Cùng với nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai phối hợp với các cấp chính quyền, ngành, đoàn thể cơ sở giúp đỡ nhân dân khu vực biên giới phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Với tinh thần "Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt", Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai tích cực triển khai hiệu quả các phong trào như: Mái ấm biên cương, Bò giống cho người nghèo, Bếp ăn tình thương, Nâng bước em tới trường, Lớp xóa mù chữ…Nhờ đó, nhiều hộ đã thoát nghèo, cải thiện đời sống, các con được đi học đầy đủ.
Điển hình là hai gia đình anh Rơ Mah Tíu và chị Rơ Lan Blớc, người Jrai ở làng Tung, xã Ia Nan, huyện Đức Cơ. Hai năm trước đây, gia đình anh Tíu là một trong những hộ nghèo, thiếu kiến thức và nguồn vốn để phát triển kinh tế gia đình, thu nhập chủ yếu dựa vào làm thuê. Được giúp đỡ của Bộ đội Biên phòng Đồn Ia Nan và chính quyền địa phương, gia đình anh được hỗ trợ cây giống cà phê, phân bón, hướng dẫn cách chăm sóc, phòng ngừa bệnh trên cây trồng.
Theo anh Tíu, từ nguồn hỗ trợ ban đầu đến nay, gia đình anh có 3 sào cà phê, 2 sào lúa nước và 0,8 ha cao su, mang lại nguồn thu nhập ổn định khoảng 90 triệu đồng mỗi năm. Nhờ sự giúp đỡ của cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng Đồn Ia Nan và các ban, ngành, đoàn thể của địa phương, gia đình anh mới có cuộc sống ấm no, con cái được đi học đầy đủ.
Không chỉ hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, Bộ đội Biên phòng tỉnh còn nhiều hoạt động gắn kết chặt chẽ với các nhà trường, giúp đỡ, nâng bước học sinh khó khăn đến trường. Tại huyện biên giới Đức Cơ, Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai nhiều mô hình như: Quân đội nâng bước em đến trường, rau xanh Biên phòng đồng hành cùng học sinh bán trú, hũ gạo tình thương…phần nào giúp bữa ăn của học sinh vùng khó được cải thiện, ấm no hơn.
Cô Trần Thị Nhung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kpă Klơng, xã Ia Nan, huyện Đức Cơ chia sẻ, Bộ đội Biên phòng luôn có nhiều hoạt động hỗ trợ nhà trường từ bếp ăn đến công tác vận động học sinh đến lớp vào mỗi đầu năm học. Nhà trường đánh giá cao sự giúp đỡ và hỗ trợ này từ lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ia Nan Phạm Văn Thủy cho biết, địa phương với đa số là người đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế rất khó khăn. Chính vì vậy, chính quyền địa phương và lực lượng Bộ đội Biên phòng đóng quân trên địa bàn cùng nhau xây dựng kế hoạch, phương hướng cụ thể giúp người dân phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.
Bộ đội Biên phòng thường xuyên tham mưu, phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, giúp đỡ người dân phát triển kinh tế, thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Nổi lên là việc phân công cán bộ, đảng viên sinh hoạt tại chi bộ thôn, làng và phụ trách, giúp đỡ hộ gia đình đưa ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cây trồng, vật nuôi, thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế…, ông Phạm Văn Thủy cho biết thêm.
Theo số liệu thống kê, đến nay, xã Ia Nan hiện chỉ còn 100 hộ nghèo, chiếm hơn 4,9%; 73 hộ cận nghèo, chiếm trên 7,3% và có 7/9 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới. Để có được kết quả khả quan này, một trong những yếu tố quan trọng là sự đóng góp, đồng hành của Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai.
Trung tá Lê Hồng Tuấn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ia Nan, huyện Đức Cơ cho biết, đơn vị luôn đồng hành cùng chính quyền địa phương giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của Bộ đội Biên phòng nhằm đảm bảo an ninh biên giới, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên biên giới, địa bàn Đồn quản lý.
Thực hiện chương trình "Bộ đội Biên phòng Gia Lai chung tay giúp người dân biên giới giảm nghèo", Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Ia Nan đã tham mưu, phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương từng bước giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế. Từ năm 2016 đến nay, Đồn phân công cho 9 đảng viên tham gia sinh hoạt tại 9 thôn, làng; phân công 32 đảng viên phụ trách giúp đỡ 148 hộ. Qua đó, các hộ từng bước thay đổi nhận thức, tu chí làm ăn, chấp hành tốt pháp luật và quy định của địa phương được Đảng ủy cấp trên, chính quyền địa phương đánh giá cao, Trung tá Lê Hồng Tuấn chia sẻ thêm.
Các địa phương khu vực biên giới của tỉnh còn nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng và đời sống dân cư. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo nơi đây vẫn rất cao, vì thế, Bộ đội Biên phòng tỉnh luôn quan tâm phối hợp với địa phương hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, giúp dân xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, nâng cao đời sống nhân dân theo phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Nghị, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai, Bộ đội Biên phòng tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng, bảo vệ biên giới quốc gia. Đảng ủy, Bộ Chỉ huy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò người đứng đầu cơ quan, đơn vị, giáo dục cán bộ, chiến sỹ về tính nhân văn, ý nghĩa của các chương trình, mô hình, phong trào xây dựng chính trị cơ sở, giúp dân phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững trên khu vực biên giới.
Thời gian tới, Bộ đội Biên phòng Gia Lai đẩy mạnh triển khai các giải pháp như: phân công đảng viên tham gia sinh hoạt chi bộ thôn, làng; đảng viên phụ trách hộ gia đình; xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sỹ làm công tác dân vận, vận động quần chúng gắn bó máu thịt với nhân dân theo phương châm "ba bám, bốn cùng". Bộ đội Biên phòng tỉnh tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững bằng mô hình, chương trình, phong trào hiệu quả như: Mái ấm biên cương, Bò giống cho người nghèo, Bếp ăn tình thương, Nâng bước em tới trường, Lớp xóa mù chữ… để nâng cao đời sống cho bà con ở khu vực biên giới.