Các cây gỗ quý được vinh danh là “Cây di sản Việt Nam” lần này có quần thể 11 cây thông ba lá, 2 cây muồng ngủ (còn gọi là cây còng), 1 cây gỗ giáng hương và 6 cây thông nàng (còn gọi là bạch tùng). Số cây cổ thụ được công nhận đều có tuổi đời trên 100 năm. Trong đó, cây gỗ giáng hương nằm trên lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ có tuổi đời gần 450 tuổi.
Theo Ban tổ chức buổi lễ, việc cơ quan chuyên môn công nhận số cây gỗ quý là “Cây di sản Việt Nam” sẽ tạo tiền đề tốt trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần bảo tồn nguồn gen thực vật, bảo vệ môi trường và nâng cao nhận thức, hiệu quả của công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam nhấn mạnh, việc công nhận nhiều cây gỗ quý, hiếm, tuổi đời hàng trăm năm tuổi tại xã biên giới Quảng Trực là “Cây di sản Việt Nam” sẽ góp phần thúc đẩy công tác bảo tồn, nghiên cứu khoa học và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu.