Báo cáo về tình hình hoạt động, giảng dạy, Tiến sĩ Đinh Thanh Tâm, Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Bắc cho biết: Nhà trường có 30 ngành, trong đó 3 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, 25 ngành đào tạo đại học, 2 ngành cao đẳng. Hiện trường có 5.500 sinh viên, trong đó có hơn 800 lưu học sinh Lào, tỉ lệ sinh viên dân tộc chiếm trên 70%.
Đại học Tây Bắc là trường đại học duy nhất của khu vực Tây Bắc nằm trong khu vực có vị trí địa chính trị quan trọng, giáp với các tỉnh Bắc Lào, có nhiều nét tương đồng về văn hóa; quá trình đào tạo thuận lợi khi gắn với thực tiễn khu vực. Sinh viên của Trường chủ yếu đến từ khu vực Tây Bắc, có khả năng gắn bó lâu dài với địa phương; địa bàn phục vụ của sinh viên sau khi tốt nghiệp khá rộng và có nhu cầu cao, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
Tuy nhiên, trường cũng có những khó khăn như: Năng lực cạnh tranh, tính chủ động, tác phong làm việc chuyên nghiệp còn hạn chế; số lượng giảng viên có trình độ cao phân bố không đồng đều, quy hoạch theo lĩnh vực nghiên cứu mỏng, thiếu chuyên gia đầu ngành, kỹ năng sử dụng ngoại ngữ, năng lực hợp tác quốc tế còn hạn chế...
Trường Đại học Tây Bắc đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo giúp kết nối trường với các chương trình hợp tác quốc tế phù hợp; có cơ chế đặc thù hỗ trợ về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; tạo điều kiện hỗ trợ Trường tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao vai trò, vị trí của trường Đại học Tây Bắc trong nền giáo dục đại học cả nước hiện nay. Trong điều kiện còn khó khăn của một trường đóng ở khu vực miền núi, nhưng trường đã phát huy được những thế mạnh trong công tác đào tạo.
Để Trường Đại học Tây Bắc ngày càng phát triển và khẳng định được vị thế, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, với các điều kiện sẵn có, Trường Đại học Tây Bắc đủ điều kiện trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho vùng Tây Bắc. Vì vậy, nhà trường cần đáp ứng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cho tỉnh Sơn La nói riêng và các tỉnh Tây Bắc nói chung. Cùng với đó, trường có các biện pháp cụ thể để nâng cao vị thế trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh Tây Bắc.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị, trong thời gian tới, Trường Đại học Tây Bắc cần chú trọng rà soát, xây dựng, cơ cấu lại các ngành đào tạo chủ lực như: Sư phạm, công nghệ thông tin, nông, lâm nghiệp và du lịch. Để từ đó, tạo ra nguồn lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của các địa phương trong vùng Tây Bắc.
Đối với các kiến nghị của Trường Đại học Tây Bắc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng đoàn công tác đã tiếp thu và sẽ có phương án hỗ trợ nhà trường trong thời gian tới.