Buổi lễ diễn ra với các nội dung gồm: màn tấu chiêng Ê Đê của đội chiêng buôn Kǒ Siêr (thành phố Buôn Ma Thuột); đánh chiêng, đánh trống khai lễ; Đội tế nữ quan thực hiện nghi thức Tế truyền thống; dâng hương, dâng hoa và phẩm vật tưởng nhớ các Vua Hùng; báo công và chúc văn ôn lại lịch sử hào hùng của các vị Vua Hùng thời dựng nước, lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Trong không khí thành kính, thiêng liêng, hướng về nguồn cội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk H’Yim Kđoh thay mặt Đảng bộ, chính quyền, quân và dân 49 dân tộc trong tỉnh báo công lên các Vua Hùng những thành tựu tỉnh đã đạt được trong năm 2023. Năm 2023, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức song với sự cố gắng, nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục được duy trì và phát triển. Giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP - giá so sánh năm 2010) đạt hơn 60.792 tỷ đồng, tăng 4,39% so với năm 2022.
Trong 16 chỉ tiêu chủ yếu theo Nghị quyết đề ra, có 11/16 chỉ tiêu đạt hoặc vượt kế hoạch. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội, tổng mức bán lẻ hàng hóa tiếp tục tăng. Dịch bệnh trên người, cây trồng, vật nuôi được kiểm soát, cơ bản ổn định. Công tác an sinh xã hội được quan tâm, triển khai kịp thời các chế độ, chính sách cho người nghèo, người có công. Quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường và cải cách hành chính được tích cực thực hiện. Quốc phòng được tăng cường; chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới được giữ vững...
Những kết quả đạt được là quá trình nỗ lực cố gắng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế trong tỉnh và sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, đặc biệt là sự đoàn kết, đồng lòng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, xây dựng tỉnh ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng là con cháu Lạc Hồng.
Điểm mới trong lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tại tỉnh Đắk Lắk là hoạt động gói bánh chưng, giã bánh giày được chính các nghệ nhân trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột thực hiện để dâng cúng các Vua Hùng và Lễ Tiên thường (Lễ cáo thần).
Bà Luân Thị Liên (phường Tự An, thành phố Buôn Ma Thuột) chia sẻ, bà rất xúc động khi tự tay làm và gói những chiếc bánh chưng để dâng cúng các Vua Hùng, bày tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ công ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước. Năm nay, bà thấy lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức hoành tráng hơn, thu nhất đông đảo nhân dân tham dự.
Theo ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Ban tổ chức các hoạt động văn hóa tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, lễ Giỗ tổ Hùng Vương được tổ chức hàng năm vào dịp 10/3 âm lịch, nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa dân tộc, giáo dục truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.
Đây là dịp để nhân dân các dân tộc trong tỉnh hướng về cội nguồn, tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ đến công ơn của các Vua Hùng. Qua đó góp phần củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh; động viên các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Đắk Lắk trong năm 2024 và những năm tiếp theo.