Một góc Nhà máy Alumin Nhân Cơ.
|
Đang trong quá trình chạy thử
Nhà máy đi vào hoạt động đánh dấu “bước ngoặt” trong phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản của TKV, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Nông nói riêng và Tây Nguyên nói chung.
Dự án nhà máy Alumin Nhân Cơ là công trình công nghiệp trọng điểm được Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam xây dựng từ tháng 6/2007, với tổng mức đầu tư hơn 16.800 tỷ đồng, công suất (điều chỉnh) 650.000 tấn Alumin/năm. Đến nay, Nhà máy đã cơ bản hoàn thành việc đầu tư xây dựng và đang trong quá trình chạy thử. Dự kiến trong quý I/2017, nhà thầu EPC sẽ bàn giao nhà máy cho TKV để đưa vào sản xuất.
Theo ông Đặng Thanh Hải - Tổng Giám đốc Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, việc thăm dò, khai thác, chế biến Bôxit và luyện Alumin là chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên.
Thực hiện chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, từ năm 2006, TKV đã tiến hành đầu tư Dự án Tổ hợp Bôxit - Nhôm Lâm Đồng (Dự án Tân Rai) và Dự án Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ - Đắk Nông (Dự án Nhân Cơ).
Xác định lĩnh vực khai thác Bôxit, sản xuất Alumin, nhôm là một lĩnh vực công nghiệp mới, Việt Nam chưa có kinh nghiệm cho nên để hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ giao, TKV đã ưu tiên dành các nguồn lực (tài chính, nhân lực, kinh nghiệm quản lý...) để đẩy nhanh quá trình đầu tư xây dựng cho hai dự án.
Sau nhiều nỗ lực của TKV, các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương tỉnh Đắk Nông, đến nay dự án đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng, chạy thử ra sản phẩm Alumin, chuẩn bị đưa vào vận hành sản xuất thương mại.
Ông Đặng Thanh Hải đánh giá, Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ là một trong hai dự án thử nghiệm quan trọng, có tính quyết định đến việc phát triển ngành công nghiệp Bôxit - Alumin - Nhôm của Việt Nam.
Quá trình đầu tư xây dựng, vận hành dự án, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, các nhà thầu và các cơ quan quản lý nhà nước đã thu được các kinh nghiệm quý báu về công nghệ, thị trường và môi trường, để phục vụ cho việc triển khai tiếp các dự án khác, thực hiện chủ trương phát triển ngành công nghiệp khai thác Bôxit, sản xuất Alumin - Nhôm của Đảng, Chính phủ.
Còn ông Hoàng Hải Quốc Minh - Giám đốc Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV phấn khởi cho biết, tính đến ngày 2/2/2017, nhà máy đã sản xuất được 60.000 tấn Alumin, 33.000 tấn hydroxit nhôm. Trong tháng 2, công ty sẽ xuất các lô hàng hydroxit nhôm sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc.
Đột phá trong công nghiệp Bôxit - Nhôm
Sau khi Nhà máy Điện phân Nhôm Đắk Nông do Công ty TNHH Luyện Kim Trần Hồng Quân đầu tư đi vào hoạt động, sản phẩm Alumin chủ yếu sẽ được cung cấp cho nhà máy điện phân Nhôm Đắk Nông. Phần sản phẩm Alumin mà Nhà máy Điện phân Nhôm Đắk Nông không tiêu thụ hết sẽ được xuất khẩu. Như vậy, dự án đã đạt được mục tiêu đầu tư là khai thác quặng Bôxit, sản xuất ra Alumin phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Theo ông Minh, Nhà máy Alumin Nhân Cơ đi vào hoạt động không chỉ đánh dấu bước ngoặt trong quá trình mở rộng khai thác khoáng sản của TKV ở Tây Nguyên mà còn tạo dựng được diện mạo mới trong quá trình phát triển của địa phương.
Dự án này khi đi vào hoạt động sẽ góp phần đáng kể trong tăng trưởng GDP, tăng các nguồn thu cho ngân sách của tỉnh Đắk Nông, tạo thêm nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người dân, góp phần tạo đà phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Nông theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo mục tiêu chung của Đảng và Nhà nước.
Trong quá trình triển khai dự án, Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã tuyển chọn và tổ chức đào tạo 766 người với chế độ học bổng toàn phần; trong đó, phần lớn là con em đồng bào các dân tộc vùng dự án tỉnh Đắk Nông.
Đồng thời, Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã tham gia tích cực trong việc đầu tư phát triển hạ tầng, hỗ trợ cho địa phương các xã khu vực Dự án, huyện Đắk Rấp và các địa phương khác của tỉnh Đắk Nông, với kinh phí trên 70 tỷ đồng. Đơn vị chủ đầu tư dự án đã nộp ngân sách nhà nước khoảng 967 tỷ đồng.
Về phía địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Nguyễn Bốn cho biết, trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Đắk Nông đã xác định 3 hướng tập trung và đột phá chủ yếu là phát triển công nghiệp Bôxit - Nhôm; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và phát triển du lịch.
Tỉnh đã tập trung chỉ đạo, dành nhiều nguồn lực đầu tư và đến nay đạt được những kết quả bước đầu. Về phát triển công nghiệp Bôxit - Nhôm, qua nhiều nỗ lực đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ, phối hợp và hỗ trợ Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, đến nay, Nhà máy Alumin Nhân Cơ đã đi vào sản xuất, hoàn thành bước quan trọng cơ bản trong định hướng phát triển công nghiệp Bôxit - luyện Nhôm.
Đồng thời, tỉnh tập trung đầu tư hoàn thiện Khu công nghiệp Nhân Cơ giai đoạn 1, đến nay đã cơ bản bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư Dự án Nhà máy Điện phân nhôm Đắk Nông.
Dự kiến trong năm 2017, sẽ hoàn thành phần xây lắp nhà máy và tiến hành lắp ráp trang thiết bị, năm 2018 sẽ hoàn thành hạ tầng Khu công nghiệp Nhân Cơ giai đoạn 1, đồng thời dự kiến Nhà máy Điện phân nhôm Đắk Nông cũng sẽ hoàn thành và đi vào sản xuất, hoàn thành quy trình đầu tư để chuyển sang bước phát triển mới.
Bên cạnh đó, hiện nay, tỉnh cũng đang hoàn thiện các thủ tục, xử lý một số vướng mắc để xin chủ trương Chính phủ đồng ý mở rộng Khu công nghiệp Nhân Cơ giai đoạn 2, với diện tích khoảng 900 ha nhằm định hướng phục vụ phát triển công nghiệp nhôm bậc cao hơn, chế biến nhôm thành phẩm, mang lại giá trị cao hơn.
Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Đắc Nông mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý, để dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo an sinh xã hội và môi trường, trong thời gian tới, Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cần nâng cao năng lực quản lý, điều hành của Ban quản lý Nhà máy Alumin Nhân Cơ; trong đó, chú trọng nâng tính chuyên nghiệp, giảm chi phí trong quản lý, chống thất thoát, lãng phí trong quá trình quản lý.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong quá trình vận hành, khai thác nhà máy phải an toàn, không để xảy ra bất kỳ một sự cố nào liên quan đến môi trường, làm ảnh hưởng đến môi trường của khu vực cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Cùng với đó, đơn vị chủ đầu tư cũng phải có trách nhiệm với địa phương, hỗ trợ nhân dân nâng cao đời sống, tạo ra nhiều việc làm mới; tiếp tục nghiên cứu để có những dự án mới ở khu vực nhằm phát triển kinh tế của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.