Phát triển giao thông Đồng bằng sông Cửu Long:

Đường bộ phá thế “sông ngăn cách trở”

Trong 5 năm qua, tại đồng bằng sông Cửu Long, nhiều công trình giao thông hiện đại đạt chuẩn khu vực và quốc tế đã kết nối khu vực, góp phần làm thay đổi diện mạo của vùng.

Những thành quả to lớn

Diện mạo giao thông ĐBSCL đã khác xưa rất nhiều với mạng lưới đường bộ hình thành theo trục dọc, trục ngang. Hệ thống đường vành đai liên kết với nhau đã đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, đi lại của nhân dân, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trong vùng, kết nối với các khu vực kinh tế lớn trong khu vực và cả nước.

Những năm qua, các tuyến giao thông huyết mạnh, cầu vượt sông lớn được đầu tư nâng cấp đã phá thế “sông ngăn cách trở”, giúp người dân đi từ các tỉnh về trung tâm kinh tế lớn nhất nước - TP Hồ Chí Minh, được thuận lợi, không phải sử dụng đò, phà như trước đây. Mới đây nhất, vào cuối tháng 8/2015, cầu Mỹ Lợi có chiều dài 1.422 m, với 5 nhịp và 4 làn xe bắc qua sông Vàm Cỏ trên quốc lộ 50 nối liền hai tỉnh Long An và Tiền Giang, kết nối về TP Hồ Chí Minh đã chính thức thông xe. Công trình bảo đảm giao thông thông suốt, xóa bỏ ùn tắc giao thông trên quốc lộ 50 từ TP Hồ Chí Minh về Gò Công (Tiền Giang) bao năm qua bởi phải lụy phà Mỹ Lợi.

Các đại biểu cắt băng thông xe cầu Mỹ Lợi. Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Niềm vui của chính quyền, nhân dân ở huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau - mảnh đất cuối cùng ở cực Nam của Tổ quốc vẫn chưa dứt khi các cây cầu như: Cầu Năm Căn, cầu kinh Cái Tắc, cầu Sáu Nạn, cầu Trại Lưới vượt sông Cửa Lớn và các sông ngòi, kênh rạch khác được khánh thành đưa vào sử dụng. Các cây cầu nói trên được xây dựng với thiết kế tiêu chuẩn vĩnh cửu, đảm bảo tốt nhu cầu lưu thông, vận chuyển hàng hóa và là điều kiện đặc biệt quan trọng để huyện Ngọc Hiển, huyện Năm Căn và tỉnh Cà Mau phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững, đảm bảo an ninh quốc phòng tốt hơn, nâng cao đời sống nhân dân. Ông Nguyễn Văn Hai, ở xã Viên An Ðông, huyện Ngọc Hiển, vui mừng nói: “Kể từ khi những cây cầu này khánh thành từ tháng 2/2015, bà con nơi đây không còn phải đi ghe xuồng, không phải nơm nớp lo sợ vào những ngày giông bão. Việc làm ăn, học hành của con em chúng tôi được thuận lợi hơn rất nhiều”.

Cũng trong năm 2015, tỉnh An Giang đã chính thức thông xe 7 cây cầu nằm trên tuyến quốc lộ 91 với tổng kinh phí đầu tư xây dựng 180 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA). Chính từ việc thông xe trên 7 cây cầu đã giải quyết được nhu cầu bức xúc nhất cho tỉnh An Giang là địa bàn trung chuyển hàng hóa từ nội địa ra biên giới xuất khẩu sang Campuchia thông qua tuyến quốc lộ 91. Đây là tuyến quốc lộ quan trọng cho an ninh quốc phòng và thông thương hàng hóa trong nước từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khu vực ĐBSCL sang biên giới với lượng hàng hóa xuất khẩu rất lớn, đạt kim ngạch trên 1 triệu USD mỗi năm.

Các tuyến đường bộ cũng ngày càng phát triển với nhiều công trình trọng điểm của vùng đã đưa vào sử dụng trong những năm qua như: Tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, đường Quản Lộ - Phụng Hiệp, đường Nam Sông Hậu, dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 từ TP Hồ Chí Minh - Năm Căn, đường nối Cần Thơ - Vị Thanh, quốc lộ 61, tuyến tránh phà Tắc Cậu - Xẻo Rô,… Đối với hệ thống đường thủy, đã hoàn thành nâng cấp 2 tuyến đường thủy TP Hồ Chí Minh - Kiên Lương và TP Hồ Chí Minh - Cà Mau, hoàn thành dự án nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo (giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư khoảng 787 tỉ đồng,.. Các địa phương vùng ĐBSCL đã nạo vét, duy tu nhiều tuyến đường thủy nội địa, vừa đảm bảo an toàn giao thông thủy, vừa phát huy lợi thế sông nước, vừa tăng thị phần vận tải bằng đường thủy nội địa…

