Kinh phí hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo từ nguồn vốn xã hội hóa do Bộ Công an huy động. Sau hơn 2 tuần triển khai, đến ngày 13/7, các đơn vị được giao phụ trách hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo huyện Nậm Pồ đã gia công được 150 bộ khung nhà và đã dựng hoàn chỉnh được 25 nhà. Những căn nhà kiên cố hóa chuẩn “3 cứng” (nền cứng, khung cứng, mái cứng) khi đến tay người nghèo đã “hiện thực hóa giấc mơ có nhà mới” của hàng trăm hộ dân có hoàn cảnh khó khăn nơi miền biên viễn Tây Bắc Tổ quốc.
Niềm vui đến từ những ngôi nhà mới
Ngày 14/7 là một dấu mốc quan trọng của chàng trai dân tộc Mông Giàng A Chu (sinh năm 1991, bản Nậm Thà Là, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên), bởi hôm nay Giàng A Chu được Đại diện Bộ Công an, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và chính quyền các cấp huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) bàn giao ngôi nhà mới. Đồng nghĩa với việc, từ hôm nay, anh Chu và vợ con đã là chủ sở hữu của một căn nhà khang trang, kiên cố, điều mà anh ước ao bao nhiêu năm qua đã thành hiện thực.
Anh Giàng A Chu chia sẻ, Chu lấy vợ và tách khẩu ra ở riêng từ năm 2013. Cuộc sống làm nương rẫy là chính, kinh tế gia đình khó khăn nên không thể dôi dư, tích lũy để sửa chữa căn nhà của gia đình. Vì vậy, gần 10 năm qua, cả 5 thành viên của gia đình anh phải sống trong căn nhà gỗ lụp sụp mái, thưng ván cong vênh, siêu vẹo, diện tích chật hẹp, ẩm thấp, không đảm bảo an toàn mỗi khi mưa to, gió lớn.
Không giấu niềm vui khi tự tay mở cửa, dẫn các con vào ngôi nhà mới, Giàng A Chu phấn khởi: “Có nhà mới kiên cố rồi, ước mong bao nhiêu năm thành hiện thực rồi, ai cũng hạnh phúc, vui vẻ cả. Từ đây không còn lo nhà dột ướt, mưa gió ẩm thấp mỗi khi mùa mưa về nữa. Có nhà mới, mình và vợ sẽ yên tâm hơn, chăm chỉ làm ăn để phát triển kinh tế gia đình ấm no hơn như sự mong đợi của mọi người đã quan tâm, giúp đỡ trao tặng nhà”.
Cùng chung niềm vui được sở hữu ngôi nhà mới theo chủ trương này còn có nhiều chủ hộ khác ở các xã Chà Cang, Nậm Tin, Nậm Khăn, Chà Tở, Pa Tần… Đây là những gia đình nghèo, chưa có nhà hoặc có nhà ở tạm, dột nát, hư hỏng, nguy cơ sập đổ; đã hoặc chưa được hưởng các chính sách hỗ trợ làm nhà ở thuộc các chương trình, dự án của Nhà nước triển khai trên địa bàn huyện Nậm Pồ.
Anh Sùng A Giàng (bản Nậm Thà Là, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ), người được giao nhận nhà mới theo chủ trương phấn khởi cho biết: “Được nhận nhà mới, các thành viên trong gia đình mình vui lắm. Bà con trong bản ai cũng vui mừng, phấn khởi. Có nhà ở đẹp, khang trang rồi, vợ chồng mình có điều kiện để chăm lo cho con cái học hành tốt hơn. Bản thân mình cũng sẽ yên tâm chăm chỉ làm kinh tế”.
Xuôi theo con dốc quốc lộ 4H về hướng cực Tây Tổ quốc, chúng tôi tìm đến nhà anh Thào A Dũng (sinh năm 1995, bản Nậm Thà Là, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên), cũng nằm trong diện được hỗ trợ làm nhà ở theo chủ trương này.
Từ đầu lối mòn nơi chân quốc lộ 4H dẫn xuống nhà Thào A Dũng, chúng tôi đã nghe rõ tiếng máy nổ của tổ thợ đang hàn cắt sắt, dựng khung nhà. Dưới cái nắng gắt của miền rừng, trên nền sân bê tông cứng, 4 người đàn ông đang chăm chỉ, luôn tay đo đạc, kẻ vẽ, cắt sắt, chống đỡ khung, hàn khung nhà. Thào A Dũng cũng hối hả, tất bật chung tay làm việc, phụ giúp tổ thợ dựng khung nhà. Tiếng động cơ máy nổ hàn cắt liên hồi, tiếng nói cười của mọi người, tiếng sắt va vào nhau tạo nên một không khí lao động khẩn trương, hiếm gặp ở nơi được bao bọc bởi bạt ngàn màu xanh của núi, rừng. Trong căn nhà gỗ cũ bên cạnh địa điểm dựng nhà mới, vợ và các con của Thào A Dũng cũng hướng mắt ra tốp thợ như gửi gắm sự mong mỏi căn nhà mới của gia đình sớm được hoàn tất.
Tạm nghỉ tay, anh Thào A Dũng chia vui: “Bao năm qua, phải sống trong căn nhà gỗ, khổ lắm. Mưa thì dột, trời lạnh thì ngồi đâu trong nhà cũng lạnh vì gió, sợ nhất là những khi mưa to, gió mạnh, ngồi trong nhà mà cứ sợ nhà nghiêng đổ, nguy hiểm lắm. Nhiều năm qua, mình cũng từng nghĩ đến việc là sửa lại nhà nhưng kinh tế gia đình khó khăn, không dành dụm được tài chính. Nay thì mọi thứ khác rồi, có nhà mới rồi thì không còn lo lắng gì nữa cả”.
Đổi thay diện mạo bản làng, tạo đà kinh tế vùng biên
Huyện Nậm Pồ nằm phía Tây Bắc, cách trung tâm tỉnh Điện Biên 140 km, toàn huyện có 15 xã, trong đó có 8 xã biên giới giáp Lào với chiều dài đường biên gần 120km. Sinh sống trên địa bàn huyện có 8 cộng đồng dân tộc, trong đó cộng đồng dân tộc Mông chiếm tỷ lệ lớn nhất (69,18%)... Đến hết năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 56%; trong đó các hộ nghèo chưa có nhà ở, nhà ở tạm, dột nát còn khoảng trên 1.000 hộ. Thực tế này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn huyện.
Theo ông Lê Khánh Hòa, Bí thư Huyện ủy huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, cho biết: Thực hiện chủ trương làm nhà ở cho hộ nghèo huyện Nậm Pồ do Bộ Công an phát động và Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) tài trợ; đây là dịp để huyện Nậm Pồ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện và góp phần từng bước hoàn thiện tiêu chí số 9 (Nhà ở dân cư) trong Chương trình Xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn. Đặc biệt, đối với địa bàn biên giới, có vị trí trọng yếu, chiến lược trong an ninh quốc phòng, việc hỗ trợ làm nhà ở cho người dân có ý nghĩa rất lớn, nhằm tạo lập cuộc sống tốt hơn cho nhân dân, qua đó tạo sự ổn định về an ninh chính trị, trật tự xã hội, tạo lập tiền đề tốt để địa phương thực hiện thành công các mục tiêu khác, đưa diện mạo nông thôn vùng biên đổi thay, phát triển tích cực.
Thực hiện kế hoạch số 1484/KH-UBND ngày 26/5/2020 của UBND tỉnh Điện Biên về triển khai thực hiện chủ trương hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo huyện Nậm Pồ, đến nay các đơn vị được UBND tỉnh Điện Biên giao nhiệm vụ hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo huyện Nậm Pồ (Công an tỉnh, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh; Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Đoàn kinh tế - quốc phòng 379 và huyện Nậm Pồ) đã thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc và xây dựng kế hoạch cụ thể, triển khai thực hiện đồng loạt trên địa bàn; chủ động phối hợp với các xã trong huyện để rà soát, khảo sát các đối tượng được hỗ trợ làm nhà ở đủ điều kiện triển khai thi công; tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân và các đơn vị lực lượng vũ trang đóng chân trên địa bàn xã tham gia vận chuyển vật liệu, san nền nhà...
Qua công tác rà soát, điều chỉnh, bổ sung, tổng số hộ thuộc diện được làm nhà ở mới tại Nậm Pồ là 587 hộ, số còn lại (57 hộ) được làm mái và nền; làm nền và khung; làm mái và khung... với tổng mức kinh phí thực hiện gần 30 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này do Tập đoàn Điện lực Việt Nam tài trợ.
Theo Kế hoạch, các hộ thuộc diện được xây nhà mới có mức hỗ trợ tối đa 50 triệu đồng/hộ; gia đình có nhà cải tạo, sửa chữa được hỗ trợ không quá 15 triệu đồng/hộ. Ngoài ra, đối với những hộ được hỗ trợ làm mới, kinh phí hỗ trợ đảm bảo xây nhà tối thiểu 36 m2. Những gia đình neo đơn có từ 1 đến 3 nhân khẩu, những hộ ở thôn bản xa trung tâm, khó khăn trong việc vận chuyển nguyên vật liệu, diện tích nhà có thể nhỏ hơn nhưng tối thiểu 30 m2.
