Lào Cai chủ động phòng chống đói, rét cho đàn gia súc

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại gia súc do rét đậm, rét hại, các địa phương và cơ quan chuyên môn của tỉnh Lào Cai đang triển khai đồng bộ giải pháp phòng chống đói, rét cho đàn gia súc vụ Đông Xuân 2022 - 2023.

Chú thích ảnh
Người dân thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, chăm sóc đàn trâu trong những ngày đông giá rét. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết mùa Đông Xuân năm 2022 - 2023 diễn biến rất phức tạp, khó lường. Không khí lạnh có khả năng hoạt động sớm. Nhiệt độ các tháng 11, 12/2022 ở các tỉnh miền Bắc có khả năng thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 0,5 đến 1 độ C. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại gia súc do rét đậm, rét hại, các địa phương và cơ quan chuyên môn trên địa bàn đang triển khai đồng bộ giải pháp phòng chống đói, rét cho đàn gia súc vụ Đông Xuân 2022 - 2023.

Lào Cai là tỉnh miền núi, có địa hình tương đối cao. Vào mùa đông, thời tiết khắc nghiệt, thường xuất hiện những đợt rét đậm, rét hại, gây bất lợi cho việc chăn thả gia súc, lượng thức ăn xanh tại các đồi cỏ tự nhiên không còn đáp ứng đủ cho gia súc.

Từ đầu tháng 9, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo đội ngũ khuyến nông cơ sở tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi dự trữ thức ăn thô, xanh và bổ sung thức ăn tinh cho gia súc; yêu cầu các địa phương chỉ đạo người dân tận dụng đất quanh nhà, ven đường, đồi bãi để gieo ngô dày, trồng cỏ… làm thức ăn cho gia súc.

Cùng với việc đảm bảo về chuồng trại, các hộ chăn nuôi trên địa bàn Si Ma Cai đã chủ động nguồn thức ăn đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng vật nuôi. Toàn huyện Si Ma Cai hiện có khoảng 1.500 ha cỏ voi, ngô dày được trồng để có thêm nguồn thức ăn cho đàn đại gia súc. Cùng với diện tích cỏ voi đã được trồng lên xanh tốt, thức ăn khô cũng đã được gia đình chị Lèng Thị Phân ở thôn Bản Mế 2, xã Bản Mế, huyện Si Ma Cai chuẩn bị chu đáo, nhằm bảo vệ đàn đại gia súc trị giá hàng trăm triệu đồng của gia đình.

Chị Lèng Thị Phân chia sẻ, nghe nói mùa đông năm nay lạnh hơn năm trước nên gia đình phải chuẩn bị trước thức ăn để ngựa không bị đói. Nếu thời tiết lạnh nhiều thì sẽ cho ngựa ăn thêm các loại thức ăn khác và đốt lửa ngoài chuồng để sưởi.

Ngay từ thời điểm này, khi nông dân vùng cao thu hoạch lúa mùa sớm, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương vận động, hướng dẫn người chăn nuôi tích trữ rơm, rạ làm thức ăn cho đàn đại gia súc. Tại xã vùng cao của các huyện Bát Xát, Mường Khương… người chăn nuôi đã chủ động thu gom, phơi khô rơm, tích trữ rơm, rạ sau vụ gặt.

Gia đình anh Thào A Chả, thôn Pờ Hồ, xã Trung Lèng Hồ (Bát Xát) nuôi 3 con trâu. Cứ sau mỗi vụ gặt, anh lại tranh thủ những ngày nắng thu gom, phơi khô rơm cất vào bao tải, mang về nhà làm thức ăn dự trữ cho đàn trâu trong mùa đông. Theo anh Thào A Chả, mặc dù chỉ có 3 con trâu nhưng vẫn phải tích trữ khoảng 50 bao rơm khô làm thức ăn dự trữ trong mùa đông.

Thời tiết ở Trung Lèng Hồ mùa đông rất khắc nghiệt để bảo vệ đàn trâu khỏi giá rét, phải nhốt trong chuồng, che chắn cẩn thận bằng bạt. Thức ăn khô phải dự trữ ngay từ tháng 9 vì mùa đông cây cỏ xơ xác, gần như không có thức ăn xanh. Không riêng anh Chả, hầu hết những gia đình nuôi đại gia súc (trâu, bò, ngựa) ở vùng cao huyện Bát Xát cũng chủ động tích trữ rơm, rạ, thức ăn xanh,  tinh bột cho đàn đại gia súc vượt qua mùa đông giá rét.

Ông Tráng A Khoa, thôn Làng Mới, xã Sàng Ma Sáo đã chuẩn bị khoảng 30 bao tải rơm phơi héo, ủ chua và trồng thêm ngô dày làm thức ăn cho trâu trong mùa đông bởi đây tài sản lớn đối với gia đình. Rút kinh nghiệm nhiều năm trước, năm nay ông Khoa không để rơm khô mà ủ chua để làm thức ăn cho trâu trong mùa đông vì dễ hấp thụ và nâng cao sức đề kháng. Ngoài ra, ông còn trồng ngô dày để bổ sung một phần thức ăn xanh cho đàn trâu trong mùa đông.

