Các biện pháp này đã được triển khai có hiệu quả giúp đảm bảo sức khỏe cho các em khi tới trường, đồng thời duy trì tốt tỷ lệ chuyên cần trong những ngày mưa rét.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khi nhiệt độ dưới 10 độ C, học sinh sẽ được nghỉ học. Tuy nhiên, nếu áp dụng theo đúng quy định này, số ngày nghỉ của học sinh ở nhiều địa phương của Lào Cai sẽ rất lớn, không bảo đảm đủ số tiết học trong năm. Do đó, các địa phương vùng cao như Bắc Hà, Sa Pa, Si Ma Cai... buộc phải áp dụng linh hoạt quy định này tùy theo tình hình thời tiết và thực tế cơ sở vật chất ở trường học.
Ngày 18/12, khi nhiệt độ trên địa bàn dao động trong khoảng từ 5-8 độ C, chỉ có một trường duy nhất trên địa bàn huyện Sa Pa phải cho học sinh nghỉ học là Trường Tiểu học Sa Pa với 35 lớp gồm 1.229 học sinh. Tại các trường học khác trên địa bàn thị xã, việc dạy và học vẫn diễn ra bình thường. Theo ông Đỗ Văn Tân, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa, việc cho học sinh nghỉ tránh rét do các trường chủ động trên cơ sở nắm bắt tình hình thời tiết thực tế: "Bởi vì ở Sa Pa có nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau, ví dụ như khu vực từ xã Mường Hoa trở xuống thường ấm hơn. Chính vì lẽ đó, UBND thị xã có văn bản chỉ đạo vào những ngày nhiệt độ xuống dưới 6 độ C, Hiệu trưởng các trường sẽ chủ động quyết định việc nghỉ học, thông báo tới phụ huynh học sinh; đồng thời, báo cáo cho Phòng Giáo dục và UBND thị xã nắm bắt".
Ông Tân cho biết thêm, một số trường học, mặc dù thời tiết khắc nghiệt nhưng vẫn duy trì việc dạy và học bình thường, bởi nhà trường được trang bị đầy đủ mọi điều kiện vật chất; thậm chí học sinh đi học còn đảm bảo giữ ấm tốt hơn ở nhà và không làm đảo lộn thời gian, công việc của phụ huynh. Do vậy, trong những ngày rét đậm, rét hại trên địa bàn Sa Pa, tỷ lệ chuyên cần học sinh các khối Trung học Cơ sở, Tiểu học giảm không đáng kể với khoảng 0,3%.
Để làm được điều đó, ông Đỗ Văn Tân cho biết, công tác phòng, chống rét cho học sinh đã được ngành Giáo dục và Đào tạo Sa Pa quan tâm và chủ động từ đầu năm học. Cụ thể, từ nguồn đầu tư của thị xã Sa Pa và Sở Giáo dục và Đào tạo, hơn 10 tỷ đồng đã được Sa Pa dùng để duy tu sửa chữa phòng học như: cửa sổ, cửa chính, lợp lại mái, lát lại nền và các hạng mục cơ bản trường lớp trong công tác phòng chống rét. Cùng đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo cùng các trường đã sử dụng nguồn chi thường xuyên và nguồn vận động xã hội hóa để bổ sung các trang thiết bị giữ ấm cho học sinh đặc biệt tại các trường vùng cao, khó khăn như: chăn, ga, đệm, gối... ; chỉ đạo các đơn vị trường học không cho học sinh tập trung ngoài trời, hoạt động học tập chủ yếu diễn ra trong lớp.