Theo ông Lê Khánh Hòa, Bí thư Huyện ủy huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, để đảm bảo việc giao nhà sớm nhất, sớm ổn định an sinh, xã hội cho người dân, các đơn vị được giao nhiệm vụ đã phối hợp thực hiện rà soát, khảo sát vị trí, san lấp nền, chuẩn bị xong nền nhà, đảm bảo cho việc triển khai dựng nhà. Đến nay, toàn huyện đã gia công được khoảng 150 bộ khung nhà và đã hoàn chỉnh 25 nhà. Công tác tập trung vật liệu chuẩn bị thi công, sản xuất khung nhà... đang được các đơn vị đẩy nhanh thực hiện trên “đại công trình” có ý nghĩa thiết thực, nhân văn này.
Nỗ lực “vượt nắng, thắng mưa” hoàn tất trước ngày 30/8
Việc triển khai chương trình làm nhà ở cho người nghèo ở huyện biên giới Nậm Pồ trải rộng trên địa giới hành chính 15 xã của toàn huyện, với diện tích rộng lớn (tổng diện tích tự nhiên gần 150.000 ha); địa hình chia cắt do nhiều núi, đồi, sông suối; giao thông đi lại khó khăn và đặc biệt là Tây Bắc đang vào mùa mưa. Đó là những yếu tố rất khó khăn, cản trở công việc tập kết vật liệu, máy móc, thiết bị, vật tư dựng nhà. Bên cạnh đó, các bản làng nằm cách xa nhau, cách xa trung tâm xã và do tập quán sinh sống của người dân nên có những địa điểm làm nhà nằm ở vị trí trên đồi, hoặc qua núi, suối, việc đảm bảo nguồn điện vận hành máy hàn, máy cắt sắt dựng khung nhà cũng gặp nhiều trở ngại.
Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực tập trung của các đơn vị được giao phụ trách, mọi khó khăn đã “hóa giải”. Với phương châm “Nhà nước hỗ trợ - nhân dân làm nhà” và nguyên tắc “Cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình làm nhà”, thời gian qua, công tác tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa về chủ trương làm nhà cho người nghèo trên địa bàn được các đơn vị và địa phương triển khai sâu rộng, thường xuyên đến tận các bản làng, qua đó tạo sự đồng thuận của mọi tầng lớp người dân, dễ dàng tháo gỡ những khó khăn khách quan khi thực hiện các hạng mục công việc.
Trong thời gian tới, huyện Nậm Pồ tiếp tục tập trung tuyên truyền chủ trương hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ nghèo trên địa bàn huyện; phối hợp với các đơn vị được giao và Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức giám sát chất lượng công trình; đồng thời hoàn chỉnh hướng dẫn của huyện về công tác phối hợp nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào sử dụng, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, thanh toán vốn tài trợ theo yêu cầu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và hướng dẫn của UBND tỉnh Điện Biên.
Ông Lê Khánh Hòa, Bí thư Huyện ủy huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, cho biết: Địa phương sẽ thực hiện theo hình thức nghiệm thu cuốn chiếu, bản nào xong nghiệm thu bản đó; xã nào xong nghiệm thu xã đó, hoàn thiện thủ tục thanh, quyết toán ngay, tránh để chậm trễ trong việc nghiệm thu, thanh, quyết toán. Về phía huyện Nậm Pồ, phấn đấu sẽ lắp dựng mới, sửa chữa xong toàn bộ 156 nhà trên địa bàn 5 xã trước ngày 25/8; các đơn vị còn lại phấn đấu lắp dựng, sửa chữa xong 459 nhà trên địa bàn 10 xã còn lại trước ngày 30/8.
Đại tá Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Chánh văn phòng Bộ Công an cho biết: Việc triển khai làm nhà ở cho người nghèo ở huyện Nậm Pồ đã được sự chỉ đạo rất sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương, mà nòng cốt là các đơn vị lực lượng vũ trang, qua việc tập trung huy động sức người, sức dân, sức của để triển khai hiệu quả chủ trương, làm tốt công tác an sinh xã hội cho đồng bào nghèo với tinh thần “lá lành đùm lá rách”. Việc làm nhà ở cho người nghèo tại huyện Nậm Pồ đã có cách làm rất nhanh chóng, hiệu quả và rút gọn được những thủ tục, công đoạn không thật sự cần thiết, để có kết quả là 615 ngôi nhà ở sẽ được bàn giao cho người dân, đưa vào sử dụng trước dịp 30/8. Đây là một nguồn vui, hạnh phúc chung trước dịp Quốc khánh 2/9 - một cái Tết độc lập thật ý nghĩa đối với người dân thuộc các cộng đồng dân tộc ở vùng biên cương.