Cùng với đó, 99,72% hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 90% hộ dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Hậu Giang đặt mục tiêu cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường công tác y tế để người dân tộc thiểu số được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; 98% người dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế.
Song song đó, Hậu Giang phấn đấu có 90 % lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đặt mục tiêu bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; 50% ấp, khu vực, địa bàn có đội văn hóa, văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng.
Để đạt được điều đó, tỉnh tiếp tục cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân tộc, chính sách dân tộc; rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công tác dân tộc.
Tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng, đặc thù của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hướng tới phát triển bền vững và thúc đẩy tinh thần tự lực, tự cường của người dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Hậu Giang thực hiện nhiều giải pháp về phát triển nguồn nhân lực, như ưu tiên đào tạo nhân lực chất lượng cao để làm đầu mối dẫn dắt, tập hợp người dân tộc thiểu số trong tổ chức sản xuất, quản lý xã hội; phát triển nguồn nhân lực có khả năng ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới, kết hợp với phát huy các tri thức bản địa và kinh nghiệm sống, sản xuất trong phát triển kinh tế và giải quyết những vấn đề phát sinh từ thực tiễn xã hội.
Cùng với đó, tỉnh tập trung đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; trong đó chú trọng đào tạo, quy hoạch, xây dựng và phát triển tại chỗ đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số. Tỉnh đảm bảo tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số phù hợp với tỷ lệ dân số là người dân tộc thiểu số ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị; đặc biệt là tại các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc.
Hậu Giang quan tâm tạo nguồn cán bộ, công chức, viên chức nữ là người dân tộc thiểu số; hỗ trợ nâng cao năng lực để đủ điều kiện giới thiệu tham gia các vị trí lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị. Tỉnh quan tâm đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, nhất là các dân tộc thiểu số tại chỗ; bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số phù hợp với tỷ lệ dân số là người dân tộc thiểu số ở từng địa phương.
Đặc biệt, tỉnh nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, dạy nghề vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tập trung đào tạo, bồi dưỡng các chuyên ngành có nhu cầu cấp thiết như bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư nông nghiệp, công nghệ thông tin, quản lý văn hóa cơ sở, quản lý kinh tế, tài chính - ngân hàng, quản trị nhân lực, công nghệ thực phẩm. Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ; khuyến khích khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, đổi mới, sáng tạo, phát minh, sáng chế phù hợp điều kiện đặc thù của các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn Hậu Giang chiếm 3,9% so với dân số toàn tỉnh (hơn 7.500 hộ với trên 30.500 người). Toàn tỉnh có gần 1.500 hộ nghèo là người dân tộc thiểu số.