Thiên tai đã làm nhà dân bị đổ sập, tốc mái tại các huyện: Giồng Riềng, Gò Quao, An Biên, U Minh Thượng, Hòn Đất, Tân Hiệp, An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, Giang Thành, Kiên Hải..., ước thiệt hại hơn 1 tỷ đồng.
Cùng với đó, mưa lớn kèm theo dông lốc làm đổ 3 trụ điện ở xã Vĩnh Thuận và khoảng 1 ha lúa Hè Thu ở xã Vĩnh Bình Bắc thuộc huyện Vĩnh Thuận.
Trước đó, do thời tiết xấu trên biển, Cảng vụ Hàng hải Kiên Giang đã tạm dừng hoạt động tất cả các tàu thuyền vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh từ đất liền ra các đảo và ngược lại từ 6 giờ ngày 6/9 để đảm bảo an toàn cho hành khách. Đến 6 giờ ngày 7/9, tàu thuyền vận tải hành khách hoạt động trở lại bình thường.
Theo Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh Kiên Giang Nguyễn Huỳnh Trung, đơn vị đã chủ động tăng cường mở các cống trên địa bàn tỉnh và phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác thủy lợi Miền Nam vận hành mở tất các các cửa cống Cái Lớn, Cái Bé, Xẻo Rô để tiêu thoát nước, chống ngập úng tại những khu vực trũng, thấp.
Các địa phương đã kịp thời thăm hỏi các gia đình bị thiệt hại, hỗ trợ giúp người dân khắc phục hậu quả thiên tai.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, huyện theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.
Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh tổ chức trực ban 24/24h, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thông tin cho các ngành, các địa phương và tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo phòng tránh, ứng phó kịp thời.
Tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các sở, ban, ngành và huyện, thành phố chủ động ứng phó với ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3 sẽ có mưa dông, sóng to, gió lớn...; triển khai thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”; chuẩn bị lực lượng xung kích, phương tiện sẵn sàng ứng phó, hỗ trợ người dân khi tình huống xấu xảy ra.