Cụ thể, UBND thành phố Đà Lạt yêu cầu, lãnh đạo 13/15 phường, xã rà soát 61 trường hợp có nguy cơ sạt trượt, nghiêng lún và mất an toàn trên địa bàn phụ trách; khẩn trương hướng dẫn các chủ đầu tư liên hệ đơn vị tư vấn thiết kế, đơn vị khảo sát tổ chức quan trắc công trình và nền đất hiện trạng để làm cơ sở theo dõi chuyển vị, nghiêng lún của công trình và nền đất tại khu vực. Trên cơ sở kết quả quan trắc, đánh giá, các bên liên quan báo cáo cơ quan chức năng về phương án gia cố, khắc phục nghiêng lún, chuyển vị của công trình.
UBND thành phố Đà Lạt cũng yêu cầu, sau khi có kết quả đánh giá, khoanh vùng nguy hiểm nếu không đảm bảo an toàn để xây dựng và đưa vào sử dụng phải có biện pháp, phương án tháo dỡ công trình theo quy định. Trường hợp chủ đầu tư không chấp hành phải lập hồ sơ xử lý vi phạm và làm cơ sở tổ chức cưỡng chế theo quy định.
Đối với các công trình đang xây dựng tại khu vực có nguy cơ sạt lở, các địa phương phải triển khai lực lượng rà soát, kịp thời phát hiện đình chỉ thi công đối với các công trình chưa tuân thủ các điều kiện xây dựng, phòng, chống nguy cơ sạt trượt. Trường hợp các công trình không đảm bảo giải pháp an toàn nhưng không được kiểm tra, giám sát đầy đủ thì lãnh đạo các phường, xã phải chịu trách nhiệm toàn diện trước lãnh đạo UBND thành phố.
Trước đó, Phòng Quản lý Đô thị thành phố Đà Lạt đã phối hợp với các phường, xã trên địa bàn tổng kiểm tra, rà soát những trường hợp xây dựng công trình thuộc vị trí taluy âm/dương, sườn dốc trên địa bàn. Qua kiểm tra 265 công trình, cơ quan chức năng xác định có 62 công trình nguy cơ sạt trượt cao. Do đó, Phòng Quản lý Đô thị thành phố Đà Lạt đã đề xuất UBND thành phố chỉ đạo các phường, xã và đơn vị liên quan khắc phục những thiếu xót trong công tác quản lý nhà nước, chủ động triển khai biện pháp phòng, chống mất an toàn trong xây dựng công trình nêu trên.