Để hạn chế thấp nhất thiệt hại đối với những diện tích nông nghiệp thường xuyên bị hạn, huyện biên giới Đức Cơ, tỉnh Gia Lai đã chủ động hướng dẫn người dân chuyển đổi sang thâm canh các loại cây trồng có sức chịu hạn cao mang lại hiệu quả kinh tế góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống nhân dân.
Qua triển khai thực tế, một trong những mô hình khả quan đang mang lại hiệu quả kinh tế là mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ của gia đình anh Nguyễn Phúc Phương ở thôn Đồng Tâm 2, xã Ia Din. Sau khi được chính quyền địa phương khuyến khích và hỗ trợ giống, phân bón, chi phí dựng trụ, gia đình anh Nguyễn Phúc Phương đã mạnh dạn chuyển đổi 6 sào lúa nước thường xuyên khô hạn vào mùa nắng, ngập úng vào mùa mưa sang trồng cây thanh long ruột đỏ. Sau một năm chăm sóc theo quy trình nông nghiệp sạch, vườn thanh long của gia đình anh phát triển khá ổn định và bắt đầu cho thu bói.
Mô hình cây thanh long ruột đỏ của gia đình anh Nguyễn Phúc Phương xã Ia Din, huyện Đức Cơ (Gia Lai). |
Anh Nguyễn Phúc Phương cho biết: “Trước đây, diện tích lúa nước này của gia đình thường xuyên bị hạn vào mùa nắng, ngập úng vào mùa mưa nên canh tác rất bấp bênh, không hiệu quả. Được phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây thanh long ruột đỏ cũng như làm rãnh thoát nước nên vườn thanh long của gia đình phát triển tốt và đã cho thu bói được 5 tạ quả, bước đầu cho thu nhập được gần 20 triệu đồng. Ước tính năm tới năng suất sẽ đạt khoảng 5 tấn, với giá bán nội địa như hiện nay từ 25.000 đồng đến 30.000 đồng/kg, gia đình tôi sẽ có khoản thu nhập lớn hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa”.
Bà Lương Thị Thanh Huyền, chuyên viên phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Cơ cho biết, do thường xuyên bị hạn nên nhiều diện tích lúa nước không hiệu quả, năng suất thấp ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người dân. Sau khi chuyển đổi 1,2 ha lúa sang trồng cây thanh long ruột đỏ (0,6 ha) và cây chuối tiêu hồng (0,6 ha) bước đầu cho kết quả khả quan. Hai loại cây trồng này đều sinh trưởng, phát triển tốt, nhu cầu chăm sóc không quá khắt khe trong khi sản lượng đạt cao và sản phẩm được thu trong nhiều năm. Hiện giá thu mua thanh long và chuối trên thị trường đang ổn định nên hiệu quả kinh tế có thể đạt từ 200 triệu đến 300 triệu đồng/ha đối với mỗi mô hình.
Cùng với mô hình thanh long ruột đỏ, mô hình 0,6 ha chuối tiêu hồng ở xã Ia Krêl cũng phát triển rất tốt và đã cho thu hoạch. Ước tính mô hình này cho thu nhập khoảng trên dưới 30 triệu đồng/tháng. Ông Trịnh Văn Thành, Phó Chủ tịch huyện Đức Cơ cho biết, trước thực trạng hạn hán ngày càng khắc nghiệt, địa phương chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi các diện tích lúa bị bồi lấp, thiếu nước tưới sang trồng cây chuối, thanh long và một số cây rau màu ngắn ngày chịu hạn khác như đậu đỗ, khoai lang, ngô… mang lại lợi ích kinh tế cho người dân. Hiện chủ trương này đang được người dân rất đồng tình ủng hộ và đây sẽ là cơ sở để địa phương đẩy mạnh chuyển đổi trong thời gian tới thông qua các mô hình đã phát huy hiệu quả.
Theo thống kê, hiện trên địa bàn huyện Đức Cơ còn khoảng 85 ha đất trồng lúa nước của 360 hộ dân không thể canh tác được do thường xuyên bị hạn hoặc nhiều năm bị đất, mùn bồi lấp. Do đó, để tránh lãng phí quỹ đất cũng như tăng thu nhập cho người dân, huyện Đức Cơ đã tổ chức tư vấn cho nhân dân ở một số xã trọng điểm chọn chuyển đổi các loại cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của vùng đất và điều kiện kinh tế của từng gia đình làm cơ sở để đầu tư trong thời gian tới.
Trước mắt, Trạm Khuyến nông huyện phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh đang rà soát các hộ có nhu cầu đăng ký trồng cỏ nuôi bò để tiến hành triển khai hỗ trợ với diện tích 4,6 ha. Hy vọng rằng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng ứng phó với biến đổi khí hậu được huyện Đức Cơ triển khai có hiệu quả thời gian qua sẽ được nhân rộng, mang lại lợi ích kinh tế góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhân dân vùng biên giới xa xôi.