Hướng tới thị trường gạo chất lượng cao

Đã có những doanh nghiệp mạnh dạn chọn con đường nâng cao chất lượng, tạo mối liên kết sản xuất - tiêu thụ gạo đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe để xuất đi thị trường Mỹ, Nhật, châu Âu… thay vì chỉ tập trung vào thị trường dễ tính như trước đây. Đó là hướng đi đúng, tuy nhiên nhìn ở “thì tương lai”, con đường này vẫn còn nhiều thử thách.

Chuyển hướng kinh doanh

Những năm qua, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam chịu áp lực cạnh tranh mạnh mẽ từ các nước Ấn Độ, Myanmar, Pakistan… nên họ kịp thời chuyển hướng kinh doanh sang thị trường gạo chất lượng cao và đã gặt hái những thành công bằng các loại sản phẩm có nhãn hiệu, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Phát triển gạo đặc sản, chất lượng cao đang là mục tiêu lâu dài của tỉnh Sóc Trăng.

Công ty cổ phần nông nghiệp GAP, trong 3 năm qua đã triển khai dự án trồng hữu cơ 100% trên cây lúa (dự án “Tốt lúa - lợi tôm”) tại hai tỉnh Long An và Tiền Giang. Bà Lê Thị Tú Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty, cho biết: “Nông nghiệp sạch đang là hướng đi đúng đắn, có lợi cho cộng đồng nên khi liên kết với nông dân, công ty đã bao tiêu toàn bộ sản phẩm để xuất sang thị trường Mỹ, châu Âu, Australia và Nhật Bản. Sản phẩm gạo đã được khách hàng đánh giá cao về mặt chất lượng. Cụ thể là sản phẩm hạt gạo thơm ST5 thu được trong dự án “Tốt lúa - lợi tôm” ngoài việc đảm bảo dư lượng thuốc trừ sâu còn được đánh giá cao về phẩm chất như thơm, dẻo, ngọt đậm đà. Một số khách hàng ở Mỹ nhận xét gạo ST5 có chất lượng cao hơn gạo Thái Lan đang bán ở thị trường Mỹ”.

Ngoài ra, kể từ khi thực hiện Quyết định 62/2013/QĐ-TTg về liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, Công ty lương thực Tiền Giang (TIGIFOOD) đã xác định liên kết xây dựng vùng lúa nguyên liệu chất lượng cao và ký hợp đồng tiêu thụ theo giá thị trường cho bà con nông dân với mô hình đặt hàng giống lúa sản xuất. Theo TIGIFOOD, từ năm 2010 đơn vị đã quyết định chuyển mạnh sang thị trường gạo chất lượng cao, thơm, nếp… đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và đã đem lại hiệu quả. Nếu giai đoạn trước năm 2010, TIGIFOOD chỉ xuất bình quân dưới 20% gạo chất lượng cao thì hiện nay tỷ trọng này luôn đạt trên 80%. Đặc biệt trong năm 2013, TIGIFOOD xuất khẩu được trên 83.000 tấn, chiếm gần 83,5% tỷ trọng đến các thị trường khó tính như: Mỹ, Canada, châu Âu, Hongkong, Singapore, Hàn Quốc…

Có thể nói, các doanh nghiệp đã và đang thực hiện đúng hướng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản mà Nhà nước đặt ra cho ngành nông nghiệp cả nước nói chung, vùng ĐBSCL nói riêng.

Quản lý chặt sản xuất, kinh doanh giống lúa

Hướng đến mục tiêu tạo ra hạt gạo có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và thế giới, nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam trên trường quốc tế là điều mà ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL mong muốn. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, con đường nâng cao chất lượng hạt gạo vùng ĐBSCL vẫn còn nhiều chông gai bởi từ hệ lụy của cách tổ chức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ vẫn hiện diện trong tư duy lạc hậu, chậm thay đổi của một bộ phận không ít nhà nông và cả những doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp theo kiểu “ăn xổi”.

Người nông dân thường chỉ nhìn thấy lợi nhuận trước mắt, không tính đến các vấn đề môi trường, sức khỏe, hay chất lượng… vì vậy để đạt được năng suất, họ sẵn sàng lạm dụng phân bón hóa học, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật… vô tội vạ mà không quan tâm sẽ ảnh hưởng đến đầu ra khi xuất khẩu, bán nội địa như thế nào. Với cách sản xuất như vậy đã làm chất lượng hạt gạo ngày càng giảm đi, gạo ngày càng mất thơm, dẻo. Mặt khác, cũng có đơn vị kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật khi triển khai dự án bao tiêu lúa lại ép người nông dân sử dụng thuốc ngừa bệnh định kỳ để gia tăng doanh thu bán hàng, bất chấp có xuất hiện sâu bệnh hay không.

Điều này đã khiến cho việc tổ chức sản xuất hàng hóa quy mô lớn theo hướng nâng cao giá trị gặp nhiều trở ngại trong khi các nhà tiêu thụ bao giờ cũng yêu cầu phải đạt tiêu chí số lượng và chất lượng. “Nhà nước chưa thực sự can thiệp với người nông dân trong việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Tất cả mới chỉ dừng lại ở vấn đề khuyến cáo, chưa có sự quyết liệt trong triển khai, tuyên truyền, vận động, thực thi các chính sách ban hành. Chính vì vậy, doanh nghiệp muốn tìm nguồn nguyên liệu lúa đảm bảo tiêu chuẩn theo yêu cầu của đối tác không phải là điều dễ dàng. Nếu không kiên quyết xử lý tình trạng này thì không thể hạn chế được việc dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên gạo xuất khẩu, ô nhiễm môi trường”, bà Lê Thị Tú Anh khẳng định.

Các doanh nghiệp cũng kiến nghị nhà nước cần thể hiện rõ hơn vai trò “nhạc trưởng” trong mối liên kết 4 nhà bằng việc định hướng, tổ chức sản xuất lớn theo quy trình đạt chuẩn, đáp ứng tiêu chí xuất khẩu. Theo đó, Nhà nước phải có biện pháp để chỉ sử dụng giống xác nhận phù hợp với thị trường xuất khẩu và đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề trước mắt là ngành nông nghiệp của vùng ĐBSCL phải giải quyết được vấn đề tồn tại nhiều năm nay là chưa quản lý chặt sản xuất, kinh doanh giống lúa. Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, đây là điểm yếu nhất của ngành nông nghiệp các tỉnh vùng ĐBSCL dù công tác quản lý giống chiếm tới 30% công việc của ngành. Bởi nếu không nắm được công tác giống sẽ khó kiểm soát chất lượng giống để nâng cao giá trị hạt gạo xuất khẩu.

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, số lượng các cơ sở sản xuất giống, vừa sản xuất vừa kinh doanh giống lúa trên địa bàn các tỉnh vùng ĐBSCL tính đến năm 2015 là 1.362 cơ sở, tăng 271 cơ sở so với năm 2012. Số cơ sở sản xuất, kinh doanh giống lúa tăng nhanh là dấu hiệu tích cực trong sản xuất lúa nhằm đáp ứng nhu cầu của nông dân. Tuy nhiên, việc quản lý số lượng, chất lượng, truy nguyên nguồn gốc giống lúa bày bán trên thị trường là rất cần thiết trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng với các nước trên thế giới.


Anh Đức
Góp sức, chung tay của “bốn nhà”
Góp sức, chung tay của “bốn nhà”

Những khó khăn, vướng mắc trong việc nâng cao chất lượng hạt gạo ở vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ được tháo gỡ bằng việc chung sức của doanh nghiệp, chính quyền địa phương, Nhà nước và nông dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN