Ông Cao Văn Trọng - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre: Việc làm thiết thực giúp dân khởi nghiệp
Là một trong các tỉnh tiên phong trong cả nước phát động phong trào giúp thanh niên khởi nghiệp, tỉnh Bến Tre đã có những việc làm cụ thể thiết thực giúp thanh niên, người dân khởi nghiệp. Khởi nghiệp bắt đầu từ ý tưởng mới và dù lớn hay nhỏ đều thể hiện sự khát khao vươn lên, dấn thân khẳng định bản thân. Góp phần đưa kinh tế tỉnh Bến Tre phát triển, chúng tôi đã triển khai chương trình “Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp” mục tiêu sẽ khơi dậy và hun đúc tinh thần khởi nghiệp, tinh thần doanh nhân trong mọi người dân.
Hiện Nhà nước đang xây dựng nhiều chính sách thúc đẩy khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp hướng đến xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp, cường thịnh, phát triển bền vững. Tư duy năng động, sáng tạo, quyết liệt hành động thì mới có thể thành công. Phát triển doanh nghiệp để tạo nhiều việc làm hơn, thu nhập tốt hơn là chỉ tiêu quan trọng để đánh giá kết quả chỉ đạo, điều hành của các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh.
Kiến tạo môi trường cho khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp là giải pháp quan trọng nhất và tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng rà soát, bổ sung các cơ chế, chính sách khuyến khích khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp; thực hiện hiệu quả hơn việc cải cách thủ tục hành chính và chất lượng dịch vụ công; tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp...
Thực tế cộng đồng khởi nghiệp mới sẽ có nhiều khó khăn, thử thách nhưng với sự hỗ trợ kịp thời của ngành chức năng, cùng với chủ trương đúng đắn của Nhà nước sẽ góp phần tạo ra lực lượng khởi nghiệp mới, năng động, đầy nhiệt huyết giúp tỉnh Bến Tre đạt được nhiều thành công mới trong phát triển kinh tế, ổn định đời sống dân sinh.
Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ: Cần Thơ sẽ trở thành thung lũng khởi nghiệp
Kinh tế Cần Thơ đang liên tục phát triển với tốc độ tăng trưởng ổn định 5,88%/năm, đứng thứ 14/63 tỉnh, thành về chỉ số cạnh tranh. Với hơn 1.000 doanh nghiệp mới ra đời mỗi năm, dự kiến đến năm 2020, Cần Thơ sẽ trở thành thung lũng khởi nghiệp của vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, hoạt động khởi nghiệp ở Cần Thơ cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức như: thiếu kinh nghiệm, thiếu tự tin ở doanh nghiệp trẻ, khó khăn trong việc huy động vốn vay từ các kênh truyền thống như ngân hàng thương mại...
Thời gian tới chúng tôi đặt mục tiêu xây dựng môi trường sáng tạo, đẩy mạnh các chương trình đào tạo cho doanh nhân và doanh nghiệp khởi nghiệp. Hiện UBND TP Cần Thơ đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, đánh giá tình hình thực hiện của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, từ đó đề xuất xây dựng chính sách hỗ trợ khởi sự doanh nghiệp, tổ chức thực hiện kế hoạch khởi sự doanh nghiệp, doanh nghiệp có ý tưởng đổi mới sáng tạo, mang lại hiệu quả cao.
Hiện chúng tôi đã xây dựng và thực hiện chiến lược đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn phù hợp với nhu cầu phát triển của cộng đồng doanh nghiệp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng đội ngũ chuyên gia có năng lực theo từng giai đoạn cụ thể.
Song song đó có những giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin, môi trường pháp lý kinh doanh, tư vấn doanh nghiệp; hỗ trợ xúc tiến thương mại - mở rộng thị trường; thành lập các tổ chức tác động khởi nghiệp; tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo...
Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ: Ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp
Để có nền kinh tế năng động, có sức cạnh tranh, thích ứng với biến đổi khí hậu, ĐBSCL không có cách gì khác là phải phát triển nhanh hơn, nhiều hơn số lượng và chất lượng các doanh nghiệp, trong đó thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp là lựa chọn tốt nhất. Để làm được điều đó, điều đầu tiên là phải có chương trình chung về khởi nghiệp cho vùng ĐBSCL.
Chính vì thế, cần đưa ĐBSCL vào địa bàn ưu tiên trong chương trình khởi nghiệp quốc gia. Ý tưởng về thung lũng khởi nghiệp ở ĐBSCL với trọng tâm là các ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản hệ sinh thái nước ngọt, ven biển, trồng rừng ven biển...), chế biến thực phẩm. Bên cạnh đó, cần nâng cấp các viện nghiên cứu đang có, hỗ trợ thành lập mới hoặc nâng cấp các viện nghiên cứu, kể cả ở các trường đại học có khả năng trong việc nghiên cứu về giống, công nghệ gen, công nghệ sinh học ứng dụng, công nghệ môi trường, công nghệ thông tin.
Ngoài ra, cần có cơ chế và chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ các chương trình đào tạo khởi nghiệp, các cuộc thi khởi nghiệp, tuyển chọn các ý tưởng để giới thiệu đưa lên sàn ý tưởng quốc gia. Đặc biệt, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đổi mới thiết bị, ứng dụng khoa học và công nghệ; đổi mới mô hình quản lý thông qua chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp...
Để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp tại ĐBSCL, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại Cần Thơ đã xây dựng Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng của những đối tượng có khát khao khởi nghiệp, từ đó giải quyết những bất cập trong hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của TP Cần Thơ nói riêng và toàn vùng ĐBSCL nói chung.
Hiện tại, Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp đã được Phòng xây dựng cho giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn 2030 với tên gọi “Mekong Startup”, nhắm tới những mục tiêu cụ thể như: hình thành trung tâm khởi nghiệp với 100 chỗ làm việc giai đoạn 2016 - 2017, kết nối các vườn ươm tạo thành mô hình “đô thị khởi nghiệp” tại TP Cần Thơ đến năm 2020; tạo dựng 1.000 doanh nghiệp mới trong các lĩnh vực về công nghệ, quản trị từ nay đến năm 2020; giải quyết trên 5.000 lao động có chuyên môn trực tiếp tham gia cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và 20.000 lao động kỹ năng làm việc gián tiếp... |