Tương tự, ông Liềng Văn Lả, thôn Na Hạ, xã Lùng Vai (Mường Khương) cũng trồng cỏ ngọt, ngô dày, chuẩn bị tích trữ rơm khô làm thức ăn cho 10 con trâu của gia đình trong mùa đông. Gia đình ông Lả phát triển kinh tế bằng mô hình nuôi trâu vỗ béo nên việc đảm bảo sức cho đàn trâu trong mùa đông rất quan trọng. Ông Lả cho rằng, việc đảm bảo được thức ăn trong mùa đông là yếu tố quyết định giúp đàn trâu khỏe mạnh, đề kháng tốt, vẫn phát triển và béo tốt ngay cả khi thời tiết chuyển rét đậm, rét hại.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, Lào Cai hiện có hơn 170.000 con đại gia súc. Địa phương xác định chủ động sớm trong khâu chuẩn bị thức ăn và chuồng trại gia súc trước mùa đông sẽ góp phần quan trọng trong việc duy trì và phát triển tổng đàn gia súc, ổn định kinh tế cho người dân, giảm tỷ lệ gia súc chết do đói, rét trong mùa đông.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai vừa có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan chuyên môn xây dựng phương án phòng chống đói, rét cho đàn gia súc vụ Đông Xuân 2022 - 2023 trên địa bàn; đồng thời kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống đói, rét cho đàn gia súc.  

Ngành nông nghiệp yêu cầu các địa phương nghiên cứu, bố trí nguồn kinh phí xây dựng mô hình điểm sử dụng máy ép rơm, cỏ khô hỗ trợ cho nhóm hộ, tổ hợp tác chăn nuôi để nâng cao chất lượng và số lượng thức ăn khô dự trữ, đồng thời phòng ngừa hoả hoạn do gác nhiều rơm trên mái nhà, mái bếp.

Ngoài ra, người dân tăng cường các biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng đàn gia súc để tăng sức đề kháng. Những ngày mưa rét, nhiệt độ dưới 12 độ C không chăn thả gia súc, cung cấp đủ thức ăn thô xanh, bổ sung thức ăn tinh và các loại vitamin, cho uống nước ấm có pha thêm muối hoặc nước gừng giúp gia súc giữ thân nhiệt - ngành chức năng khuyến cáo.

Bên cạnh đó, người dân cần thu gom triệt để rơm rạ, các loại cỏ thân mềm phơi khô, bảo quản, dự trữ; tận dụng thân cây ngô, lạc, ngọn mía, bã mía, cỏ trồng và cỏ tự nhiên để chế biến, dự trữ bằng hình thức ủ chua, ủ men vi sinh; gieo ngô dày làm thức ăn bổ sung cho đàn gia súc. Số lượng rơm, cỏ khô dự trữ cho mỗi trâu, bò tối thiểu từ 200 kg/con trở lên; thức ăn tinh dự trữ để bổ sung cho gia súc trưởng thành bình quân 1,0 kg/con/ngày, gia súc non 0,3 - 0,5 kg/con/ngày.

Đặc biệt, với những hộ chăn thả gia súc trong rừng, trước tháng 11/2022 phải thực hiện xong việc di chuyển đàn gia súc về chăn thả và nuôi nhốt tại chuồng hoặc đến những nơi kín gió có đủ các điều kiện đảm bảo cho đàn gia súc tránh rét.

Trường hợp di chuyển đàn gia súc đến các địa phương khác tránh rét phải có giấy chứng nhận tiêm phòng của UBND xã nơi di chuyển đi; thực hiện khai báo với UBND xã nơi di chuyển đến để quản lý dịch bệnh; làm lán trại tạm để giữ ấm cho gia súc, định kỳ tiêu độc, khử trùng khu vực nuôi nhốt gia súc; thường xuyên thu gom phân, rác đảm bảo vệ sinh môi trường

Các hộ chăn nuôi thực hiện tẩy ký sinh trùng cho đàn gia súc trước mùa Đông; vỗ béo gia súc gầy, xuất bán gia súc đến tuổi giết thịt nhằm giảm bớt khó khăn cho việc phòng chống đói, rét và hạn chế thiệt hại trong mùa Đông; thực hiện các biện pháp phòng, trị bệnh gia súc, gia cầm thường mắc trong mùa Đông cước chân, bệnh đường hô hấp…

Cùng đó, các hộ chăn nuôi cần dọn vệ sinh chuồng nuôi hàng ngày, đảm bảo luôn khô ráo; định kỳ tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi 01 lần/tuần; làm hố chứa phân, nước tiểu gia súc riêng; xử lý phân gia súc bằng phương pháp ủ nhiệt hoặc ủ men vi sinh; không tích trữ phân gia súc trong chuồng đang nuôi nhốt gia súc.

Hương Thu (TTXVN)
Cơ hội mới từ chăn nuôi đại gia súc
Cơ hội mới từ chăn nuôi đại gia súc

Mô hình chăn nuôi đại gia súc tập trung đang được tỉnh Yên Bái khuyến khích, hỗ trợ đã mang lại cho người chăn nuôi hiệu quả kinh tế cao, lan tỏa rộng khắp với quy mô ngày càng lớn. Từ đó, mở ra cơ hội bứt phá mới góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển theo hướng hàng hóa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN