Trong thời gian tới, UBND thành phố Pleiku tiếp tục thực hiện khắc phục tình trạng này, đặc biệt, tập trung triển khai lập quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu trên địa bàn thành phố, trong đó có các khu vực phân lô, tách thửa theo Kết luận thanh tra để làm cơ sở cho việc quản lý, cấp phép xây dựng.
Tại báo cáo số 360, ngày 30/6, UBND thành phố Pleiku cho biết, đã nghiêm túc tổ chức kiểm điểm tập thể, cán bộ, công chức liên quan đến sai phạm được nêu trong Kết luận thanh tra số 2405, ngày 26/10/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai. Cụ thể, đã xử lý kỷ luật với hình thức khiển trách đối với Chi bộ Phòng Tài Nguyên và Môi trường; 1 cá nhân bị cách hết các chức vụ trong Đảng, 2 trường hợp nhận hình thức cảnh cáo và kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với 11 cá nhân liên quan.
Đối với 3 vị trí các cá nhân tự ý san lấp mặt bằng vi phạm Luật Đất đai (tại phường Yên Đỗ, phường Hội Phú và phường Thống Nhất), UBND thành phố Pleiku chỉ đạo kiên quyết xử lý, yêu cầu các chủ sử dụng đất dừng việc san lấp mặt bằng và hiện nay các chủ sử dụng đất đã trả lại hiện trạng ban đầu. Cụ thể: Tại vị trí phường Hội Phú, ông Đoàn Ngọc Tín đã khắc phục hoàn toàn phần đất san lấp và trả lại hiện trạng ban đầu. Tại vị trí phường Yên Đỗ, ông Nguyễn Tấn Thành đã tự nguyện tháo dỡ phần mương nước vi phạm hành lang an toàn dòng chảy. Tuy nhiên, còn 1 đoạn dài 25 m nếu tháo dỡ có nguy cơ sạt lở nhà lân cận, UBND phường Yên Đỗ yêu cầu giữ nguyên hiện trạng. Đối với khu vực suối Ia Linh, phường Thống Nhất, ông Đinh Màu đã nộp phạt số tiền 15 triệu đồng vào ngân sách nhà nước với vi phạm tổ chức thi công không có giấy phép xây dựng. Sau đó, được sự cho phép của UBND thành phố Pleiku, ông Đinh Màu đã thi công kè chống sạt lở phía Tây cầu Ia Linh.
Ngoài ra, 10 trường hợp Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh thành phố Pleiku thực hiện tách thửa theo đường hiện trạng và một số thửa đất không có đường vào; 2 trường hợp phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Pleiku chỉnh lý cho phép mở đường; 7 trường hợp UBND thành phố ban hành quyết định thu hồi đất cho phép hình thành đường công cộng. Trong 19 vị trí phân lô tách thửa này, chỉ có 3 vị trí theo các quy hoạch được duyệt không phải là đất ở hay đất khu dân cư, còn lại toàn bộ diện tích hoặc một phần diện tích được quy hoạch là khu dân cư đất ở.
Như vậy, UBND thành phố Pleiku cho giữ nguyên hiện trạng đối với những thửa đất đã chuyển mục đích và xây dựng nhà ở. Đối với các thửa đất đã tách thửa nhưng chưa chuyển mục đích sử dụng đất, chưa xây dựng nhà ở, UBND thành phố Pleiku đã tạm dừng chuyển mục đích đất nông nghiệp sang đất ở đối với các khu vực phân lô bán nền và không cấp phép xây dựng nhà ở đối với các trường hợp không phù hợp với quy hoạch chung xây dựng của thành phố.
Sau khi đối chiếu các vị trí khu đất phân lô, tách thửa mở đường theo Kết luận thanh tra với sự phù hợp của các quy hoạch đã được duyệt trên địa bàn thành phố, năm 2019 có 4 vị trí khu đất UBND thành phố Pleiku đã điều chỉnh thành hạng mục đất ở trong “Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất năm đầu của điều chỉnh quy hoạch thành phố Pleiku” được UBND tỉnh phê duyệt, bao gồm các vị trí Nguyễn Văn Lợi, Nguyễn Xuân Tiến (xã Chư Á); Huỳnh Văn Tuấn (phường Thắng Lợi); Nguyễn Ngọc Lương (phường Chi Lăng); Mai Thị Bích Nga (phường Thắng Lợi).
Các vị trí đất còn lại giữ nguyên hiện trạng đất nông nghiệp đến hết năm 2020; sau năm 2020 thực hiện theo quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030 và điều chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn mới quy hoạch phân khu xây dựng và khu quy hoạch chi tiết được duyệt.
Chủ trương, chỉ đạo khắc phục hậu quả của việc phân lô, tách thửa, bán nền của UBND thành phố Pleiku là phù hợp. Tuy nhiên, các cá nhân, doanh nghiệp vi phạm, sau khi bị phát hiện sai phạm chưa thực hiện đúng chỉ đạo trên, do đó còn tồn tại nhiều vị trí san lấp, phân lô chưa được trả lại hiện trạng ban đầu, ảnh hưởng đến cảnh quan, quy hoạch đô thị, dòng chảy của các con suối tự nhiên trên địa bàn. Để khắc phục tối đa hậu quả, cần sự vào cuộc đồng bộ của các ban, ngành, đoàn thể tỉnh Gia Lai. Đây cũng được coi là bài học kinh nghiệm cho các huyện, thị trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói riêng và các địa phương khác trong cả nước nói chung, trong việc quản lý, tổ chức quy hoạch đô thị địa phương.
Trước đó, như đã đưa tin, theo kết luận thanh tra số 2405/KT-UBND tỉnh về việc san lấp, phân lô, tách thửa, bán nền, xây dựng công trình, nhà ở không đúng quy định, phá vỡ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn thành phố Pleiku, từ năm 2011 đến tháng 10/2018, trên địa bàn thành phố có 21 vị trí (gồm 10 phường, xã) để xảy ra tình trạng san lấp mặt bằng, phân lô, tách thửa, bán nền, xây dựng công trình nhà ở không đúng quy định với diện tích 331.447,6 m2.
Mặc dù UBND tỉnh Gia Lai chưa có quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất nông nghiệp nhưng Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh thành phố Pleiku và Văn phòng Đăng ký đất đai Sở Tài nguyên và Môi trường đã đo vẽ địa chính, thẩm định, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tách thửa gồm 18 vị trí với 1.523 thửa đất nằm trên địa bàn các phường Thắng Lợi, Chi Lăng, Yên Thế, Hoa Lư và xã Chư Á, Trà Đa, Diên Phú. Trong số này, 351 trường hợp đã chuyển mục đích sử dụng sang đất ở với 34.056 m2 chưa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chung xây dựng của thành phố Pleiku.