Huyện Đăk Hà phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025

Tối 24/3, huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum) tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập huyện (24/3/1994 - 24/3/2024).

Chú thích ảnh
Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập huyện (24/3/1994 - 24/3/2024). Ảnh: Khoa Chương/TTXVN

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn biểu dương và đánh giá cao những thành tựu nổi bật của huyện Đăk Hà trong chặng đường 30 năm thành lập và phát triển. Thời gian tới, Đăk Hà xác định là một trong những cửa ngõ quan trọng trong giao thương của tỉnh, đề ra chiến lược phát triển phù hợp với Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, thu hút đầu tư, tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh hơn.

Đồng thời, huyện tăng cường và tạo chuyển biến trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên, nhất là vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp. Đăk Hà quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, sử dụng cán bộ, chú trọng đội ngũ cán bộ trẻ được đào tạo bài bản về các mặt, cán bộ là người tại chỗ có năng lực, trình độ chuyên môn; khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, chịu trách nhiệm, đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung.

Huyện Đăk Hà được thành lập theo Nghị định số 26, ngày 24/3/1994 của Chính phủ trên cơ sở chia tách 2 xã của huyện Đăk Tô và 4 xã của thị xã Kon Tum vối tổng diện tích tự nhiên hơn 74.924 ha; dân số 29.840 người (trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 53,9%).

Qua 30 năm xây dựng và phát triển, trải qua 6 kỳ Đại hội, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng và cán bộ, đảng viên được nâng lên. Đến nay, toàn huyện có 60 tổ chức cơ sở đảng với 3.410 đảng viên; 100% thôn, làng có tổ chức đảng, hàng năm tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt trên 80%.

Chú thích ảnh
Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn trao tặng Bằng khen cho 3 tập thể và 5 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác và trong lao động, sản xuất, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: Khoa Chương/TTXVN

Vượt qua nhiều khó khăn, thử thách những ngày đầu thành lập, với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân, huyện Đăk Hà đang có những bước đi vững chắc. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, bộ mặt nông thôn mới có nhiều khởi sắc, khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được củng cố, phát huy.

Kinh tế của huyện tăng trưởng liên tục với tốc độ cao; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực với tỷ trọng ngành Nông - Lâm - Thủy sản đạt 37,37%; ngành Công nghiệp - Xây dựng đạt 34,24%; ngành Thương mại - Dịch vụ đạt 28,39%. Thu ngân sách trên địa bàn huyện tăng từ 526 triệu đồng 1994 lên 4,927 tỷ đồng năm 2023. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2023 là 52,44 triệu đồng/năm, tăng gấp 27 lần so với thời điểm mới thành lập huyện. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều còn 4,28%, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đăk Hà Hà Tiến khẳng định, điểm sáng trong 30 năm xây dựng và phát triển của huyện là việc thực hiện thắng lợi chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Với sự quyết tâm cao của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, năm 2012, xã Hà Mòn vinh dự là xã đầu tiên của tỉnh và khu vực Tây Nguyên được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đến nay, toàn huyện có 7/10 xã được công nhận nông thôn mới; 2 xã đạt 19/19 tiêu chí; 100% đường giao thông từ huyện đến xã thôn được cứng hóa, diện mạo nông thôn và đô thị ngày càng khang trang, văn minh, sạch đẹp, an toàn.

Lĩnh vực nông nghiệp phát triển đi vào chiều sâu theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ. Huyện đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ đối với thương hiệu “Cà phê Đăk Hà”, “Gạo thơm Đăk Hà”. Doanh số xuất khẩu cà phê ra thị trường quốc tế khoảng 500 tấn cà phê nhân. Các sản phẩm từ cà phê bột tiêu thụ trong nước khoảng 335 tấn với nhiều sản phẩm như: Cà phê bột nguyên chất; cà phê hòa tan... , được người tiêu dùng trong và ngoài nước lựa chọn, tin dùng.

Bên cạnh đó, lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Đến năm 2023, toàn huyện có 41 trường học (với 30/41 trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt tỉ lệ 73,17%). So với thời điểm mới thành lập huyện, tỷ lệ người mù chữ chiếm 27,6 % dân số thì đến cuối năm 1998, huyện đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học chống mù chữ.

Hoạt động văn hóa, văn nghệ ngày càng đi vào chiều sâu, chất lượng được nâng lên. Công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của dân tộc thiểu số được chú trọng. Tính đến nay, toàn huyện có 58 nhà rông truyền thống, 96 bộ cồng chiêng, 2 Câu lạc bộ văn hóa dân gian, 90 đội cồng chiêng – xoang; 45/47 thôn, làng dân tộc thiểu số có đội cồng chiêng thanh thiếu nhi.

Đến nay, huyện có 83 thôn, làng, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa, chiếm 98,8%; có 11/11 xã, thị trấn được đầu tư xây dựng Đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông, nâng tỷ lệ phủ sóng truyền thanh - truyền hình đạt 100% khu dân cư.

Thời gian tới, huyện Đăk Hà đặt ra mục tiêu quy hoạch vùng huyện, quy hoạch nông thôn các xã, tạo không gian phát triển bền vững; khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của huyện, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững. Bên cạnh đó, huyện phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến, thị trường tiêu thụ; khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế phát triển thương mại - dịch vụ gắn với việc xây dựng các sản phẩm đặc trưng theo chuỗi giá trị; phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện.

Huyện phấn đấu xây dựng thị trấn đạt đô thị văn minh vào năm 2024 và huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025; tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tư tưởng; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh “Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các quy định của Đảng về nêu gương; đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng; thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng và thực hiện chính sách cán bộ đúng quy trình, quy định; chú trọng cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số có năng lực, trình độ.

Chú thích ảnh
Chương trình nghệ thuật “Đăk Hà – Niềm tin chân trời mới” tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Khoa Chương/TTXVN

Tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum tặng Bằng khen cho 3 tập thể và 5 cá nhân, có thành tích xuất sắc trong công tác và trong lao động, sản xuất; góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương.

Trong khuôn khổ chương trình Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập huyện Đăk Hà (24/3/1994 - 24/3/2024), huyện Đăk Hà tổ chức chương trình nghệ thuật “Đăk Hà – Niềm tin chân trời mới” với sự tham gia biểu diễn của trên 200 nghệ sĩ, diễn viên và gần 100 thành viên các Câu lạc bộ văn hóa dân gian trên địa bàn huyện.

Tin và ảnh: Khoa Chương (TTXVN)
Kon Tum kiểm tra, giám sát 12 chương trình, dự án đầu tư công
Kon Tum kiểm tra, giám sát 12 chương trình, dự án đầu tư công

Năm 2024, tỉnh Kon Tum được Trung ương giao giải ngân vốn đầu tư công trên 2.700 tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN