Là hợp tác xã được biết đến với những lô vú sữa xuất khẩu sang các thị trường khó tính, hiện nay, các thành viên Hợp tác xã còn "lấn sân" sang trồng cây sầu riêng. Nhờ nhạy bén áp dụng khoa học kỹ thuật và học hỏi lẫn nhau, các thành viên Hợp tác xã đều thuộc hộ khá giàu, nhiều người trong số đó là tỷ phú.
Uống trà, trao đổi kinh nghiệm
Đó là cách mà những nông dân của Hợp tác xã Trường Khương A duy trì nhiều năm nay. Cứ 4 - 5 giờ sáng, các thành viên í ới gọi nhau cùng tập trung đến sân nhà của Giám đốc Hợp tác xã - Trần Văn Chiến để uống trà và trao đổi thông tin về tình hình sản xuất, chăm sóc cây, thời điểm bao trái vú sữa, xử lý cây sầu riêng ra hoa, siết nước cây cho trái nghịch vụ, theo dõi bệnh của cây vào mùa mưa,...
Vừa nhấp ngụm trà, ông Trần Văn Chiến vừa cười chia sẻ: Các anh em ngồi với nhau đến khoảng 7 giờ thì giải tán để đi làm vườn. Mặc dù, các vườn sầu riêng, vú sữa của Hợp tác xã đã được ứng dụng kỹ thuật trong canh tác hệ thống tưới tự động, hệ thống phun phân,... Tuy nhiên, vẫn còn những khâu cần đến sức người như: điều khiển máy cắt cỏ, phủ gốc siết nước cho vườn sầu riêng,...
Vì thế, các nông dân ở đây vẫn "luôn tay, luôn chân" mỗi ngày. Dẫu vất vả nhưng ai cũng vui và phấn khởi khi vú sữa những năm qua liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu nên giá bán cao. Sầu riêng cũng được thương lái săn đón, doanh nghiệp mời gọi hợp tác với giá trên 100.000 đồng/kg thời điểm nghịch vụ và khoảng 60.000 - 70.000 đồng/kg lúc chính vụ.
Được thành lập từ năm 2007, đến nay Hợp tác xã đã có vú sữa xuất khẩu đi châu Âu. Với quy trình canh tác đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, những quả vú sữa được chăm sóc kĩ, cách ly thời gian sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, quả được bọc trong túi tránh bị côn trùng đục,... có giá bán cho doanh nghiệp trên 50.000 đồng/kg. Một mức giá "chưa từng có" tạo động lực mạnh mẽ đối với các thành viên Hợp tác xã.
"Có năm, vú sữa trúng mùa, lại bán được giá cao. 100 gốc vú sữa của tôi vừa bán cho doanh nghiệp xuất khẩu, vừa bán cho thương lái tiêu thụ thị trường nội địa được trên 500 triệu đồng", ông Cao Thanh Tùng chia sẻ.
Sự hợp tác của ba doanh nghiệp thu mua trên 200 tấn vú sữa xuất khẩu mỗi năm đã chứng minh quan điểm sản xuất theo hướng bền vững, an toàn để tạo sự cạnh tranh trên thị trường của Hợp tác xã là đúng đắn. Đó cũng là "sức hút" để gia tăng quy mô số lượng thành viên Hợp tác xã (từ 27 người lên 45 người) và diện tích sản xuất (từ 25,5 ha tăng lên 45,5 ha, gồm 25,5 ha vú sữa và 20 ha sầu riêng). Hợp tác xã được mở rộng quy mô, đất đai liền kề, có kênh rạch, đê bao khép kín, thuận tiện cho việc tưới tiêu, chăm sóc, trao đổi kinh nghiệm, kiểm soát dịch hại và ứng dụng tưới tự động.
Song song việc các thành viên cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, Hợp tác xã cũng thường xuyên liên kết với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông huyện, các viện, trường hỗ trợ tập huấn, chuyển giao kỹ thuật giúp cây tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Nhẩm tính, Giám đốc Hợp tác xã - Trần Văn Chiến cho biết, riêng năm 2023, tổng doanh thu của các thành viên Hợp tác xã đạt khoảng 32 tỷ đồng.
Nhiều xã viên là tỷ phú
Ông Lê Văn Tám, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phong Điền cho biết, trong số 28 hợp tác xã của địa phương thì Hợp tác xã vườn cây ăn trái Trường Khương A là một trong những hợp tác xã tiêu biểu.
Hợp tác xã thuộc ấp Trường Khương A; nổi bật nhờ hoạt động hiệu quả, các thành viên biết cách chia sẻ cùng nhau làm giàu thông qua chăm sóc cây trồng, hỗ trợ nhau kỹ thuật canh tác. Ngoài hoạt động chính là trồng cây ăn trái, Hợp tác xã còn mở rộng sang mảng dịch vụ chăm sóc cây trồng, dịch vụ sau thu hoạch, cung cấp vật tư đầu vào,...
Không chỉ giải quyết việc làm thường xuyên cho các lao động của địa phương, hàng năm, Hợp tác xã còn quan tâm đến công tác an sinh xã hội như: xây cầu đường, hỗ trợ hội viên nông dân khó khăn, hỗ trợ quà Tết cho người nghèo ở địa phương,...
"Ở ấp Trường Khương A, các ngôi nhà của nông dân thuộc Hợp tác xã Trường Khương A đều to đẹp, kiên cố. Đường làng, ngõ xóm của ấp sạch sẽ, bê tông rộng rãi, thuận tiện cho giao thương buôn bán, vận chuyển hàng hóa", ông Lê Văn Tám cho hay.
Ngoài vú sữa, mỗi năm, Hợp tác xã cung ứng ra thị trường khoảng 350 tấn - 400 tấn sầu riêng Ri6. Nhờ áp dụng kỹ thuật xử lý sầu riêng ra trái nghịch vụ, với giá bán cao, dao động từ 60.000 - 110.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi ha sầu riêng (bình quân khoảng 15 - 20 tấn) nông dân thu lợi nhuận trên 1 tỷ đồng.
Sầu riêng giá cao, trúng mùa, nhiều nông dân ở Trường Khương A thành tỷ phú. Riêng năm 2023, 3 ha sầu riêng độ tuổi 5 - 6 năm, được ông Trần Văn Chiến xử lý cho trái nghịch vụ và bán với giá bán 110.000 đồng/kg đã đem về cho lão nông này nguồn lợi nhuận trên 4 tỷ đồng.
Giờ đây, Hợp tác xã Trường Khương A không chỉ được biết đến là nơi trồng vú sữa có tiếng của Cần Thơ mà còn là "xứ sở" sầu riêng.
Sau nhiều năm gắn bó với cây vú sữa, hiện nhiều diện tích của Hợp tác xã được chuyển dần sang sầu riêng. Theo ông Trần Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã, nguyên nhân là cây vú sữa đã lão hóa, cho quả nhỏ, không đủ kích cỡ xuất khẩu; cây không thể phát triển trên nền đất cũ, dễ bị chết sau khi trồng mới;...
Mặc dù, diện tích vú sữa đã giảm 1/2 so với khi mới thành lập Hợp tác xã và nhường chỗ cho cây sầu riêng nhưng vì đầu ra quả vú sữa còn nhiều dư địa, giá bán cao nên các thành viên vẫn dành phần diện tích để gắn bó với loại cây ăn quả này.
"Song song với việc xin cấp mã số vùng trồng để sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch như quả vú sữa của Hợp tác xã, chúng tôi cũng vận động các thành viên giữ gìn cây vú sữa bằng cách trồng ở diện tích đất mới để cây có thể phát triển", Giám đốc Hợp tác xã bộc bạch.