Qua thăm đồng, ngành nông nghiệp phát hiện nhiều diện tích gieo sạ muộn bị nhiễm muỗi hành ( hay gọi sâu năn) và có thể ảnh hưởng rất lớn cho vụ lúa tiếp theo.
Nguyên nhân lúa bị nhiễm sâu năn do năm nay, nước không cao nhưng lại kéo dài và rút rất chậm, kết hợp với thời tiết mưa trái mùa. Song song đó, Long An vẫn còn hàng nghìn ha lúa gieo sạ chậm hơn, so với lịch thời vụ.
Để đảm bảo vụ Đông Xuân thắng lợi, theo ông Nguyễn Chí Thiện, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, hiện ngành nông nghiệp đề nghị Phòng nông nghiệp các huyện thực hiện nhiều giải pháp phòng trừ dịch bệnh. Cụ thể, các đơn vị liên quan tập trung chỉ đạo, vận động nông dân xuống giống dứt điểm trước ngày 30/12 và gieo sạ thưa khoảng 100 kg/ha (gieo sạ dày có nguy cơ nhiễm sâu năn cao, cây lúa rất khó phát triển để phục hồi); thực hiện 3 giảm, 3 tăng (giảm lượng giống gieo, giảm lượng phân bón, giảm thuốc trừ sâu) và chương trình IPM ( là một quy trình có thể sử dụng để giải quyết các vấn đề về dịch hại đồng thời giảm thiểu rủi ro đối với con người và môi trường); bảo vệ thiên địch, thăm đồng thường xuyên để xử lý kịp thời.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh khuyến cáo người dân không nên phun ngừa thuốc trừ sâu ngừa, hoặc phun thuốc sớm vì giá phân bón, thuốc hiện khá cao. Nông dân cần tăng cường sử dụng các phân vi sinh hữu cơ để kích hoạt được phân lân còn ở trong đất để tiết kiệm phân, cũng như giảm hàm lượng đạm. Trường hợp các chân ruộng bị sâu năn, nông dân sử dụng phân bón lá nhằm tăng cường kích thích rễ, giúp cho cây lúa phục hồi và vượt qua bệnh.
Ngoài ra, ngành Nông nghiệp tỉnh Long An khuyến cáo các doanh nghiệp duy trì cánh đồng lớn sản xuất theo chuỗi giá trị. Các doanh nghiệp, hợp tác xã là phải chủ động gắn kết trong sản xuất, tiêu thụ. Qua đó, vừa chủ động thực hiện tốt việc gieo sạ đồng loạt, áp dụng các phương pháp phòng trừ dịch bệnh, vừa tránh trường hợp được mùa, mất giá đã xảy ra trong những năm qua.