Nhờ được vay vốn từ đề án “Hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” của Chính phủ, chị Ảnh triển khai mô hình trồng bưởi da xanh ruột hồng và thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Đưa chúng tôi tham quan vườn bưởi xanh mướt, chị Danh Thị Kim Ảnh chia sẻ: Trước đây, gia đình chị khó khăn lắm, chủ yếu trồng lúa thu nhập thấp lại bấp bênh. Khu vườn khoảng 4.000 m2 hầu như bỏ hoang vì không có vốn cải tạo. Sau một thời gian tìm tòi, tích lũy vốn, chị tìm mua 20 gốc bưởi da xanh ruột hồng từ tỉnh Đồng Tháp về trồng thử. Kết quả cho thấy đây là giống bưởi phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng vùng đất này. Tuy nhiên, chị lại thiếu vốn để làm mô hình. Trong dịp sinh hoạt Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Mong Thọ B năm 2017, chị mạnh dạn đề xuất ý tưởng khởi nghiệp của mình và được hỗ trợ vay vốn 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách theo đề án “Hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”.
Từ nguồn vốn vay, chị Ảnh cải tạo 1.000 m2 đất vườn, trồng thêm 100 gốc bưởi da xanh ruột hồng. Chị được tham gia lớp tập huấn trồng trọt, được kỹ sư nông nghiệp hướng dẫn thêm về kỹ thuật trồng, chăm sóc, bón phân, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Đến năm 2020, mô hình trồng bưởi da xanh ruột hồng của chị Danh Thị Kim Ảnh bắt đầu cho thu hoạch. Với 1.000 m2 trồng bưởi, chị Ảnh thu hoạch được gần 4 tấn quả, giá mua khoảng 45.000 - 50.000 đồng/kg, thu được 180 - 200 triệu đồng, trừ chi phí lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng.
Sau khi có lợi nhuận, chị Ảnh trồng thêm 200 gốc bưởi da xanh ruột hồng, mở rộng diện tích lên 4.000 m2. Chị cho biết, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Châu Thành mới hỗ trợ cho vay vốn của Ngân hàng Chính sách 100 triệu đồng để chị cải tạo hệ thống nước tưới, mương dẫn nước, giúp việc tưới tiêu thuận lợi, đảm bảo bưởi sinh trưởng tốt hơn. Dự kiến hai năm tới, khi 4.000 m2 trồng bưởi da xanh ruột hồng cho thu hoạch đều, bình quân gia đình chị Ảnh thu được 300 - 400 triệu đồng/năm.
Chất lượng bưởi da xanh ruột hồng ngon ngọt, múi mọng nước, hiện được thị trường rất ưa chuộng. Trong buổi trưng bày các sản phẩm từ các mô hình phụ nữ khởi nghiệp tỉnh Kiên Giang năm 2020, nhiều chị đã đánh giá cao và khen ngợi chất lượng bưởi từ mô hình khởi nghiệp của chị Danh Thị Kim Ảnh.
Theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Mong Thọ B Huỳnh Thị Ngọc Vàng, Hội tạo điều kiện cho các chị đăng ký tham gia khởi nghiệp để được hưởng nguồn vốn vay từ đề án “Hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, đặc biệt ưu tiên các chị có phương án làm ăn phát triển. Chị Danh Thị Kim Ảnh có định hướng khởi nghiệp rõ ràng, quá trình làm mô hình luôn cần cù, siêng năng, triển khai theo đúng quy trình trồng trọt và đạt hiệu quả kinh tế cao. Thành công từ mô hình này tạo động lực cho bà con địa phương học hỏi, làm theo. Nhiều hộ đã triển khai mô hình đã gặt háithành công như chị Ảnh, giúp ổn định kinh tế, cải thiện đời sống gia đình.
Chị Danh Thị Kim Ảnh chia sẻ: “Để đạt được thành công trong khởi nghiệp, tôi phải nỗ lực rất nhiều, có niềm đam mê và tinh thần vượt khó. Với kinh nghiệm của tôi, chị em cần biết được mình đam mê làm gì để có hướng khởi nghiệp phù hợp. Khi đã theo đuổi, cần chịu khó, kiên trì và không ngừng học hỏi các chị khác, có sự hợp tác với các cấp Hội, cơ quan chức năng để được hỗ trợ khi cần thiết”.
Theo Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kiên Giang, thời gian tới, Hội tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động hợp tác xã, tổ hợp tác và hỗ trợ thành lập mới theo nhu cầu nguyện vọng của phụ nữ. Đồng thời, Hội tổ chức các hoạt động biểu dương gương điển hình khởi nghiệp tiêu biểu, khởi sự thành công, kết hợp với trưng bày sản phẩm do phụ nữ sản xuất tại địa phương, gắn với chia sẻ, kết nối các doanh nghiệp, hợp tác xã, phụ nữ kinh doanh, nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm...