sinh môi trường, cảnh quan cho thông thoáng để chuẩn bị cho ngày bầu cử.
Xe thông tin lưu động của Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện cũng đã tổ chức thông tin tuyên truyền về bầu cử, tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đến các xã, thị trấn, nhất là các khu vực chợ, khu vực đông dân cư, nhằm đảm bảo cho cuộc bầu cử diễn ra an toàn trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.
Tại 117 khu vực bỏ phiếu của 11 xã, thị trấn ở huyện Cầu Kè, danh sách, tiểu sử tóm tắc các ứng cử viên và danh sách cử tri được niêm yết để cử tri tìm hiểu, nghiên cứu.
Ông Nguyễn Phong Đăng, xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè cho rằng, chương trình hành động của các ứng cử viên có nhiều nội dung phù hợp với tình hình thực tế, xác thực với nhân dân và địa phương. Ngày 23/5 tới, bản thân sẽ lựa chọn những người xứng đáng để bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Tỉnh Trà Vinh có 10 người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội (2 người do Trung ương giới thiệu) để bầu chọn 6 đại biểu; giới thiệu 83 ứng cử viên để bầu 50 đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh; 482 ứng cử viên để bầu 288 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện; 4.573 ứng cử viên để bầu 2.734 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã. Toàn tỉnh có 2 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội và 14 đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh. Tỉnh đã phê chuẩn khu vực bỏ phiếu và thành lập 1.021 tổ bầu cử, với tổng số cử tri toàn tỉnh 796.692 người.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Trà Vinh Kim Ngọc Thái cho biết, thực hiện theo chỉ đạo các hướng dẫn của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, đến nay, công tác chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp của tỉnh đã cơ bản đã hoàn tất về các mặt, đúng thời gian và luật định.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Trà Vinh đã hoàn thành việc tổ chức 94 hội nghị gặp gỡ giữa các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, với hơn 16.000 cử tri trong tỉnh tham dự. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy mở các chuyên mục “Tuyên truyền bầu cử” trên Fanpage Nghị quyết và cuộc sống để đưa tin, trích đăng các câu hỏi về bầu cử trên mạng xã hội. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Trà Vinh mở tiểu mục “Tiến tới bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026”.
Tỉnh Trà Vinh có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số khá cao; trong đó, dân tộc Khmer có gần 328.000 người, chiếm 31,5% dân số toàn tỉnh. Vì vậy, công tác tuyên truyền về bầu cử đến đồng bào dân tộc thiểu số luôn được tỉnh chú trọng, nhằm đảm bảo quyền và nghĩa vụ của cử tri. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phát hành 1.000 quyển tài liệu Hỏi - Đáp bầu cử bằng chữ Khmer; Báo Trà Vinh chữ Khmer cũng đăng tải nhiều tài liệu hỏi- đáp về bầu cử để đồng bào Khmer hiểu rõ về cuộc bầu cử này.
Cùng với công tác tuyên truyền về bầu cử, Ủy ban Bầu cử tỉnh Trà Vinh cũng chỉ đạo các địa phương trang bị đủ khẩu trang y tế, máy đo thân nhiệt, nước khử khuẩn… tại các cuộc hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc cử tri và trong ngày cử tri đi bầu cử. Công tác bố trí, sắp xếp các nơi bỏ phiếu phải nghiêm túc, thẩm mỹ và không gian đảm bảo phòng dịch COVID-19.