Công trình xóa đói giảm nghèo
Tỉnh Gia Lai đang triển khai hàng loạt công trình thủy lợi trọng điểm nằm trải dài ở các huyện Chư Prông, Chư Pứh, Chư Sê, Đắk Pơ, thị xã Ayun Pa. Nơi xây dựng công trình thủy lợi là những vùng đất khô cằn, có vùng sản xuất rộng lớn nhưng gặp khó về nguồn nước tưới; trong đó, dự án hồ chứa nước Ia Rtô tại thị xã Ayun Pa và hồ chứa nước Tầu Dầu 2 ở huyện Đắk Pơ được người dân đặt kỳ vọng lớn.
Với số vốn 200 tỷ đồng, dự án hồ chứa nước Ia Rtô được xây dựng với mục đích cấp nước tưới cho 120 ha lúa 2 vụ và 400 ha mía cùng 80 ha hoa màu cũng như cấp nước sinh hoạt cho khoảng 40.000 người dân thị xã Ayun Pa. Dự án còn góp phần vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo cho gần 3.000 hộ dân tại 2 xã Ia Rtô và Ia Sao.
Cùng đó, dự án hồ chứa nước Tầu Dầu 2 có tổng mức đầu tư 197 tỷ đồng với mục tiêu cung cấp nước tưới chủ động cho khu tưới khoảng 555 ha, cấp nước phục vụ sinh hoạt cho khoảng 7.500 người. Đồng thời, cải thiện kinh kế và nâng cao chất lượng đời sống cho người dân trong khu vực dự án. Từ đó, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân khu vực tưới.
Tại công trình hồ chứa Ia Rtô, lòng hồ nước phủ lênh láng, phần thân đập đã được xây dựng kiên cố. Máy móc và nhân công đang hối hả hoàn thiện nốt các hạng mục trên mương, đập. Từ thân đập phóng tầm mắt xuống hạ du, phần kênh chính đang được xây dựng xuyên qua các cánh đồng với bạt ngàn cây trồng như ngô, đậu... Những cánh đồng này đang bị khô do thiếu nước nên người dân đang sản xuất quanh dự án mong ngóng công trình sớm hoàn thành.
Gia đình ông Rơ Mah Hướng, buôn Hlép, xã Ia Sao, thị xã Ayun Pa đang trồng khoảng 3 sào ngô cách chân đập của hồ chứa này khoảng 100 m. Những năm qua, do không có nước nên ông chỉ trồng sắn và ngô vì vậy thu nhập thấp, đời sống khó khăn. Giờ Nhà nước đầu tư xây dựng hồ chứa Ia Rtô sẽ giúp khu vực này chủ động nguồn nước tưới. Ai cũng mong công trình sớm hoàn thành để chuyển đổi cây trồng, nâng cao thu nhập.
Hồ chứa nước Tầu Dầu 2 hiện cũng thi công xong cơ bản. Ông Nguyễn Minh Châu, thị trấn Đắk Pơ, huyện Đắk Pơ cho hay, gia đình ông có 2 sào đất hiện đang trồng cỏ. Trên diện tích này, trước đây, ông trồng hoa màu nhưng do không có nước tưới nên chuyển sang trồng cỏ vì loại cây này ít cần nước. Tuy nhiên, thu nhập lại không cao. Ông mong muốn, dự án sớm đi vào hoạt động để có đủ nguồn nước giúp gia đình chuyển sang trồng cây có giá trị cao hơn.
Kỳ vọng lớn
Ông Phạm Xuân Điệp, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Gia Lai cho biết, hai dự án hồ chứa nước Ia Rtô và Tầu Dầu 2 ban đầu do Ban Quản lý dự án các công trình nông nghiệp Gia Lai làm chủ đầu tư. Đến tháng 1/2021, dự án chuyển giao cho Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Gia La.
Theo kế hoạch đã phê duyệt, cả hai dự án này được xây dựng hoàn thành trong năm 2020. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, dự án bị chậm tiến độ và được UBND tỉnh cho phép điều chỉnh thời gian hoàn thành đến tháng 8/2021 đối với dự án hồ chứa nước Tầu Dầu 2 và tháng 10 đối với dự án hồ chứa nước Ia Rtô.
Khi tiếp nhận dự án, Ban quản lý đã nỗ lực để triển khai xây dựng. Thời điểm hiện tại, mặc dù quá trình thi công gặp rất nhiều khó khăn như: giá nguyên vật liệu tăng cao, thiếu nhân công kỹ thuật do ảnh hưởng của dịch COVID-19… nhưng cả hai dự án trên đều vượt tiến độ đề ra. Dự án hồ chứa nước Tầu Dầu 2 đã hoàn thành và đang hoàn thiện các thủ tục đưa công trình vào khai thác. Còn hồ chứa nước Ia Rtô đã đạt hơn 80% khối lượng, dự kiến hoàn thành trong tháng 9/2021.
Cùng với việc hoàn thiện hệ thống kênh mương tưới, hai dự án trọng điểm này khi đưa vào khai thác sẽ giải quyết những vấn đề cấp bách về nước tưới, nước sinh hoạt cho hàng nghìn hộ dân trong vùng. Điều này góp phần nâng cao đời sống nhân dân khu vực dự án, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số của tỉnh Gia Lai - ông Điệp cho hay.
Liên quan đến hai công trình này, giữa tháng 6 vừa qua, Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai đã có Nghị quyết số 429 về chủ trương đầu tư dự án xây dựng các hồ chứa nước và hoàn thiện hệ thống kênh mương thủy lợi. Nghị quyết này đã quyết nghị phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Xây dựng các hồ chứa nước và hoàn thiện hệ thống kênh mương thủy lợi do Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh quản lý.
Theo đó, hai công trình thủy lợi cấp IV: hồ chứa nước Tầu Dầu 2 gồm 33 tuyến kênh và công trình trên tuyến với tổng chiều dài hơn 19 km và công trình chính trên kênh; hồ chứa nước Ia Rtô gồm 11 tuyến kênh và công trình trên tuyến với tổng chiều dài hơn 17 km. Ngoài ra, Nghị quyết 429 còn phê duyệt chủ trương hoàn thiện hệ thống kênh mương thủy lợi của một số công trình thủy lợi cấp IV và cấp III khác nhằm mở rộng hệ thống kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai khẳng định, thủy lợi chính là trụ cột phát triển nông nghiệp bền vững. Từ nguồn vốn của Trung ương giai đoạn 2015 - 2020, Gia Lai đã đầu tư 8 công trình thủy lợi trọng điểm với tổng kinh phí gần 2.000 tỷ đồng, phục vụ tưới cho trên 12.000 ha cây trồng các loại và cung cấp nước sinh hoạt cho hàng trăm nghìn hộ dân trong vùng dự án.
Giai đoạn năm 2022 -2023, Gia Lai sẽ tiếp tục khởi công các công trình thủy lợi khác với quy mô lớn để chủ động nguồn nước tưới. Khi chủ động nguồn nước, việc kêu gọi các doanh nghiệp về đầu tư cho ngành nông nghiệp cũng thuận lợi hơn. Chính quyền địa phương và người dân đều kỳ vọng vào các công trình thủy lợi đang được đầu tư xây dựng, đặc biệt là việc mở rộng tuyến kênh mương nội đồng giúp nông nghiệp địa phương khởi sắc.