Theo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), để đạt được những thành quả nói trên, nguồn lực dành cho phát triển hạ tầng ở ĐBSCL đã nhiều gấp 2,7 lần so với giai đoạn 5 năm trước. Mức tăng này còn cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước. Theo đó, từ năm 2010 đến nay, mặc dù ngân sách còn nhiều khó khăn nhưng các địa phương trong vùng ĐBSCL đã được ưu tiên đầu tư bằng nhiều nguồn như: Ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA,…với tổng số vốn khoảng 52.471 tỉ đồng hoàn thành 34 dự án hạ tầng giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, toàn vùng ĐBSCL hiện có 24 dự án giao thông đường bộ đang triển khai dở dang với tổng kinh phí đầu tư khoảng 73.028 tỉ đồng… Tổng vốn bảo trì đường bộ ở vùng ĐBSCL đạt khoảng 3.522 tỉ đồng. Toàn vùng đã huy động các nguồn lực để đầu tư, xây mới, nâng cấp, cải tạo được 44.084 km đường giao thông nông thôn, xây dựng mới và kiên cố 19.877 cầu với tổng kinh phí khoảng 24.379 tỉ đồng…

Trong giai đoạn này, Bộ GTVT đã hoàn thành 4 dự án lĩnh vực hàng không với tổng mức đầu tư khoảng 5.331 tỉ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân của lĩnh vực hàng không khá cao, khoảng 16,5%/năm đối với hành khách và 18,7%/năm đối với hàng hóa… Trong đó, cảng hàng không quốc tế Cần Thơ là cảng hàng không lớn nhất trong khu vực ĐBSCL hiện nay với vai trò trung tâm của khu vực và cảng hàng không quốc tế Phú Quốc góp phần quan trọng phát triển du lịch.

Tiếp tục đầu tư phát triển

Ông Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, nhận định: “Sự phát triển nhanh của hạ tầng giao thông đã tạo thuận lợi cho việc vận tải hành khách, hàng hóa trong vùng thông suốt, nhanh chóng. Từ năm 2010 đến hết tháng 6/2015, tổng khối lượng vận tải toàn vùng đạt khoảng 4,6 tỷ lượt khách (tăng 4,4%/năm) và 4,25 triệu tấn hàng hóa (tăng 4,9%/năm). Kết quả này góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung”.

Tại hội nghị tổng kết 5 năm (2010-2015) công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng GTVT vùng ĐBSCL diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, để tiếp tục triển khai có hiệu quả, đúng hướng quy hoạch của Chính phủ, các bộ ngành cần rà soát, điều chỉnh các quy hoạch hạ tầng GTVT (đường bộ, đường thủy, cảng, sân bay…) vùng ĐBSCL ở tầm cao hơn để tránh lãng phí trong công tác đầu tư, từng bước phát triển hệ thống GTVT trong vùng đồng bộ, hiện đại và hội nhập kinh tế quốc tế. Công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch cần chú ý đến tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng đang diễn ra nhanh và mạnh hơn dự báo. Trong đó, chú trọng các công trình lớn, mang tính kết nối địa phương trong vùng, kết nối vùng với TP Hồ Chí Minh, cả nước và quốc tế. Bên cạnh phát triển đường bộ, cần chú ý phát triển đường hàng không, đường biển, có kế hoạch phát triển đường sắt… 

Đặc biệt, trong đầu tư phát triển cần chú ý đầu tư hệ thống cầu, đường giao thông nông thôn phù hợp với tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, các bộ ngành, địa phương trong vùng tiếp tục phối hợp kiểm tra, kiểm soát chặt các hoạt động kinh doanh vận tải; đẩy mạnh các giải pháp hạn chế tai nạn giao thông… “Muốn phát triển được tốt thì hạ tầng giao thông phải thuận lợi, nhất là đường sông. Nông sản sắp tới tiến bước vào hội nhập qua một loạt hiệp định thương mại tự do đã ký với các nước nhưng cứ vận chuyển lên TP.HCM bằng ô tô thì làm sao cạnh tranh được. Ở đây có cảng biển rồi, có đường sông rồi, giá rất rẻ mà không làm thì rất lãng phí”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ đạo.
A.Đ
Phát huy lợi thế giao thông thủy - bộ
Phát huy lợi thế giao thông thủy - bộ

Tập trung đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn, khai thác hiệu quả hệ thống giao thông thủy sẽ giúp phát huy lợi thế của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN