Nhờ chú trọng phát triển theo hướng hàng hóa, sản phẩm bí xanh Tìa Dình hiện nay đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, trở thành cây trồng chủ lực của xã Tìa Dình nói riêng cũng như huyện Điện Biên Đông nói chung trong xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế của địa phương.
Trên những sườn đồi ở bản Chua Ta A, xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông nay đã không còn sự xuất hiện nhiều của cây ngô, cây sắn hay lúa nương, thay vào đó là một màu xanh mới của cây bí xen lẫn nhiều loại cây trồng khác.
Bí ở Tìa Dình không được trồng thành vườn bởi phụ thuộc vào địa hình chủ yếu là đồi núi nên người dân trồng rải rác ở khắp các sườn đồi, nơi mà trước đây chủ yếu được trồng ngô, sắn, lúa nương. Cũng do địa hình và phong tục tập quán của người dân vùng cao nên cây bí ở đây cũng không được trồng thành giàn mà để cho cây bò lan tự nhiên dưới mặt đất, xen canh với nhiều loại cây trồng khác. Thời điểm này đang vào giữa tháng 9, người dân Tìa Dình cũng bắt đầu vào vụ thu hoạch bí.
Theo ông Tráng A Lầu, Phó Chủ tịch UBND xã Tìa Dình, bí xanh là loại cây được trồng tại xã từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, trước đây người dân chủ yếu trồng tự phát, manh mún, phục vụ nhu cầu gia đình là chính nên năng suất, sản lượng thấp. Từ năm 2018, được sự quan tâm của chính quyền huyện Điện Biên Đông, xã Tìa Dình đã chú trọng phát triển cây bí theo Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Chính quyền xã Tìa Dình đã cùng với ngành nông nghiệp huyện Điện Biên Đông vận động bà con mở rộng diện tích, phát triển cây bí xanh theo hướng hàng hóa.
Đến nay, toàn xã Tìa Dình có hơn 80 ha diện tích trồng bí với hơn 100 hộ dân trên địa bàn 5 thôn, bản tham gia, chủ yếu là bà con người dân tộc Mông. Thực tế cho thấy nếu so sánh với các loại cây trồng khác như ngô, lúa nương, sắn… trên cùng một đơn vị diện tích thì bí xanh mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần. Giống bí xanh Tìa Dình là loại bị ruột đặc, quả chắc và rất thơm, dễ bảo quản, phù hợp vận chuyển xa nên rất thuận lợi với bà con.
Anh Giàng A Xìa, bản Chua Ta A, xã Tìa Dình, cho biết: Cây bí xanh được người dân trồng trên nương. Bà con chỉ phải phát nương, làm cỏ khi bắt đầu mùa vụ, còn lại để cho cây bí phát triển tự nhiên, không tốn công chăm sóc. Sau khi thu hoạch, quả bí xanh được người dân bán trực tiếp tại vườn cho hợp tác xã từ 7.000-8.000 đồng/kg. Với hơn 1.000 m2 đất trồng bí được chuyển đổi từ trồng ngô trước đây do không có đầu ra, gia đình anh Giàng A Xìa thu về hơn 8 triệu đồng, hiệu quả hơn nhiều so trước đây.
Ðể phát triển sản phẩm bí xanh và hỗ trợ đầu ra cho người dân, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện thành lập Hợp tác xã Tìa Dình để xây dựng liên kết chuỗi với sự tham gia của nhiều hộ dân.
Ông Giàng A Sử, Giám đốc Hợp tác xã Tìa Dình, xã Tìa Dình, cho biết: Hợp tác xã Tìa Dình đã cùng chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các thành viên và người dân đầu tư chăm sóc, mở rộng diện tích trồng và quan tâm đến các khâu từ thu hoạch, bảo quản sao để đảm bảo chất lượng khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, hợp tác xã đã tăng cường liên hệ với các đơn vị, doanh nghiệp tìm đầu ra tiêu thụ ổn định cho sản phẩm bí xanh, không để người dân rơi vào tình trạng không có đầu ra.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên Đông, năm 2020 diện tích trồng bí xanh của xã Tìa Dình là 22 ha, năng suất đạt 2,5 tấn/ha, sản lượng 55 tấn quả. Đến năm 2021, xã đã mở rộng diện tích lên hơn 80 ha với sản lượng ước đạt hơn 200 tấn quả.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên Đông, cho biết: Đối với cây trồng trên nương, đặc biệt là cây trồng trên đất dốc, những năm qua ngành nông nghiệp huyện Điện Biên Đông đã xây dựng một số sản phẩm cây đặc sản của địa phương như: cây bí xanh của xã Tìa Dình, lạc đỏ ở xã Na Son và khoai sọ ở xã Phì Nhừ.
Những sản phẩm này hiện đã được tỉnh Điện Biên công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, trở thành những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương. Chính quyền huyện Điện Biên Đông, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các xã cũng đã tích cực kết nối một số đơn vị, doanh nghiệp để ký kết hợp đồng, bao tiêu sản phẩm cho bà con.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp huyện cũng đã đưa các sản phẩm OCOP của địa phương tham gia triển lãm tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh với mục tiêu là các sản phẩm OCOP của Điện Biên Đông không chỉ có chỗ đứng vững chắc trên thị trường nội tỉnh mà còn xuất bán đi các tỉnh, thành.