Đặc biệt, trong điều kiện thời tiết giảm sâu tại Sa Pa, ngành Giáo dục thị xã đã cải tạo nâng cấp hạ tầng điện cho các trường, bổ sung thiết bị sưởi ấm cho học sinh nhất là học sinh mầm non. Hiện nay, tất cả các điểm trường có điện lưới tại Sa Pa đều được Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp lò sưởi ấm trong lớp học, giúp học sinh không bị lạnh rét trong quá trình học tập; trang bị xốp trải nền lớp học cho tất cả các điểm trường bậc mầm non để học sinh không bị lạnh trong quá trình sinh hoạt tại lớp. Trong các bữa ăn, nhà bếp giữ ấm thức ăn bằng cách khi học sinh ngồi vào bàn ăn mới múc thức ăn...
Huyện Si Ma Cai hiện có gần 4.000 học sinh bán trú, nội trú, chiếm khoảng 50% tổng số học sinh. Thực hiện chống rét theo phương châm “3 cần”, tại các địa bàn khó khăn, các thầy cô tích cực huy động các nguồn xã hội hóa để trang bị thêm quần áo ấm, mũ len, khăn quàng, giày ủng cho học sinh. Các trường có học sinh nội trú, bán trú quan tâm xây dựng thực đơn, đảm bảo chế độ ăn hợp lý, đủ dinh dưỡng, nước uống phải đủ nóng; phòng ngủ không để gió lùa, có đủ chăn ấm. Các điểm trường phối hợp cùng với phụ huynh dự trữ củi để sưởi ấm cho các em. Cùng với đó, các khu bán trú cũng được cấp thêm chăn, chiếu và che chắn các cửa sổ bảo đảm nhiệt độ phòng. Nhờ vậy, mặc dù thời tiết không thuận lợi, nhưng tỷ lệ chuyên cần của nhiều trường học những ngày qua vẫn được đảm bảo, các hoạt động dạy và học của thầy trò các nhà trường vẫn diễn ra bình thường.
Bà Nguyễn Kiều Oanh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Si Ma Cai chia sẻ: những ngày rét đậm, rét hại, tỷ lệ chuyên cần của học sinh toàn huyện vẫn đạt ở mức cao (mầm non đạt 97,5%; Tiểu học 99,3%; Trung học cơ sở 97,7%), chưa có trường học nào phải cho học sinh nghỉ học vì nhiệt độ xuống thấp. Để chủ động công tác phòng chống rét đảm bảo sức khỏe cho học sinh học tập, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu hiệu trưởng các đơn vị trường học tổ chức tuyên truyền phụ huynh học sinh để giữ ấm cho học sinh khi đến trường học tập và sinh hoạt (đi học phải có giày dép, áo ấm, mũ len…). Phòng lưu ý căn cứ vào điều kiện mỗi vùng, các trường có thể điều chỉnh thời gian học tập hợp lý, không bắt học sinh phải mặc đồng phục nếu không đủ ấm; hạn chế tổ chức các hoạt động tập trung học sinh ngoài trời. Giáo viên có trách nhiệm hướng dẫn học sinh đi học đều và đi đến nơi về đến chốn, tránh bị nhiễm lạnh.
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn trường học trong mùa rét, trong công văn chỉ đạo phòng, chống rét cho học sinh mới đây, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai Dương Bích Nguyệt yêu cầu các phòng giáo dục và các đơn vị trường học bên cạnh việc nghiêm túc triển khai thực hiện nhiều nội dung phòng, chống rét cho học sinh cần đặc biệt lưu ý việc phòng chống cháy, nổ khi sử dụng các thiết bị/bếp sưởi ấm cho học sinh.
Dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Lào Cai cho thấy, mùa Đông Xuân năm 2020-2021, Lào Cai sẽ trải qua nhiều đợt rét đậm, rét hại nặng hơn so với nhiều năm trở lại đây. Hiện, không khí lạnh vẫn đang tăng cường xuống Lào Cai nên trong một vài ngày tới, nhiệt độ các khu vực trong tỉnh vẫn sẽ tiếp tục giảm sâu. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai đã yêu cầu các đơn vị trường học trên địa bàn tiếp tục theo dõi tình hình thời tiết để điều chỉnh, bố trí lịch học và khung giờ học phù hợp.